Vụ Kim Ngân – ‘Lượm’ Thùy Dương: Nhân tính, truyền thông và năng lực từ bi của người

Cuộc đời cứ hồn nhiên, vô tư diễn tiến theo ý nó muốn.

Câu chuyện về cô ‘Lượm’ Trần Thị Thùy Dương té ra vẫn chưa kết thúc, cơ chừng để lại hệ lụy khó ngờ cho những ai liên quan; cả nhân vật chính tạo nên hiện tượng, đài VTV, cô Lượm thật, Văn phòng Luật sư AIC, lẫn người nghĩ mình có quyền đánh giá trực tiếp nhân cách kẻ khác trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Đây là trích đoạn từ cú phỏng vấn độc quyền người dẫn chương trình Người Xây Tổ Ấm (NXTA)– nữ nhà báo Kim Ngân.

Tôi đau đớn  vì cô ấy lừa tôi, nhưng tôi phẫn nộ vì cô ấy cả gan lừa các khán giả của tôi, những người khóc vì cô ấy, sẵn sàng cho cô ấy tiền, nhận cô ấy vào làm, chữa bệnh cho con cô ấy. Tôi nhìn ra sự bất lương trong con người đang tâm lừa hàng triệu khán giả là: bị cha mẹ bỏ rơi ngoài ghế đá công viên, trong khi cha mẹ cô ấy mang nặng đẻ đau, nuôi cho ăn học, gả chồng. Cô ấy đã biến họ – đấng sinh thành ra mình thành những kẻ nhẫn tâm bỏ rơi con. Thử hỏi ai tha thứ được tội bất hiếu này ?

Người phụ nữ của sóng truyền hình từng tâm sự với báo chí, chồng cô cáng đáng chuyện lớn trong nhà, bí quyết của gia đình cô là vạch ra đường hướng để các con thực hiện thay vì kiểm soát chúng suốt ngày; rằng, giờ các con đều đi du học hết nên thời gian chủ yếu cô dành cho công việc.

Trước thời điểm cuộc phỏng vấn trên được đăng tải, nhân vật chính Thùy Dương đã tỏ thái độ ‘ngơ ngác, bất bình‘ sau khi phát thanh viên NXTA chính thức ‘lấy làm tiếc‘… và dân Huế thì bất ngờ thương Lượm, phản đối VTV.

Cô Thùy Dương cũng làm bản tường trình như là lời trình bày lần cuối, đồng thời trả lại tiền bạn đọc ủng hộ cho ‘Lượm’ (nhờ thế, người ta biết thêm có trường hợp nữa tên Lượm).

Tờ Phụ nữ & Đời sống biên tập lại đề nghị truy tố Thùy Dương của Văn phòng Luật sư AIC, vừa công bố trên Tin tức online Dân Việt hôm qua.

Như thế, tin tức mới nhất cho hay, những người thực hiện chương trình cảm thấy bị xúc phạm và đang hết sức bực tức đến độ mà họ quyết làm cho ra nhẽ, để người có tội phải gánh chịu hình phạt thật xứng đáng mới thôi.

Sẽ là không thừa nếu thắc mắc rằng cái gì, vì sao bà Kim Ngân cùng cộng sự lại bị lừa thế, và tôi e đây còn là câu hỏi chưa thể trả lời rốt ráo vì cách đặt vấn đề hời hợt, bề mặt.

Áp lực lớn nhất không phải từ dư luận, mà là từ chính bản thân tôi. Tôi luôn tự trách mình, tại sao tôi lại bị 1 kẻ như vậy lừa, để làm khán giả bị tổn thương . Tôi và các đồng nghiệp đã rà soát  lại các công việc, để sự cố như vậy không bao giờ xảy ra nữa.

Và chẳng có chi là ngoa ngoắt nếu thẳng thắn nói rằng họ đang sử dụng quyền lực, vị thế và trọng trách xã hội để hiếp đáp kẻ yếu thế, chủ yếu cho hả cơn nổi giận mang đầy tinh thần chấp ngã bằng cách nhắm vào cô ‘Lượm’-Trần Thị Thùy Dương– như một hình ảnh minh họa cho ý niệm ghê gớm trên.

Dù khá sát thực khi nhắc tới trách nhiệm và trình độ chuyên môn của một Đài truyền hình quốc gia, song thiển nghĩ đời thường hơn, những gì bà Kim Ngân bộc bạch chỉ càng chứng tỏ bản thân bà đang bị vô minh lôi kéo được thể hiện qua sự chủ quan hết sức buồn cười (chỉ cần đọc phản hồi trên các báo điện tử đưa tin liên quan là đủ rõ).

Tôi tin , những khán giả 11 năm qua trung thành với chương trình, sẽ đủ bản lĩnh để phân biệt đâu là nhân cách của cô Kim Ngân, người dẫn dắt chương trình, đâu là tai nạn nghề nghiệp của cô ấy và cô ấy sẽ có được một bài học quí báu trong công việc và trong cuộc đời của mình. Tôi không tin rằng, những khán giả 11 năm nay khóc, cười, ủng hộ, đồng cảm với những số phận trong chương trình của Kim Ngân lại có thể thay đổi cách nhìn của họ chỉ qua 1 sự cố mà họ biết rõ, tôi và các động nghiệp Tintuconline  là nạn nhân.

Đây chính là lúc nhắc tới nhân tính. Với cá nhân tôi- danh hiệu “MC nhân ái” như kiểu gà nhà nâng hứng nhau- nằm trong chuỗi nhân quả tất yếu khi người làm báo đã quên mất rằng họ phải là người tiêu thụ tốt chính sản phẩm của truyền thông.

Vậy là chị không chỉ giới thiệu những câu chuyện đó mà còn tìm cách giúp đỡ cho họ?

Ban đầu khi làm truyền hình thì tôi chưa có ý nghĩ đấy trong đầu, càng làm càng đam mê và mong muốn được đưa những câu chuyện đó lên sóng và giúp được người ta. Sau này thì tôi nhận ra rằng câu chuyện hậu phóng viên còn nhiều hơn cả những điều trên màn hình. Ví dụ như chúng tôi vừa làm câu chuyện về “Mối tình đầu của cô bé Lượm”, một cô bé vô cùng bất hạnh và sau chương trình đó thì chúng tôi vẫn đang tìm công việc cho Lượm, tìm nguồn kinh phí để con trai của Lượm có thể được mổ tim bẩm sinh. Tất cả những điều đó rất thú vị và bận rộn.

Bài phỏng vấn thực hiện tầm một tháng trước, lúc chưa xảy ra sự cố, càng chứng tỏ bà Kim Ngân rất giỏi kỹ năng ‘khai thác’ đối tượng, song lại là cách PR kém cỏi vì cho thấy bà mải mê với hình ảnh làm đại nhân truyền thông (media mogul) cuốn theo danh lợi hơn là tập trung cho việc xiển dương nguyên tắc liêm chính (integrity) lẫn đòi hỏi không ngừng phẩm chất tử tế (kindness).

Lại nhớ vụ ‘đệ nhất MC’ Lại Văn Sâm dịch đểu lời phát biểu của diễn viên Ngô Ngạn Tổ. Thực tế thì các chính trị gia, nhà sản xuất truyền hình, đại nhân truyền thông,… — do nhiều lý do khác nhau– họ nghĩ, mọi người ngu ngốc; hoặc họ cho rằng, họ không đáng quan tâm ở một vài khía cạnh, lĩnh vực nào đó nên mọi người cũng không hề dõi theo, quan sát và đánh giá họ.

Công chúng đòi hỏi và khao khát chất lượng, tính chuyên nghiệp khi đưa tin, song không phải theo hướng có cảm giác bị ấn tống hoàn toàn với tính thống trị nhất định để bảo khán, thính giả phải suy nghĩ thế này hay hành động như thế kia.

Một trong những tác động lớn lao của truyền thông đại chúng  trong một xã hội truyền thông là khi tham gia thảo luận, người ta nhận ra nhiều từ quan yếu- làm nền tảng dựng xây xã hội tốt đẹp- đang dần mất đi ý nghĩa đích thực của nó như ‘thương yêu’, ‘bằng hữu’, ‘chia sẻ’, ‘tha thứ’,…

Khán giả có quyền của khán giả. Phê phán hay chia sẻ, cảm thông, tất cả là phụ thuộc vào cái nhìn của họ đối với cá nhân tôi và chương trình của tôi. Tôi nghĩ, khán giả thực sự của Người xây tổ ấm sẽ không phải là những người té nước theo mưa, thấy 1 số người chưa đủ thông tin về hành vi lừa đảo có chủ ý, có hệ thống, lừa đảo đến cùng của Lượm mà đã lên tiếng phán xét chúng tôi, thì cũng vào hùa. Nếu khán giả của tôi có cái nhìn rộng lượng, và từng chia sẻ với các chương trình có những nhân vật phạm tội, phải vào tù, rồi làm lại cuộc đời…thì họ cũng chẳng việc gì phải nói a dua theo những người chỉ nói ra để thỏa  mãn mục đích của cá nhân mà không nghĩ đến 1 điều, là trước hết  cần lên án mạnh mẽ kẻ táng tận lương tâm, dám bịa ra 1 câu chuyện dối trá, biến cha mẹ mình thành những kẻ tội đồ, bỏ rơi con, lợi dụng báo chí, truyền hình để trục lợi. Chúng ta phải sống và làm việc theo pháp luật . Và  không vì lý do gì mà “ chia sẻ , thông cảm “ cho những kẻ lừa đảo.

Và dưới cái nhìn này, hành vi hình sự hóa của Văn phòng Luật sư AIC khi đề nghị truy tố cô Trần Thị Thùy Dương chỉ khẳng định thêm thói vô cảm, trơ trẽn và hợm hĩnh của những người lầm tưởng mình giỏi chuyên môn mà không hề chú tâm tới hiệu ứng xã hội cũng như lắng nghe sâu thẳm lòng mình.

Chính mong mỏi lèo lái dư luận của những nhân vật chức quyền và danh tiếng này nọ đích thị là sự lừa bịp, dối trá. Và lần nữa, như nghiên cứu chỉ ra, sự lừa dối này gây ảnh hưởng tới ký ức lẫn niềm tin về những nguyên tắc, luật lệ cần tuân thủ.

Do không thể thay đổi quan niệm về bản thân (self-concept) rằng mình cơ bản là người tốt, nên mình cứ làm việc tiêu cực và sai khiến cho điều đó được cảm thấy đáng chấp nhận về mặt đạo đức.

Từ bi (compassion) do đó, cần thiết đi kèm với thương yêu để ứng xử của ta vẹn nguyên động cơ thực sự sống với, sống vì người khác.

Nếu tôi nói với anh, tôi đủ lòng nhân hậu để tha thứ cho Lượm, thì đó chỉ là câu nói cho khán giả báo chí vui lòng. Thật khó mà tha thứ, bởi Lượm đã đụng vào lãnh địa thiêng liêng nhất của tôi, đó là khán giả . Tha thứ thế nào , khi cô ấy đã lừa khán giả của tôi , những cụ ông , cụ bà cao tuổi , run run chống gậy đến Đài TH, nhờ gửi cho anh A, chị B , cháu C vài trăm ngàn đồng trích từ đồng lương hưu ít ỏi, vì “ cả đêm qua tôi không ngủ được, hình ảnh họ cứ ở trong đầu chúng tôi “ ? Tha thứ thế nào, khi mà vì cú lừa của cô ấy, có thể có những khán giả của tôi sẽ dè dặt khi muốn giúp cho 1 trái tim non đang thoi thóp , đang chờ được sống. Dân tộc ta mạnh, vì chúng ta gắn kết với nhau bằng yêu thương, đùm bọc, lá lành đùm lá rách, những kẻ như cô ấy làm hoen ố những đạo lý đẹp của người Việt chúng ta.

Xem lại clip NXTA “Mối tình đầu của Lượm“, sẽ dễ hiểu vì sao bà Kim Ngân lại cay cú và chuyển thái độ ngược hẳn sau khi cú lừa của cô ‘Lượm’ bị phát giác; ban ơn, dẫn dắt, không chú tâm lắng nghe hay nhịp cùng tâm trạng của đối tượng, thiếu đồng cảm và chẳng tìm thấy sự kết nối xác thực trong quan hệ là những lý do giải thích vì sao nội dung cảm xúc không chỉ báo chắc chắn tính đúng đắn của ký ức ở người được mệnh danh là ‘MC nhân ái”, để rồi chính bà tiếp tục phát ngôn quy lỗi hết sang người khác, và như thể chính mình liên đới trách nhiệm là điều hoang tưởng vậy.

Tai nạn này , trước hết , do có 1 sự dàn xếp bài bản, chủ động, quyết lừa đến cùng của nhân vật Lượm và nhiều nhân vật khác mà cô ta thuê, nhờ, mượn đóng vai để lừa chúng tôi qua từng giai đoạn, từ giả  mạo email , giả mạo làm người chữa bệnh cho con cô ta ở Huế, giả mạo là bạn người yêu cô ta . bà dì ruột thì giả mạo làm người cưu mang cô ta …. Nên việc kiểm chứng là rất khó.

Thứ 2, cũng có 1 phần do chúng tôi đã ưu tiên cô ta, khi được biết, cô ta có con bị tim bẩm sinh. Đã tham gia chương trình “ Trái tim cho em “ mấy năm nay, tôi biết, có sự chia sẻ của khán giả  con cô ấy sẽ được cứu ngay lập tức, nên tôi nghĩ, phải cứu cháu bé.

Thế giới truyền thông cùng nền văn hóa xiển dương hình ảnh và giá trị cái tôi ngày nay, quả là lắm trò thị phi khủng khiếp, biến hóa khó tưởng tượng tới nổi thật.

0 thoughts on “Vụ Kim Ngân – ‘Lượm’ Thùy Dương: Nhân tính, truyền thông và năng lực từ bi của người”

  1. Trời ơi, tin tức lại gây choáng khi đọc Thư của Lượm từ chối trả tiền báo Vietnamnet (địa chỉ gốc không còn truy cập được):

    “Em ơi!

    Chị Thảo ở Tintuconline nè.

    Phòng kế toán của Vietnamnet yêu cầu em hoàn lại số tiền 3triệu đồng mà chị Đặng Hương đã đưa cho em để lo chi phí ăn ở, đi lại khi hai mẹ con em ra Hà Nội quay chương trình Người xây tổ ấm.

    Em chuyển vào tài khoản của Báo giúp chị nhé:”

    Phải chăng, tình hình tâm tư phản ứng như câu thơ Kiều miêu tả, “Ma dẫn lối, quỷ đưa đường- Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi” (?!)

    Mong bình yên cho tất cả,

  2. người Việt

    Không bên nào đúng hết và cũng không bên nào sai hết. Trong vụ này, người có học vấn cao thì có cách cư xử thấp, lùn và đáng bị chê trách khi chối bỏ trách nhiệm. Trên chiến trường là kẻ thù không đội trời chung nhưng khi đối phương đã dương cờ trắng thì vẫn được tha mạng. Người làm nhân ái nên học thuộc bài “Thế nào là nhân ái?” trước khi làm một việc gì đó gọi là nhân ái.

  3. người Việt

    Trên thị trường tôi chỉ thấy “cân Nhơn Hòa”;cân điện tử 2, 3, 4 số, cân tiểu ly v.v… “Cân Nghim” chưa thấy nên không biết mức độ chính xác cỡ nào?

    1. Xin lỗi, tôi không biết ‘Cân Nghim‘ nghĩa là gì…

      Quả là NXTA khó thuyết phục người ta tin vào thiện ý muốn dựng xây gia đình hạnh phúc và bình yên của họ.

      Về lý, khó xử lý cô Dương tội hình sự, như ý nhà Đài khi xin tham vấn giới luật sư tên tuổi.

      Hy vọng, đây sẽ là tin cuối cùng về vụ việc ngày càng thêm ì xèo và quá bèo nhèo này.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top