“Bạn trai hay khóc mỗi khi cãi nhau”: chịu đựng, chia tay rời xa, hoặc như thế nào mới phải đây?

Quả là ở đời, như các cụ bảo, ‘sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật’.

“Anh ấy hay khóc lúc cãi nhau” tức là người có tính cách hờn dỗi, dễ phẫn uất và đang trong thế yếu. Có lẽ bạn có nhiều điểm lợi thế hơn nên anh ấy chỉ còn biết dùng “vũ khí khóc” vốn có trong tính cách. Khi bạn im lặng tức là không giúp anh ấy giải phóng ức chế, từ đó ức chế gia tăng mà để trong đầu nó không chịu nổi nên “đập đồ”, nếu không đập đồ, họ có thể đánh người đối diện, nhưng do “sợ” không dám đánh người đối diện thì tự đánh mình nhằm thuyết phục người kia. Tính cách này có thể thay đổi khi anh ta “chuyển sang thế mạnh”  khi bạn là vợ anh ta.

Bạn phân tích không có kết quả gì đâu vì tính cách là sự tích lũy từ gene đến quá trình sinh ra đến nay với nhiều sự tác động. Nếu bạn đủ sức thay đổi tính cách anh ta thì bạn cũng đáng bậc thiên tài. Bạn chỉ có thể nương tựa vào tính cách anh ta rồi từ từ can thiệp tế nhị như “dạy em bé”, lúc đó mới hy vọng biến đổi tính cách.

Bạn muốn giúp anh không hành động như vậy thì trước hết phải “sống chung với lũ” rồi qua đó tìm ra dòng chảy của lũ để tránh lũ, đắp đê, đắp bờ… ngăn lũ từng phần thôi, chứ mong “hết lũ” là không tưởng.

Bạn lưu ý khi bình thường chưa bị ức chế mạnh thì người ta dễ ngụy trang tính cách nên khó phát hiện, hoặc lúc bình thường thì người ta thỏa mãn nên không bộc lộ tính gia trưởng.

Chúc sự sáng suốt.

Người ta khóc vì nhiều lý do khác nhau; vả, khóc có thể biểu hiện cảm xúc, phụ thuộc thói quen hoặc/ và lắm khi chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh tác động, chứ nó đâu hoàn toàn chỉ phản ánh thuần tính cách.

Không khó thấy động cơ cô gái viết thư muốn biết tại sao bạn trai mình lại thường biểu hiện thế và những gì có thể làm để người yêu thay đổi.

Cũng chẳng cần thiết cãi nhau mà làm gì, há chẳng phải cả thực tế lẫn lý thuyết đều đang tiếp tục chứng thực vai trò của các chương trình giáo dục và phát triển tính cách đó thôi; để trở thành một người tốt hơn, trẻ con được dạy các giá trị luân lý đạo đức cơ bản và các tiêu chuẩn của hành vi ứng xử.

Cơ chừng sự thật về bản chất con người nằm đâu đó giữa các tán thành hết sức khác biệt của nhà tâm lý học, khoa học gia hành vi, triết gia và các nhà tư tưởng tôn giáo.

Mình có thể tóm tắt nhiều giả định ẩn sâu của các trường phái truyền thống tư duy theo tâm lý học về phương thức người ta trở nên nhiễu loạn và làm thế nào trợ giúp họ lành hiền lại theo cách này: Con người vốn là tốt đẹp và cơ cấu hướng tới lành mạnh. Họ trở nên trục trặc, ốm yếu, bệnh hoạn bởi vì những điều tồi tệ hoặc ‘sang chấn, gây thương đau’ xảy đến… Họ phát triển những nỗi sợ hãi và bất an như kết quả của sang chấn, đau thương trải nghiệm rồi học hỏi đương đầu theo các cách ít nhiều tối ưu nhất có thể. Với thấu cảm, tôn trọng tích cực vô điều kiện và hỗ trợ, nâng đỡ, họ có thể chữa lành các vết thương chỗ đau nhức, vượt qua nỗi niềm sợ hãi, và dần nghiêng tự nhiên lần nữa tới đời sống lành mạnh, thương yêu và từ bi.

Một số trường phái triết học và tôn giáo chấp nhận quan điểm đối lập: Con người cơ bản là tạo vật tội lỗi hoặc ‘sa ngã’, mang nhiều khuyết thiếu rõ ràng. Không có sự dẫn dắt thích hợp từ một quyền năng cao hơn, và cứ để mặc cho anh ta thế, con người sẽ dần tụt dốc, rơi xuống vào các kiểu dạng của suy đồi, khiếm nhã và trụy lạc. Nhu cầu lớn lao nhất của anh ta là được ‘cứu vớt’, đặc biệt tự do khỏi chính bản thân anh ta.

Cũng có tranh luận về nan đề quen thuộc ‘tự nhiên đối lập với nuôi dưỡng’ (nature vs. nurture). Cả thời gian dài, các khoa học gia hành vi khẳng định tất cả chúng ta thảy đều giống nhau ở sự kiện rằng chúng ta bị xử lý, trở thành đối tượng của những tác động môi trường và chuyện ngẫu nhiên rất khác biệt. Song đã có đầy bằng chứng rằng một số khuynh hướng hành vi nào đó chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các yếu tố di truyền và các yếu tố cấu hợp khác.

Và như thế, cơ chừng sự thật về bản chất con người nằm đâu đó giữa các biểu tỏ cực đoan bên trên. Con người hoặc là tính bản thiện hoặc vốn ác độc. Và anh ta hoặc phó mặc cho các genes cùng các chất hóa sinh trong người hoặc chỉ là một robot được đặt định thân phận chỉ có hành xử như môi trường lập trình để anh ta hành động thế. Anh ta cũng không hiển nhiên khuyết thiếu. Và dù được phú cho một nền tảng động vật với một số bản năng nguyên thủy, anh ta có năng lực đáng giá đặng ý thức về chuyện học hỏi và triển nở, điều khả thể giúp anh ta trở thành một cái gì lớn lao hơn thứ chỉ là động vật. Đó thuộc về các tiến trình xã hội hóa (socialization) và phát triển tính cách; và nó là một tiến trình đau đớn, khổ sở, phức tạp và kéo dài suốt đời người ta.

Việc xây dựng tính cách là tiến trình suốt đời chúng ta thấm nhuần dần nguyên tắc kỷ luật bản thân và nảy sinh các năng lực để sống có trách nhiệm với những người khác, để làm việc năng sản, và trên hết, để yêu thương… Liệu yêu thương đích thị là hành vi, hay nó là một cảm xúc, một nghệ thuật, hoặc một trạng thái tâm trí?

Thậm chí, dù cho một người có thể khởi sự cuộc đời mình như một tù nhân của những gì tự nhiên cho sẵn và lớn lên từ những hoàn cảnh nọ kia, anh ta không thể mãi mãi duy trì là ‘nạn nhân’ của môi trường sống. Rốt cuộc gì gì, mỗi người đều buộc phải tiến tới sát hợp với con người của chính anh ta/ chị ta. Để hiểu biết bản thân, để đánh giá đúng đắn và công bằng các điểm mạnh yếu, ưu khuyết, để đạt được sự khôn ngoan đích thực vượt qua các bản năng và dốc nghiêng cơ bản chắc chắn là những thách thức ghê gớm nhất trong đời. Mà không thể khác được, việc bất kỳ ai vươn tới một đời sống liêm chính, tích hợp và xứng đáng chỉ có thể là kết quả của một sự tự bừng dậy, đánh thức toàn diện, đủ đầy. Một con người rồi ra phải hiểu biết bản thân cũng như hiểu biết người khác mà không lừa lọc, dối trá hoặc chối bỏ, phủ nhận. Anh ta phải chân thành đương đầu và ước định tất cả các khía cạnh của tính cách chính mình. Chỉ khi đó rồi anh ta mới cảm thấy thoải mái gánh lấy trách nhiệm nặng nề tự lực rèn luyện vì bản thân và vì người khác. Cái đó gọi là tình yêu khi tự do lựa chọn chịu đựng gánh nặng hoặc ‘thập tự giá’ này. Và đó là ước ao cùng cam kết của một người để mang vác ‘thập tự giá’ ấy cho đến chết ngõ hầu mở ra các cánh cửa dẫn đến một nơi chốn tồn tại cao cả hoặc tái sinh dưới hình tướng sáng lạng hơn nhiều.

… Giờ với quan điểm chúng ta đang sống đời thường trong một thế giới rất liên quan và tương thuộc nhau, thử quay lại bàn thêm về vụ “bạn trai hay khóc mỗi khi cãi nhau”.

Bạn trai của cô gái  có vẻ thể hiện nhiều đặc tính thuộc nhân cách hơn là biểu hiện sự vụ tâm thần; các vấn đề xung hấn, uy quyền và độ ổn định xã hội như thế thường dễ liên quan với các rối loạn nhân cách (personality disorders). Cơ chừng cô gái đang hẹn hò với một người thuộc dạng thấy mình kém cỏi, thích kiểm soát và lạm dụng cảm xúc.

Từ cái nhìn thực tiễn, cho dù vị thế đích thực của cậu chàng như nào thì tình hình đang tiếp tục gây hại cho cô gái. Các cá nhân mắc rối loạn nhân cách như thế luôn định hướng xoay quanh bản thân mình. Họ thao tác các mối quan tâm theo chương trình riêng. Như cô gái có lưu ý, anh ta không lưu tâm chuyện cô gái đang khó chịu, tự gây hại chính mình, hoặc ngay cả nhen nhóm dự tính chia tay, chần chừ kết hôn vì mỏi mệt, lo sợ cho tương lai bị bạo hành. Anh chàng bộ đội hoàn toàn thừa khả năng làm cô người yêu kiệt sức về mặt cảm xúc thông qua chuyện cậu ta khóc lóc, mè nheo, thể hiện tội lỗi, và vâng, thậm chí hàm ý đe dọa. Khi cô gái bị tràn lấp bởi những thao túng, điều khiển của cậu ta và quay trở lại chịu đựng tiếp tục (“Bình thường thì anh tỏ ra rất tình cảm và yêu thương mình”) thì anh lính lại quay về thói cũ, lề xưa.

Theo mô tả, thái độ kiểm soát của anh lính là điều cần được nhấn mạnh trong mối quan hệ này, và nghe như thể chàng tin vào một tiêu chuẩn kép (kiểu mình được phép còn nàng thì bị hạn chế); mẫu hình như thế là không lành mạnh và dễ trở nên tồi tệ hơn cùng thời gian, nhất là sau khi đã thành chồng vợ của nhau. Hành vi kiểm soát của chàng có thể tăng lên thêm nữa khi nàng tìm ra các biện pháp ứng phó hữu hiệu. Với tuổi trẻ đang là, cô gái cần khám phá sự độc lập mà không để bị bó buộc không chính đáng. Nếu cô gái dần thấu hiểu đúng đắn mọi sự, anh lính kia dễ thấy quá chừng bất an và thiếu chín chắn trưởng thành cho kiểu dạng quan hệ mà cô gái mong đợi trong đời.

Thật tiếc khi nghe thấy cô gái cảm thấy lo lắng và bị xáo trộn với những xúc cảm cùng hành vi như thế, dễ khiến cô gái khó kiểm soát nổi tình hình. Nhất là khi cô nhiều xúc cảm đổ tràn ra, mức độ stress tăng lên bởi vì cô đang cảm thấy giận dữ với chính bản thân, để rồi đổ dầu thêm vào ngọn lửa bất mãn trong quan hệ.

Hãy để cô gái vào vai rằng mình bắt đầu khóc lóc và cảm thấy khó kiểm soát, tôi tự hỏi những gì cô ấy lưu ý nơi mình trước khi cô ấy khóc; có lẽ ấy là cảm giác mạch đập dồn dập, các cơ căng ra, hơi thở thay đổi… Nếu lưu ý những biến chuyển này trước khi rơi lệ cho cô cơ hội thay đổi chiều hướng trò chuyện với người yêu, nói bằng phong thái nhẹ nhàng và xác quyết, hoặc muốn tạm rút lui thật nhũn nhặn khỏi buổi trao đổi cho đến khi bản thân cảm thấy bình tĩnh, thoải mái hơn. Cô gái cũng có thể cân nhắc để xem xem chức năng khóc như một sự “lưu hành bôi trơn” cho quan hệ của họ, bất kể cô có xu hướng đổ lệ nhiều hơn trong các tương tác căng thẳng với ai đó khác (ví dụ, thủ trưởng, bố mẹ, người thân thiết…) so với số còn lại (ví dụ, bạn bè bình thường, đồng đội, người lạ tình cờ gặp gỡ). Cơ chừng việc khóc của cô gái nhằm hướng tới việc khuếch tán sự giận dữ của họ và kết thúc sự xung đột; nó được việc kết thúc thảo luận, trao đổi trong chốc lát song không giải quyết nổi vấn đề ẩn sâu bên dưới đang gây phiền muộn cho người khác (nghĩa là nó sẽ trở đi trở lại thêm mãi).

Kiểu dạng người cảm thấy mình thất bại, thua cuộc và kém cỏi tạo ra nhiều thiệt hại về mặt xã hội, cảm xúc và tâm lý trong một mối quan hệ. Người ấy thường trực các tính cách làm nên sự thiệt hại này. Có những nét tính cách họ chấp nhận đơn giản như nó thể hiện vậy mà không hề nghĩ trở thành một vấn đề hoặc trục trặc về mặt tâm lý. Ở góc độ nào đó, họ luôn sống với nét tính cách và hành vi này, thường thì là điều gì đó họ học hỏi được từ người thân trong gia đình. Các nhà tâm lý hay trị liệu nạn nhân của kiểu dạng người vừa nói trên (cả phụ nữ lẫn đàn ông) là các thân chủ tìm tới với trạng thái trầm uất khủng khiếp liên quan với trạng thái tin tưởng vào giá trị bản thân và lòng tự tôn đã bị phá hủy hoàn toàn.

Trong khi cô gái mang chứa ít nhiều mẫu hình quan hệ dựa theo ký ức cảm xúc, chàng trai lại đang thể hiện các dấu hiệu của trạng thái kiểm soát và sở hữu của một người loay hoay học cách chấp nhận mình. Liệu cô ấy cần phải sớm có quyết định dứt khoát và tách biệt, thoát ra khỏi vị hôn phu trước khi bị mắc bẫy trong một mối quan hệ mà bản thân cảm thấy “mệt mỏi”? Chí ít, cô gái cần giữ trong tâm trí ý nghĩ rằng chàng ta không hề quan tâm nếu cô không muốn nó, chỉ những gì anh ta quan tâm mới thành vấn đề? Chúc cô gái may mắn trên cuộc phiêu lưu tình ái rồi tiến tới dự tính kết hôn này.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top