Trị liệu Gestalt: trải nghiệm những gì đang diễn ra ở- đây- và- ngay- bây- giờ

Fritz và vợ là Laura Perls phát triển trị liệu Gestalt vào những năm 1940, nhấn mạnh sự chữa lành thông qua nhận ra các ‘khối chặn’ (“blocks”) trải nghiệm toàn thể ‘ở đây và bây giờ’ (Corey, 2004). Nói khác, Gestalt dựa vào giả định rằng chúng ta hiểu biết tốt nhất trong bối cảnh của môi trường; mục tiêu của tham vấn nhóm là cung cấp một bối cảnh thích hợp để các thành viên nâng cao nhận thức về những gì đang trải nghiệm và phẩm chất tương tác với người khác. Hiểu biết từng khoảnh khắc điều đang trải nghiệm đi cùng ý thức ngay lập tức về các ‘khối chặn’ ấy được xem là tự thân việc trị liệu vậy.

Gestalt là hiện sinh do đặt để ở- đây- bây- giờ và ưu tiên đối thoại mang tính hiện sinh. Nhận thức, lựa chọn và trách nhiệm là nền tảng của thực hành trị liệu. Gestalt đặc biệt coi trọng tồn tại như con người trải nghiệm nó và khẳng định năng lực người cho sự trưởng thành và chữa lành thông qua tương tác và thấu triệt liên nhân cách. Cách tiếp cận là hiện tượng luận do nhấn mạnh cách chúng ta nhìn thế giới, cách chúng ta góp phần tạo nên trải nghiệm, và cách chúng ta tổ chức thế giới cũng như thiết lập bản thân. Trị liệu Gestalt còn là cách tiếp cận thực nghiệm, và các thành viên của nhóm dần đi đến nắm bắt những gì và cách họ đang suy tư, cảm xúc và hành động khi tương tác với người khác trong nhóm. Các thành viên được hướng dẫn và khuyến khích làm thử các ứng xử mới như cách tăng cường tự hiểu biết (Yontef, 1995).

Khi thân chủ đạt tới trạng thái ý thức tập trung vào hiện tại đang là và ghi nhận rõ ràng hơn về các giới hạn trong kiểu quan hệ liên nhân cách của mình, sự vụ đầy ý nghĩa còn dang dở sẽ nổi lên. Để sống đầy tràn hơn trong hiện tại, các thân chủ cần định dạng và giải quyết bất kỳ điều gì từ quá khứ quấy nhiễu chức năng đương thời. Nhờ trải nghiệm lại những xung đột dĩ vãng như thể chúng đang diễn ra lúc này, các thân chủ mở rộng tầm nhận thức và đủ khả năng ôm choàng các phần bị chối bỏ và gãy vỡ của chính mình, do đó trở nên hợp nhất và toàn thể.

Quan điểm Gestalt là nhìn những gì đang trải nghiệm quan trọng hơn những diễn giải của nhà trị liệu (Strumpfel & Goldman, 2002). Vì thế, cách tiếp cận của nhà trị liệu nhóm theo Gestalt là không diễn giải; không cố gắng giải thích cho các thành viên tại sao họ lại làm thế, cũng như không biểu đạt ý nghĩa đích thực trong trải nghiệm của các thành viên (Frew, 2008). Các vị điều phối (leaders) nhóm khuyến khích các thành viên khám phá các ý nghĩa của riêng họ.

Các thành viên cũng được khuyến khích thử kiểu hành xử mới, biểu đạt một số chiều kích của nhân cách bị ngủ đông, và kiểm tra các phương thức hành xử khác nhằm mở rộng năng lực đáp ứng với thế giới. Theo Zinker (1978), các thực nghiệm Gestalt móc chặt với đời sống thực tế của các thành viên khi họ tự bộc lộ bản thân trong tình huống và trưởng thành từ bối cảnh sống động của nhóm.

Fritz Perls giới thiệu khái niệm “chỗ ngồi nóng” (hot seat) là một trải nghiệm tự nguyện mang tính trị liệu với một thành viên nào đó trong khi các thành viên còn lại quan sát. Fritz cũng đưa ra kỹ thuật “chiếc ghế trống”.

Nhiều nhà trị liệu sử dụng các kỹ thuật Gestalt kết hợp với các mô hình lý thuyết khác. Trong bối cảnh tham vấn nhóm, các bài tập và các hoạt động, như các huyễn tưởng được dẫn dắt, giữ vai trò hình thành ý thức và tạo nên trải nghiệm ở- đây- bây- giờ. Dùng các kỹ thuật Gestalt đòi hỏi am hiểu kiến thức và kỹ năng áp dụng từng cái. Do các nỗi đau tâm lý có thể tái hiện, gây rắc rối, thậm chí sang chấn khi đào sâu các cảm xúc nên người điều phối còn đòi hỏi phải chuẩn bị tư thế giải quyết các cảm xúc mãnh liệt có thể nảy sinh.

Dưới đây minh họa việc trị liệu Gestalt đặt ai đó vào chiếc ghế trống.

Bích là người phụ nữ trẻ có bố mẹ đã mất nhiều năm trước do tai nạn trên chuyến xe đi nghỉ mát. Bích từng đề cập chuyện này và giờ tiếp tục nói về bố mẹ mình.

Bích: (khóc) Tôi không nghĩ mình biết sắp xếp cuộc đời khi không có họ.

Người điều phối: Bích, cô có muốn thử hoàn thành công việc dang dở này không?

Bích: Tôi không biết cách làm thế nào.

Người điều phối: Cô muốn thử? Tôi có một vài ý tưởng. Cô có muốn chúng tôi giúp cô làm điều này?

Bích: Tôi muốn làm điều gì đó. Tôi không muốn cứ mãi cảm nhận như này mãi.

Người điều phối: Ok, để chuẩn bị vài thứ nhé. (Người điều phối đặt hai cái ghế vào giữa nhóm, đối diện với thành viên Bích; một cái là bà mẹ, một cái là ông bố). Cô muốn nói chuyện với ai trước?

Bích: Mẹ tôi.

Người điều phối: (Thành viên đang nhìn người điều phối. Bà sử dụng đôi tay để thu hút sự chú ý của thành viên vào ‘chiếc ghế bà mẹ’ và nói bằng giọng dịu nhẹ). Cô thích nói gì với mẹ mình nào?

Bích: (Thành viên nhúc nhích, nhìn chăm chú vào chỗ trống nơi chiếc nghế và nước mắt chợt rơi). Con nhớ mẹ lắm. Tại sao mẹ lại bỏ rơi con? Mẹ biết là con cần mẹ mà. Tại sao mẹ phải đi nghỉ mát với bố? Con biết mẹ thực sự không muốn đi chuyến đó. (Giọng thành viện lên cao ở đoạn cuối, cho thấy cảm xúc tức giận).

Người điều phối: Cô đang cảm thấy thế nào?

Bích: Buồn.

Người điều phối: Còn gì khác? (Thành viên chằm chằm nhìn người điều phối, như thể chưa sẵn sàng định dạng cảm xúc bản thân. Giọng người điều phối tuy vẫn dịu dàng song có phần nồng nhiệt hơn). Tôi lưu ý là giọng của cô thay đổi đó, như thể cô đang cảm thấy đôi chút tức giận với mẹ mình vì bỏ rơi cô, vì lên chuyến xe mà bà không muốn đi và hiện không quay trở về nữa?

Bích: (Thổn thức). Làm sao tôi có thể tức giận với mẹ chứ? Mẹ đã chết. (Trong trị liệu Gestalt, thành viên có sự tách ngăn cảm xúc tức giận và chối bỏ chúng).

Người điều phối: (Giọng mềm mại, đoan chắc). Ổn thôi do tức giận với người chúng ta thương yêu. Nếu cô ngồi trên sự tức giận, cô sẽ khó đặt điều này trước mặt mình. (Người điều phối lần nữa dùng cử chỉ để thu hút sự chú ý của thành viên vào chiếc ghế trống).

Bích: (Thổn thức, với giọng vống cao, tức giận). Tại sao mẹ đi? Tại sao mẹ chết và để con bơ vơ một mình? Mẹ biết con khó khăn thế nào để sống mà không có mẹ giúp đỡ!

Người điều phối: (Quét nhanh nhóm, quan sát thấy các thành viên đang rất chú tâm). Cô cần gì từ mẹ mình để bà có thể siêu thoát?

Bích: Tôi muốn biết là mẹ yêu thương tôi và mẹ không muốn để tôi phải trơ trọi một mình trên đời.

Người điều phối: (Điệu bộ hướng tới chiếc ghế trống). Tôi sẽ đề nghị cô ngồi vào kia, chỗ chiếc ghế đó. (Thành viên rời khỏi chiếc ghế đại diện cho mẹ mình). Tôi muốn cô làm mẹ mình. Bà muốn nói điều gì với Bích nào?

Bích: (Đổi ghế, nói với tư cách người mẹ). Mẹ yêu con và mẹ không muốn bỏ rơi con. Đó là một tại nạn mà chúng ta đã không tránh được. Mẹ không cố ý làm điều đó. Mẹ không cố ý bỏ rơi con ở lại một mình.

Người điều phối dãn dắt cuộc ‘đối thoại” giữa Bích và mẹ mình, bảo thành viên chuyển đổi ghế cho đến khi cô nhận ra mẹ cô “đã không làm điều đó với cô” và cảm xúc tức giận với mẹ là không có cơ sở. Trong ví dụ này, người điều phối nhóm dùng chiếc ghế trống để giúp thành viên trình bày các cảm xúc đối với mẹ mình, định vị và phóng thích chúng theo một cách chấp nhận được, và tích hợp nhận thức mới ấy. Khi Bích hoàn thành, người điều phối quay sang cả nhóm.

Người điều phối: Chuyện của Bích có ý nghĩa gì với các bạn?

Dương: Nó khiến tôi xúc động mạnh. Bích, anh chia sẻ với em. Anh đã từng điên tiết với bố anh khi ông nhậu nhẹt suốt và chuyện của em làm anh nhận ra bố mình không muốn mình điên tiết. Câu chuyện này thật mãnh liệt. Tôi có thể nói về nó?

Người điều phối: Hẳn rồi. Để nghe những thành viên khác chia sẻ rồi Dương có thể tiến hành bất kỳ việc gì cần thiết.

Ánh: Tôi vẫn đang tiếp tục hình dung ông nội mình trên chiếc ghế và nghĩ về những điều mình muốn nói với ông.

Có những lúc thành viên đang trị liệu dễ thấy khó khăn để nhập vào ý tưởng nói chuyện với chiếc ghế trống do một số lý do nào đó. Đoạn đối thoại bên dưới, dùng cùng tình huống vừa nêu trên, cho thấy cách người điều phối xử lý tình huống kiểu thế.

Người điều phối: (Sau khi cẩn thận đặt để trạng thái với Bích). Cô muốn nói gì với mẹ mình nào?

Bích: Tôi không biết phải nói điều gì đây.

Người điều phối: (Vẫn chăm chú nhìn vào chiếc ghế trống). Mẹ, con có một vài cảm xúc mà con không thể thoát ra khỏi được. (Hướng về thành viên). Cô thử nói thế xem.

Bích: Mẹ, con có một vài cảm xúc mà con không thể thoát ra khỏi được.

Người điều phối: (Lần nữa, nói với “Mẹ” ở chiếc ghế trống). “Một cảm xúc là… ” Tiến lên!

Bích: Một cảm xúc là.. tức giận. (Bích thổn thức).

Ở đây, người điều phối đã biết cài đặt tình huống trị liệu hết sức đúng đắn và biết thành viên chưa mang mẹ mình vào hiện tại được. Bởi việc thúc đẩy thành viên rất tinh tế, diễn cùng thành viên và sử dụng cách hoàn thành câu, người điều phối giúp thành viên nắm bắt được trải nghiệm… Giá trị của chiếc ghế trống quyền năng đến độ không chỉ mỗi thành viên duy nhất đang “ngồi chỗ nóng” mà hầu hết các thành viên trong nhóm cũng đang suy nghĩ ai đó họ muốn nói ngồi ở chỗ nóng.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top