Nhân Noel, cần mừng sinh nhật Cái Tôi

Ngày Chúa hài đồng ra đời cũng có thể xem là biểu tượng sinh nhật của Cái tôi (Self). Nhận Jesus ở thành Nazareth như vị cứu tinh (Hy Lạp: Christ), đạo Công giáo tồn tại đã hơn hai ngàn năm, và nền nghệ thuật Thiên Chúa vẫn hiển nhiên sáng giá nơi những tòa nhà công cộng rộng rãi lẫn chốn phòng the riêng tư…

Giáng sinh. Niềm tin vào sự ra đời của Jesus, vào cuộc sống và cái chết của ngài, là cội rễ của đạo Công giáo (Christianity). Do đó, những hình ảnh minh họa Christ hằng sống trên cõi trần gian- như một con người- là nền tảng của nghệ thuật Thiên Chúa.

Đấng Christ  là vị Thầy (teacher) và Nhà Thuyết pháp (preacher), Người Chữa lành (healer), Người Phán xử (judge), đồng thời cũng là một Hài đồng (new-born baby) và Chứng nhân khổ nạn (dead man).

Tập trung vào những hình ảnh tử biệt của đấng Christ và cơ thể khổ nạn của ngài đem lại sự hiểu biết đặc thù về nghệ thuật Thiên Chúa.

Tuy vậy, ở đây chủ yếu xoay quanh hình ảnh của đấng Christ như là biểu tượng của Cái Tôi.

Bài báo trên trang Psychology Today bàn luận thật sắc sảo về chủ đề vừa nêu. Theo đó, tác giả dẫn lời Car Jung rằng, Christ là “sự tương cận gần gũi nhất chúng ta có được về Cái Tôi và ý nghĩa của nó“.

Jung giải thích tiến trình Cái tôi xuất hiện:

Nếu vô thức có thể được ghi nhận như yếu tố cùng quyết định với ý thức, và nếu chúng ta có thể sống theo lối xem xét hết mức khả dĩ các yêu cầu của vô thức và ý thức thì trung tâm của lực hấp dẫn về toàn bộ nhân cách sẽ chuyển dời vị trí. Nó chẳng còn ở thành phần tâm thần ego nữa- vốn chỉ giữ vai trò trung tâm ý thức- mà sẽ là điểm giả định giữa ý thức và vô thức. Trung tâm mới này có thể gọi là Cái Tôi.

Qua lối diễn dịch lại ý tưởng của tác gia tiếp tục trích dẫn trong bài, tiến trình hiện hữu khác biệt (individuation) cũng được Jung quan niệm rõ ràng.

Mục tiêu nhắm tới tiến trình hiện hữu khác biệt là xu hướng của cái gọi là “Toàn thể” hoặc “Tích hợp“: trạng thái mà tất tật các thành phần của tâm thần, bao gồm cả ý thức và vô thức, đều cố kết lại với nhau. Người thành tựu được điều đó sở hữu “một thái độ vượt thoát trên mọi vướng víu cảm xúc và những rối loạn kinh hoàng– một ý thức rời khỏi mối gắn bó với thế giới“.

Mời bạn đọc tự mình nghiền ngẫm thêm bản văn thú vị, chứa nhiều ý tưởng sáng giá liên quan tới Cái Tôi.

Dĩ nhiên, Cái Tôi và đấng Christ đã thu hút sự quan tâm của những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tôn giáo lẫn tâm lý học.

Chẳng hạn, Sharn Waldron cho rằng, trên tiến trình hiện hữu khác biệt của cá nhân thì việc thức nhận về Cái Tôi, hình ảnh Christ, vốn treo lơ lửng lằn ranh thống khổ giữa hai tên trộm đã diễn tả thích đáng độ căng giữa điều thiện lành và tội lỗi, giữa ý thức và vô thức.

Jung viết, “Bất kỳ người nào mặc nhiên nhận mình là một toàn thể lớn lao hơn chính bản thân thì kẻ đó dễ có cơ là biểu tượng của Cái Tôi…”

Jung cũng khẳng định rằng, không phải hình ảnh nào cũng đủ đầy, tương xứng. Với ông, hình ảnh Jesus Christ không phải là một biểu tượng toàn thể vì nó thiếu vắng sự ác độc (evil) và tội lỗi (sin); hơn nữa, nhục hình Christ phải chịu dưới tay của xã hội tập thể mang ý nghĩa một hình ảnh khổ nạn (the suffering) nên chi thành phần tâm thần ego phải trải qua ở mức nhọc công tốn sức của vô thức– trên tiến trình hiện hữu khác biệt.

Việc bắt chước, noi gương (imitation) Christ không hề cần thiết nhất quán với việc rập khuôn gánh vác sứ mệnh nặng nề của Jesus mà chỉ là phương tiện hầu cùng trải nghiệm đời thánh Jesus hằng sống– phương thức hiện hữu khác biệt.

Đấy là điều lớn lao và phóng khoáng của bất kỳ nhân cách chân thành nào; anh ta tự nguyện hy sinh bản thân cho chức nghiệp, ơn gọi (vocation) và phiên chuyển đầy ý thức vào thực tiễn cá nhân của mình, nếu không nó sẽ bị phá hủy khi sống thật vô thức bởi bầy đàn, nhóm hội (group).

Sự hóa thân (incarnation) của Christ là Thượng Đế (God) thành một con người là sự chuyển ngoặt (the breaking) từ vô thức sang thế giới ý thức, một sự thống hợp, ngang bằng (integration) người này với kẻ kia.

Với Jung, biểu tượng Christ là một phần của biểu tượng Tam Vị Nhất Thể (Trinity) lớn hơn. Tam vị Nhất Thể biểu tượng hóa tiến trình phát triển của vô thức xảy ra trong cá nhân và cộng đồng tập thể xuyên suốt nhiều thế hệ.

Jung thừa nhận, khi Tam Vị Nhất Thể mang tính biểu tượng cho tiến trình hiện hữu khác biệt thì nó không làm biểu tượng của tiến trình kia– sự thức nhận về Cái Tôi.

Sâu thẳm tiến trình này, Đức Chúa Cha (God the Father) đại diện cho trạng thái vô thức của giai đoạn ấu thơ (childhood); tại giai đoạn phát triển ấy, đứa trẻ sống theo thói quen và luật lệ sắp sẵn. Việc Giáng Trần (Incarnation) khởi đi khi Đức Chúa Con (the Son) thâu tóm quyền hành (taking over) từ Cha.

Điều ấy không phản ánh trạng thái phát triển của ý thức, bởi vì các phong tục cũ vẫn được duy trì. Những điều khác biệt và sự phát triển của ý thức xảy đến khi cá nhân bắt đầu phản ánh (reflect), xét đoán và chịu đau khổ vì kết cục mâu thuẫn đạo đức của sự tự do thoát vòng luật lệ.

Việc nhập thể (advent) của Thánh Thần (Holy Ghost) thể hiện sự hồi quy hoạt phục của Đức Chúa Cha và sự tái thống hợp của ngài với Đức Chúa Con. Ý thức nhận ra vô thức là một thứ thống trị lớn hơn, vượt trên quyền lực của lý trí.

Tuy thế, Jung vẫn xác quyết một biểu tượng của Cái Tôi đòi hỏi dạng thức ôm choàng cả điều thiện lành lẫn sự dữ, tính nam và tính nữ. Jung cho là cả sự dữ và tính nữ đều bị tiêu biến, lạc mất trong Tam Vị Nhất Thể.

Jung nhấn mạnh vấn đề trong Tâm lý học và Tôn giáo phương Tây:

Hình ảnh Thượng Đế (God-image) không phải là điều gì đó được sáng tạo ra, nó là một thứ trải nghiệm xảy đến với ai kia hoàn toàn tự phát… Hình ảnh Thượng Đế mang tính vô thức do vậy, có thể làm thay đổi (alter) trạng thái ý thức, ngay khi ý thức có thể xác định hình ảnh Thượng Đế mỗi lần nó trở nên ý thức hơn.

Jung cho rằng, gộp niềm tin Đức Mẹ Maria Đồng Trinh (the doctrine of the Assumption of Maria) vào hình ảnh Thượng Đế sẽ làm nó càng dễ thỏa mãn về mặt tâm lý.

Là sự quy hồi nhất quán và logic của tình huống mẫu tổ (archetypal situation), nên việc xiển dương vị thế Đức Mẹ Maria tỏ lộ tính hàm ẩn và do đó phải trở thành một ‘kết luận tinh gọn’ trên diễn trình thời gian.

Sự hóa thân không ngừng của Thượng Đế thông qua Thánh Thần vào loài người diễn tả tiến trình hiện hữu khác biệt. Mức độ tột đỉnh của khái niệm về biểu tượng tính bốn chiều kích (quaternity) là sinh nhật của Cái Tôi.

Với Jung, Jesus vừa là vừa không phải là biểu tượng của Cái Tôi. Ông trước tác vào giai đoạn mà một trong những vấn đề trung tâm của Thần học và các học giả Kinh thánh còn tranh luận là sự khác biệt nhau giữa Jesus mang tính lịch sử và những lớp bồi trong trần thuật sự kiện của các bản Phúc Âm.

Từ viễn tượng này, Christ trở thành đối tượng đương đại về những kỳ vọng thuộc vô thức tập thể (collective unsconcious expectations) của Jung, dẫn đến sự phóng chiếu (projection) tính thần thánh (divinity) nói chung vào hình ảnh Christ.

Khi phản ánh mang tính ý thức xác định hình ảnh thượng đế, cảm nhận của chúng ta về bản sắc chủ yếu dựa trên những khuôn mẫu của sự hoàn hảo thay cho việc dựa trên sự đầy đủ của tâm thần, và hình ảnh vọt ra khỏi nó.

Chính là từ cấu trúc này mà Jung có khả năng phân biệt giữa hình ảnh thượng đế như là sự lầm lẫn biểu kiến của vô thức và hình ảnh thượng đế như một toàn thể, nắm giữ độ căng của những trái ngược và nhờ thế, tạo ra sự hóa giải, điều hợp (reconciliation) cho tâm thần.

Imago Dei‘ là tiếng Latin của ‘hình ảnh Thượng Đế”, một niềm tin thần học căn bản đối với đạo Do Thái, Thiên chúa giáo và đạo Hồi biểu thị mối quan hệ của loài người với Thượng Đế, đồng thời với tất cả các sinh thể khác.

Dựa trên truyền thống, chỉ loài người mới là hình ảnh của Thượng Đế, và với tư cách như thế con người là những tạo vật có đạo đức và tâm linh (moral and spiritual creatures).

Vì hình ảnh Thượng Đế là yếu tính tuyệt đối của bản chất người, nên nó được dùng trong lịch sử một cách không thích đáng để làm căn cứ cho chủ nghĩa phân biệt sắc tộc (racism) và giới tính (sexism).

Theo Jung, khi những hình ảnh về thượng đế của chúng ta là sự phóng chiếu  của vô thức thì điều quan trọng là đừng nhầm lẫn hình ảnh thượng đế với quyền năng siêu việt (transendent power) mà mọi hình ảnh cho thấy và ám chỉ.

Khi tính cá nhân và tinh thần tập thể hướng chúng ta tới sự hiện hữu khác biệt thì hình ảnh thượng đế– khó tránh khỏi– sẽ biến hình chuyển dạng thật tương hợp song song với thực tiễn tâm thần.

Những sự quá độ về hình ảnh thượng đế phản ánh tiến trình này. Dẫu thế, sự khác biệt tất yếu giữa hình ảnh thượng đế là cấu trúc của lý trí với hình ảnh thượng đế biểu thị vô thức siêu việt và vượt trên khả năng tri nhận thì rốt cục chỉ có thể hiểu được thông qua tri giác mang tính ý thức của chúng ta.

Tri giác mang tính ý thức này về hình ảnh Jesus và hình ảnh thượng đế là sự phản ánh hành trình của tâm thần chúng ta. Nó là hồi quang của hình ảnh chúng ta có về Cái Tôi.

Cơn cớ chi chúng ta thù ghét nhau. Đến hẹn lại lên… Mùa Noel, điểm qua vài nghiên cứu về tôn giáo.

Bình yên, an lành trong bầu không khí thanh sạch se lạnh một chiều cuối năm!

——————————–

Tài liệu tham khảo:

David A. Leeming, et al. (2010). Encyclopedia of Psychology and Religion. USA: Springer Science & Business Media LLC

Maggie Hyde & Michael McGuinness (2006) (10th rpt.). Introducing Jung. Singapore: Tien Wah Press Ltd

J. Wentzel Vrede van Huyssteen (ed.). (2003) (2nd edn). Encyclopedia of Science and Religion. USA: Macmillan Reference

Beth Williamson (2004). Christian Art– A Very Short Introduction. New York: Oxford University Press Inc.

0 thoughts on “Nhân Noel, cần mừng sinh nhật Cái Tôi”

    1. Ối trời, tôi đang lọ mọ tìm nick anh trên fb để gửi lời chúc mừng Giáng sinh.

      Nhân tiện đây, mến chúc anh Hải kiên định lập trường, giữ vững niềm tin, đẹp lòng Chúa, và thi thoảng còn rỗi thì lái xe lạng lách tí cho vui vẻ.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top