‘Salesman’ (1968)– phim ảnh, Kinh Thánh, bán hàng và thực tế bẽ bàng

Salesman được xem là bộ phim tài liệu kinh điển của Hoa Kỳ, theo kiểu điện ảnh trực tiếp (the direct cinema classic).

Sản phẩm do anh em Maysles đạo diễn tạo nên dư vị cười thầm chua cay, đắng đót, xót xa và buồn thảm về số phận con người riêng tư lẫn bầu khí xã hội bao trùm sắc màu ảm đạm.

Máy quay đi cùng bước chân gấp gáp, chán chường, hồ hởi, mệt mỏi và thất vọng của 4 người đàn ông bán hàng trung niên qua các vùng miền nước Mỹ thập niên 60 của thế kỷ XX: Boston, Chicago, Miami và phụ cận.

Các nhân vật được giới thiệu danh tính chính thức kèm tên đệm (nickname); xa gia đình, sống tập trung, độc lập tác chiến ai lo khu vực đấy rồi về phòng trao đổi tình hình, ăn uống, đánh bài xì phé cùng nhau…

Họ tới tận từng nhà dân theo đạo để bán giá gần $50 bản Kinh Thánh và ấn phẩm Bách khoa Toàn thư Thiên Chúa Giáo thuộc loại trình bày đẹp, gáy mạ vàng, minh họa hình ảnh phong phú, cập nhật mới nhất.

Đối tượng khách hàng đa số là hạng nghèo thê thảm hoặc sấp ngửa lần sang bậc trung lưu, gồm đủ mọi thành phần: bà góa, vợ chồng già, dân di cư, nội trợ,…

Phản ánh thực tế đương đại, phim không có người kể chuyện biết tuốt hoặc dàn dựng sẵn dựa vào kịch bản. Tuy vậy, các tác giả loại hình ‘điện ảnh trực tiếp’ ở đây vẫn sử dụng tính chất trần thuật.

Chẳng hạn, đó là cảnh Paul– được nhấn nhá dài đậm, là nhân vật chính xuyên suốt phim– độc thoại khi lái xe ở Miami, nói về các gã đồng nghiệp; mỗi khi tâm tưởng Paul nhắc tới ai thì màn hình hiện lên cảnh mỗi người mà ông miêu tả.

Kỹ thuật khác cũng lồng trong phim tài liệu này là sự hồi tưởng. Cảnh Paul ngồi trên tàu lửa nhớ lại hội nghị bán hàng, nơi ban lãnh đạo công ty tung chiêu lên dây cót tinh thần anh chị em và đại biểu tham dự chứng kiến từng cá nhân tuyên bố định mức doanh thu giai đoạn tới.

Như thế, phân cảnh vừa nêu chứng tỏ các nhà làm phim thể hiện sự trình bày thực tế qua dự tính cực kỳ chủ quan; họ nghĩ, lúc đó Paul trên đường về thăm nhà chắc chắn đang mải vướng bận với cuộc gặp gỡ ấn tượng ở hội nghị bán hàng.

Chăm chắm bày tỏ rốt ráo sự thật và cuộc sống, dạng phim tài liệu mang phong cách ‘điện ảnh trực tiếp’ như Salesman trình bày các sự kiện, chi tiết thực tế đời thường trong bối cảnh đầy kịch tính; chứ không tuyệt đối chủ quan như dạng phim truyện hư cấu chúng ta hay tiếp xúc lâu nay.

Xem Salesman tại Viện Goethe, thấy và hiểu ra việc có thể cắt cúp, phân cảnh, lồng tiếng, dàn dựng không-thời gian,… càng thấm thía vì sao một dạo dân tình cũng như giới làm báo hình nước Nam mình cứ nhảy dựng cả lên xoay quanh bộ phim tài liệu của tác giả Minh Chuyên mang tựa đề Linh hồn Việt Cộng.

Tôi cũng không khỏi liên tưởng ngay tới đội ngũ tiếp thị các kiểu, nhất là bán hàng đa cấp, nhan nhản tại Thủ Đô; cảm nhận thật lòng là sự chào mời, săn đón của những người trẻ tình cờ tiếp xúc còn non kém kiến thức, trình bày lôi thôi, không cuốn hút nổi và đặc biệt, khua môi múa mép cách hời hợt quá.

Bởi vậy, sẽ không có chút gì đáng ngạc nhiên, nếu Salesman tiếp tục được lấy làm ví dụ sinh động cho kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp– làm thế nào người tiêu dùng trong thế giới hết sức trần tục hoan hỉ đồng ý mua liền một sản phẩm mang giá trị cao quý tót vời nào đó… [xem trailer giới thiệu phim]

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top