Chắc sẽ gây choáng váng, bực bội hoặc ít nhiều hồ nghi khi đọc thấy thế… Vì nếu cứ mê mải say sưa, hồ đồ buông thả vào thứ mô hình hạnh phúc định hướng trên cảm xúc và thỏa mãn khoái lạc thì sớm muộn tất yếu phải rước lấy buồn đau,…
Đó là ý kiến của nhà tâm lý học lâm sàng Steven C. Hayes; người nhờ mắc rối loạn tâm thần lo hãi (panic attack) khi đang là trợ lý Giáo sư ở tuổi 29 mà sáng lập ra hình thức trị liệu Chấp nhận và Cam kết (ACT)— lối điều trị ngày càng thông dụng.
Để cảm nhận thấu đáo ý tưởng của GS. Hayes, cần tìm hiểu kỹ càng sự ra đời và triết lý ACT.
Đọc bài báo trên tờ Time, bạn sẽ biết từ cơn lo hãi đầu tiên nảy sinh trong cuộc họp khoa Tâm lý lại kéo thêm nhiều lần khác nữa, thậm chí tiến sĩ Hayes còn cảm thấy nó xuất hiện ngay cả dưới dạng khiêu khích nhỏ nhặt nhất khi ông đi ăn tiệm hay vào cửa hàng thực phẩm…
Để cứu chữa trạng thái của bản thân, TS. Hayes lựa chọn cách tiếp cận trị liệu mà ông biết rõ nhất: Nhận thức- Hành vi (CBT), đã tiếp cận những nghiên cứu cũng như thử đủ kiểu khác nhau thuộc dạng thức trị liệu Nhận thức; tuy thế, bất chấp các kỹ thuật tiến hành, tất cả chỉ làm cho những triệu chứng trở nên tồi tệ hơn mà thôi.
Là một nhà trị liệu Nhận thức, Hayes thừa hiểu trị liệu Nhận thức nhằm cố gắng tấn công và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực vốn làm mồi rồi cặp cùng những cảm xúc tiêu cực, như trầm cảm hoặc các cơn lo hãi.
Nhà trị liệu CBT trở thành như huấn luyện viên dẫn đạo, luôn luôn đặt câu hỏi về tính duy lý, hợp lẽ trong tư duy của bệnh nhân. “Anh thực sự là người mập nhất thế giới à?” “Liệu việc hiện tại không có việc làm sẽ khiến anh trở thành kẻ vô dụng đáng vứt đi hay sao?”
Theo chuyên gia tâm lý Hayes, vấn đề của trị liệu Nhận thức nằm ở sự chú ý và tập trung xoáy vào lối tiếp cận đối với suy nghĩ của bệnh nhân; các ý nghĩ kéo theo, nối tiếp thường không đoán định được. Nói cách khác, đích thị suy tư, nghĩ ngợi chính là vấn đề.
Khi trị liệu Nhận thức cơ chừng là toa thuốc (prescription) cho cơn lo hãi hơn là phương pháp chữa trị (cure), Hayes kiếm tìm những lối tiếp cận khác.
Kết quả của sự truy cầu là sản phẩm ACT (Acceptance and Commitment Therapy).
Thực chất, cách tiếp cận ACT áp dụng tinh túy “Chánh niệm” (Mindfulness) của Phật giáo để giải quyết các vấn đề tâm lý.
Suy tư là vấn đề, không làm lành được thì gỡ bỏ tác dụng của chúng đi; đừng cố bước vào cuộc tranh luận mang tinh thần Socrate về những ý nghĩ để thay đổi chúng. Đơn giản chúng ta nhận biết chúng trong cách thức tuyệt không gắn bó, dính mắc: đó là ý nghĩ trầm uất, đó là cảm xúc tức giận, v.v…
TS. Hayes đã ngỏ lời biết ơn những cảm xúc, suy tư gây khốn khổ cho bản thân.
Phương pháp trị liệu ACT dựa vào chánh niệm của TS. Hayes cũng như ý tưởng của đội ngũ các nhà tâm lý đại học Cambridge- vốn lấy hứng khởi từ kỹ thuật thiền định của Phật giáo- đã chứng tỏ hiệu quả cực kỳ trong điều trị trầm cảm.
Đây là bài tự kiểm của chính Hayes về ACT, cũng như thông tin về lối trị liệu dựa trên chánh niệm của đại học Oxford.
… Bài Time giới thiệu hết sức đáng đọc. Nói thêm, sau này trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2009, TS. Hayes còn khẳng định ‘hạnh phúc là một lời hứa hẹn rỗng tuếch‘.
Ông cho rằng, khá nguy hiểm trước lối nhìn nhận hạnh phúc là trạng thái cảm xúc ấm cúng, vui sướng, *** trong lòng buộc khiến mình phải theo đuổi, ôm ấp và giữ chặt với nỗi sợ nó sẽ bất chợt vụt mất.
Một lần nữa, cần xác quyết rằng hạnh phúc không phải là tất cả mọi thứ (tham khảo, bản dịch Việt ngữ).
Và thật đáng quan ngại trước sự thật: xu hướng tiêu dùng của người Việt là ưu tiên ăn uống, giải trí.
Có vẻ quan niệm hạnh phúc giờ đây tại đất nước Á Đông còn đang phát triển ì ạch này được cân đong, đo đếm hết sức tự tin, dễ hiểu, thuận theo sức quyến rũ ghê gớm của nền văn hóa thương mại, khuyến khích tiêu xài.