Đặt đầu đề xong, tác giả hơi ngại ngần tí vì e là người đọc rồi sẽ liên tưởng ngay tới vấn đề ‘mất trinh hay không mất trinh’ sẽ được dẫn nguồn liền đây.
Kỳ thực, mục đích bài viết này nhằm bày tỏ nỗi niềm ngao ngán, chán mớ đời trước bao la ý kiến của các ‘chuyên gia’ đủ thể loại, ban ngành cứ xuất hiện đàng hoàng trên báo chí quốc nội lâu nay.
Cơn cớ gần nhất là câu chuyện kể lể phá thai hai lần mà vẫn còn nguyên xi.
Dễ thấy, điểm nổi bật đáng quan tâm ở sự vụ là việc đánh bóng tuổi tên phục vụ cho ý đồ tiếp thị thương mại; hơn nữa, đoán chừng phải bức xúc, bực bõ lắm người ta mới công khai lên tiếng…
Việc bày tỏ quan điểm đả phá khá thẳng thừng như thế đem lại lợi lạc chung, khiến dân tình ít nhiều giật mình về những gì lâu nay họ cứ vô tư tiếp nhận– nhẹ nhàng và dễ dãi, thậm chí lan truyền chóng mặt trên mạng lưới điểm toàn cầu.
Nếu gặp cơ may, thái độ nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm chân chính lại tiếp tục góp phần khai sáng vô số đối tượng còn mặc nhiên để truyền thông đại chúng dẫn dắt, tự nguyện nạp vào thân tâm thứ thực phẩm tạp nham, chưa ý thức lọc lựa kỹ càng qua con đường tiếp xúc sách báo, trò chuyện,…
Khái quát rộng rãi và dấn rốt ráo đến cùng vấn đề thiết nghĩ, cần nêu phát biểu của Krishnamurti về bản chất giáo dục:
Liệu nó không là chính bản thể của dốt nát khi chúng ta phụ thuộc vào những người khác cho tầm nhìn bên trong này, hiểu rõ phía bên trong, quan sát phía bên trong này về những tiến trình xảy ra? Phụ thuộc vào những người chuyên môn để chỉ bảo cho chúng ta phải suy nghĩ ra sao về chính chúng ta, và quan sát chúng ta qua đôi mắt của người triết lý, hay qua đôi mắt của người đạo sư, hay qua đôi mắt của bất kỳ những người lãnh đạo tôn giáo nào khắp thế giới– đó không là dốt nát hay sao?
Tại Việt Nam, độ phủ rộng của Y khoa quét chiếu áp lực với mọi vấn đề liên quan tới con người- đặc biệt là sức khỏe và quan hệ liên nhân cách- thực sự là hiện tượng cực kỳ ấn tượng, quái lạ và tệ hại, song căn nguyên đặt để nguồn cơn thì không mấy phức tạp.
Lấy ví dụ minh họa ngẫu nhiên như góc nhìn của ông bác sĩ Tâm thần này và lối lý giải của bà Tiến sĩ tâm lý kia.
Đọc tin tức, thật buồn cho trình độ chuyên môn của các nhà đủ kiểu; muốn chứng kiến đổi thay ngoạn mục và cuộc cách mạng khoa học triệt để xảy ra trong ngành Tâm lý học nói riêng chẳng hạn, chắc đòi hỏi phải thay đổi hệ hình (paradigm) như ý Thomas Kuhn?
Hay, do vận nước đến hồi mạt vận nên tà thuyết tung hoành, làm nhân tâm điên đảo thêm như quan điểm của cụ Ngô Đức Kế?
… Wow, chuyện quốc gia đại sự, nhân tình thế thái lẫn học thuật uyên thâm đâu có nói khơi khơi, lấy lệ được; vả, tôi đang vội đi xem một nữ nghệ sĩ trình diễn nên xin phép mạo muội tạm dừng ở đây.
Lời cuối, làm ơn đừng nghĩ tôi đang khấp khởi bởi đọc thấy dòng giới thiệu về sự kiện sắp diễn ra nhé: “Các tác phẩm của chị thường động chạm đến những giới hạn kín đáo của phụ nữ…” (!)