Dường như đã bình thường hóa rồi, hầu hết các bài báo ở Việt Nam hễ cứ đề cập tới trò chơi điện tử (video game) là y như rằng đính ngay liền với từ ‘nghiện’, mặc dù nói của đáng tội, thế nào tác giả cũng không quên thòng một câu êm ái (đại ý) ‘bản chất game không có hại’…
Đọc cái này thấy vui vui, tự kiểm là mình chẳng biết chơi trò gì cho ra hồn; táy máy tìm thêm, tòi ra kết quả điều tra đầu tiên về game trực tuyến và hiểu hơn trình độ của chuyên gia nước nhà.
Hầu hết các nghiên cứu tôi tham khảo được rất khó khăn để xác định rõ cái gì là nguyên nhân của cái gì, kiểu video game gây hậu quả tiêu cực (ví dụ, chơi game quá mức dẫn tới trầm cảm) hay hợp lẽ thì các yếu tố tiêu cực làm việc chơi game càng tăng lên (trầm cảm khiến chơi game nhiều hơn).
Tiện thể hăng hái, xin giới thiệu nghiên cứu công bố mới đây (2.2011) với dữ liệu trên 3.000 trẻ em và tuổi mới lớn đang học các lớp 3, 4, 7 và 8 tại Singapore được điều tra thường niên từ 2007 tới 2009.
Nghiên cứu tập trung trả lời một số câu hỏi:
1. Những gì được đánh giá là ‘chơi game bệnh lý’ (“pathological gaming”)?;
2. Các yếu tố nào dự đoán một game thủ bệnh lý?;
3. Hậu quả tiêu cực của chơi game bệnh lý?
Để trả lời các câu hỏi trên, nhóm tác giả đề nghị đối tượng tham gia thực hiện một loạt thăm dò đo lường các kỹ năng xã hội của trẻ, tính xung động, ám sợ xã hội, trầm cảm, lo hãi, chất lượng mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ, và việc học ở trường; các điều tra cũng bao gồm sự lượng giá về dạng thức và trải nghiệm chơi game để xác định xem đối tượng có thỏa mãn các tiêu chí ‘chơi game bệnh lý’ không.
Cần để ý, các tác giả định nghĩa ‘chơi game bệnh lý’ dựa trên tiêu chí các nhà tâm thần học dùng để chẩn đoán chơi bài bạc bệnh lý (pathological gambling).
Đặc biệt, các tác giả phân loại một trẻ đang dấn bước vào việc chơi game bệnh lý nếu nó xác nhận 5/10 triệu chứng biểu hiện dai dẳng hoặc tái diễn hành vi thiếu thích ứng dưới đây:
1. đau đáu việc chơi game
2. có nhu cầu chơi game ngày càng nhiều nhằm đạt tới sự phấn khích như ý
3. nỗ lực hoài để kiểm soát, giảm bớt hoặc chấm dứt chơi game mà không được
4. bồn chồn hoặc cáu kỉnh khi thử giảm bớt hay không chơi game nữa
5. chơi game như là một cách để lảng tránh vấn đề gặp phải hoặc khuây khỏa nỗi buồn phiền
6. sau khi thua game, thường quay lại quyết phục thù cho bằng được
7. nói dối gia đình hoặc người khác để che giấu việc dốc sức kỳ cùng vào game
8. có những hành động dính líu tới pháp luật để có tiền chơi game
9. vì game mà phải liều mạng, mất mối quan hệ ý nghĩa, công việc, cơ hội học tập hoặc cơ hội nghề nghiệp
10. phụ thuộc người khác cung cấp tiền bạc do cậu/cô bé í hết sạch túi vì game rồi.
Kết quả nghiên cứu- như biểu đồ trên cho thấy- hầu hết trẻ (90%) không dấn vào chơi game bệnh lý suốt thời gian 3 năm nghiên cứu. Chừng 1% mắc các mức độ cao triệu chứng game bệnh lý trong năm thứ nhất, song đã chấm dứt hẳn ở năm thứ ba. Tầm 6% là các game thủ bệnh lý mãn tính. Và khoảng 1% khác là game thủ bệnh lý ở năm thứ ba chứ không phải từ năm thứ nhất.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện: theo thời gian thì tính xung động, nhất thời (impulsivity), các kỹ năng điều chỉnh cảm xúc kém cỏi, và năng lực xã hội chẳng đáng kể đã tăng lên trong các triệu chứng chơi game bệnh lý.
Không ngạc nhiên gì, khi chơi game nhiều ở năm 1 dự báo sẽ trở thành game thủ bệnh lý ở năm 3. Chẳng hạn, ai là game thủ bệnh lý ở năm 3 thì chơi trung bình 31 tiếng đồng hồ mỗi tuần (gần như một công việc làm toàn thời gian!) tại thời điểm năm 1; trái lại, ai không phải game thủ bệnh lý thì chơi trung bình 19 giờ/tuần vào thời điểm năm 1.
Trẻ mắc mức độ cao các chứng chơi game bệnh lý ở năm 1 có các triệu chứng hay gặp hơn của trầm cảm, lo hãi, ám sợ xã hội, và khó khăn học đường ở năm 3.
… Tóm tắt, khoảng 7% trẻ trong nghiên cứu này mắc các triệu chứng liên quan tới thói quen chơi video game, tương tự những gì quan sát thấy ở người lớn mắc các vấn đề chơi bài bạc bệnh lý.
Có vẻ tính xung động và các kỹ năng xã hội kém cỏi là một trong các chỉ báo tốt nhất sự phát triển các vấn đề vừa nêu; những trẻ này cũng mắc một số triệu chứng sức khỏe tâm thần trầm trọng và gặp nhiều rắc rối ở trường học.