Bài dễ thương ghê, từ cách đặt tiêu đề cho tới nội dung giới thiệu quán:
Vào nhà hàng, khách được đãi ba món ăn trong lúc chờ món yêu cầu dọn ra. Đầu tiên, món củ mì hấp nước cốt dừa, rắc muối mè thơm, béo. Ớt ba lửa gồm ba loại ớt xếp theo cấp: cay nhiều, cay vừa và thơm nhưng không cay. Món thứ ba là củ cải muối chua nhâm nhi trong lúc chờ đợi.
Cái vụ đồ ăn thức uống quả là quá dễ dàng quyến rũ, dụ khị chúng sinh hết một đời người chưa thỏa.
Cá nhân tôi nhớ thèm ứa nước miếng cơm hến cay chảy nước mắt, canh bầu hít hà nóng thơm cả dạ, cùng các loại bánh ăn vặt bốn mùa và dài dọc suốt ngày; thực lòng, ẩm thực Huế cao siêu độc hạng lắm chi để trót cứ mơ hồ sương khói ẩn tàng khiến thiên hạ vì yêu mà còn mê mướt mồ hôi kiếm tìm…
Hiệu ứng Vầng Hào Quang (Halo effect) phản ánh định kiến nhận thức liên quan tới tri giác về nét tính cách, yếu tố này ở một người, sự vật lại chịu ảnh hưởng bởi việc tri giác nét tính cách, yếu tố kia của cùng người, sự vật ấy.
Nghiên cứu thú vị mới đăng tải tháng vừa rồi đây lưu ý sự kiện là một khía cạnh tích cực quy cho loại đồ ăn nào đó có thể tỏa chiếu ‘vầng hào quang’ bao quanh nó đến độ chúng ta dễ tri giác sai lệch tất cả các khía cạnh khác còn lại của đồ ăn cũng tuyệt cú mèo luôn tuốt.
Hiệu ứng vầng hào quang không chỉ tác động thứ ta ăn mà còn tới cả cách ăn nữa.
Chẳng hạn, nghiên cứu chỉ ra người ta có xu hướng tiêu thụ nhiều calo tại các nhà hàng tuyên bố họ phục vụ đồ ăn ‘lành mạnh hơn’, so sánh với lượng thức ăn người ta dùng tại các điểm bán bánh hamburger rán. Lý do: khi nghĩ đồ ăn nào đó càng nhiều dinh dưỡng, người ta càng ít để ý cẩn thận lượng calo nạp vào– khiến họ vô tư ăn no càng hoặc cho phép mình được nuông chiều.
Ngoài ra, lý thuyết hiệu ứng vầng hào quang còn áp dụng với nhiều kiểu dạng thức ăn được khẳng định là lành mạnh. Tỷ dụ, khá quen thuộc chuyện dân chúng cho sản phẩm chức năng thì bổ dưỡng hơn chỉ bởi sự kiện đơn giản: nó được gán cái nhãn ‘chức năng’.
(Hèn chi, món trà dược thịnh hành kinh khủng; riêng ở Hà Nội, trên vỉa hè phố Cát Linh đêm nào cũng chật cứng người ngồi uống trà bát bảo).
Kết quả kiểm tra giả thuyết trên chỉ ra, các đối tượng tham gia thực nghiệm hầu hết thích mùi vị của thức ăn gán nhãn chức năng và họ bảo rằng các thực phẩm giống nhau này có lượng calo ít hơn hẳn, ít béo hơn, nhiều chất xơ và nhất trí giá cao hơn; thậm chí, các loại khoai tây rán (chip) và bánh quy (cookies) gắn vào mác chức năng còn được đánh giá là rất bổ, giàu dinh dưỡng.
Thực tế, câu chuyện sức khỏe và an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến vô cùng khó lường; mục tiêu xây dựng gia đình khỏe mạnh và người tiêu dùng thông thái e chừng mị dân, chưa thoát khỏi lối hô hào khẩu hiệu.
Cùng với việc truyền thông thích thú giới thiệu nét truyền thống, mới lạ vùng miền (đặc sản thịt lợn sống), nhiều người vẫn bị lừa bởi các nhãn mác đánh vào sở thích, thị hiếu tiêu dùng như ‘chức năng’ chẳng hạn để rồi hồn nhiên mặc định mình đang dùng loại thức ăn bổ dưỡng– dù rốt cục lắm lúc nó cũng chẳng lành mạnh như bao thứ đồ ăn thức uống thông thường khác mà thôi.