Vụ cháu bé 11 tuổi ở Huế bị đánh: Công an và tâm trí đồng phục

Có thể, nhờ tài dàn xếp của lãnh đạo công an cũng như thói quen cam chịu, nhẫn nhịn của gia đình người dân địa phương mà vụ cháu bé 11 tuổi ở Huế bị đánh (sau khi rời trụ sở công an phường thì phải nhập viện và vẫn mê sảng, kêu đau) rồi đây chẳng mấy chốc cũng sẽ không được công luận làm rùm beng thêm nữa.

Câu chuyện đánh cháu nhỏ quá tay trước hết, phơi bày rất đơn giản và phũ phàng về tình tiết.

Thượng tá Sơn cho biết vụ việc được tóm tắt như sau: Trưa ngày 15/6, cháu Phát đã lấy số tiền mặt 3,1 triệu đồng của người cô ruột ở cạnh nhà là chị Ngô Thị Ánh; cháu mua 1 điện thoại di động 800 ngàn đồng và các phụ kiện, còn lại 1,7 triệu đồng trong túi. Sau khi phát hiện cháu mình ăn cắp tiền, chị Ánh đã nhờ công an phường Thủy Xuân giúp làm rõ vụ việc và giáo dục cháu vì đây không phải lần đầu cháu Phát ăn cắp.

Chị Ánh cùng người tổ trưởng dân phố đi xe chở Phát lên công an phường Thủy Xuân. Tại đây, chị Ánh và người tổ trưởng đã giám hộ toàn bộ quá trình cháu Phát bị xét hỏi và bị đánh. Đến 17h chiều cùng ngày, Phát được đưa về nhà, mông thâm tím. Cha mẹ em sau đó thấy con nóng sốt nên đã hỏi và biết chuyện, vội chuyển cháu lên Bệnh viện Giao thông vận tải.

Chàng thiếu úy trẻ mới vào ngành 6 tháng vừa bị đình chỉ công tác có thể, ngay cả khi nhận hình thức kỷ luật nặng nhất là tước quân tịch (chí ít để làm gương- thí dụ thế) e chừng với tâm trạng tiếc nuối vì đường hoạn lộ tự dưng trục trặc bất ngờ, chắc sẽ vẫn tiếp tục nghĩ mình ‘nóng nảy, quá đà‘, đã không kiềm chế cảm xúc với mỗi động cơ ‘thằng cu này hay nghịch để em dạy nó‘ mà thôi.

Kỳ thực, từ chính nội dung phát biểu tại cuộc họp báo của vị chỉ huy ‘Một chiến sĩ công an không thể thích gì là làm nấy‘ đã góp phần tỏ lộ nền tảng của tâm trí đồng phục trong lực lượng công an.

Ông Đặng Ngọc Sơn cho biết: “Chúng tôi đã có quyết định đình chỉ công tác thiếu úy Trần Nguyễn Hồng Quang để tiếp tục điều tra.  Quan điểm của chúng tôi là sai phạm đến đâu xử lý đến đó, đặc biệt những sự việc liên quan đến nội bộ trong ngành công an, kiên quyết không bao che. Thông qua báo chí, và báo cáo của công an bước đầu cho thấy, dưới hình thức gì đánh một đứa trẻ như vậy là không đúng luật. Một chiến sĩ công an không thể thích gì là làm nấy. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh để giữ đúng pháp luật, không vì thành tích mà che dấu”.

Xuyên qua yêu cầu ‘nghiệp vụ công an’ phải được đào tạo trước khi tác nghiệp, dù mới vào nghề song vị cảnh sát khu vực– vô hình trung- dường như đã kịp gửi đi, tống ra một ấn tượng sai lầm rằng bằng lý do này nọ, chúng ta– cánh hẩu– có khả năng và quyền thế vượt hơn người khác.

Tại bệnh viện, cháu Phát kể rằng sau khi bị đưa vào phòng cách ly với cô Ánh, cháu đã bị hai công an viên thay nhau lấy dùi cui đánh vào đùi và mông, trong khi tay thì xách tai trái của Phát. Hai người này còn dùng chân đá vào hai bên đùi của Phát.

Việc mặc bộ đồ nghề còn mới như thế cơ chừng đã không hề tạo cho chàng trai từng học Cầu đường cảm giác hết sức khác biệt so với lúc trước khi khoác nó vào; cùng với thời gian, những mẫu hình hành vi đặc thù thuộc nhóm riêng trong lực lượng sẽ hoàn toàn khác biệt so với lối biểu đạt ‘hành vi bình thường’ khi giải quyết với cộng đồng dân cư còn lại– thứ cảm giác tương tự chuyện bật- tắt trên tiến trình thi hành công vụ và cởi bỏ sau khi hết giờ làm việc.

Có một tâm trí thông thường trong nhóm người được tuyển lựa– mặc đồng phục– như là quân đội, cảnh sát hoặc nhân viên bảo vệ an ninh.

Hình thành ở đối tượng này ít nhiều thái độ trải từ thói kiêu mạn cho tới tính đe dọa thù địch trực tiếp hướng tới công chúng. Ai mặc càng lâu bộ đồng phục ấy, tinh thần đó càng dễ choàng lấp lên họ; kiểu suy nghĩ rằng tất cả chúng ta mặc cùng một bộ đồ nghề, do vậy chúng ta chú ý cẩn thận giữ vững lập trường, vị trí riêng có ấy.

Nghiên  cứu tâm lý định hình hành vi bầy đàn (herd behaviour) ở con người nhằm giải thích hiện tượng các nhóm hội hành động tương tự nhau trong cùng thời gian. Nhà phẫu thuật thần kinh Anh quốc Wilfred Trotter đã dân dã hóa thuật ngữ ‘hành vi bầy đàn’ trong cuốn sách viết năm 1914.

Ý chính mà Sigmund Freud nêu trong lý thuyết hành vi đám đông là con người khi hiện diện giữa chốn đông đúc thường ứng xử rất khác biệt so với khi họ đang nghĩ mình dưới phương diện hoàn toàn cá thể.

Tâm trí của đám đông nhào trộn hình thành nên một cách thế suy nghĩ. Rốt cục làm tăng cường sự hăng hái, nhiệt tình của mỗi một thành viên; và người ta dần ít ý thức về bản chất đích thực trong những hành động của mình.

Thực tế, báo chí đã phản ánh công an gây thương tích dẫn đến chết người, có người bị tước danh hiệu; thậm chí, hiện tượng tha hóa, bại hoại đạo đức qua vụ clip bắt mại dâm,…

Đây là khuyến cáo của một vị luật sư nổi tiếng ngoại quốc về sự nguy hiểm của tâm lý đám đông trong đội ngũ ‘đồng phục’:

Cảnh sát làm việc cùng nhau quá lâu sẽ dễ tạo ra một băng nhóm ngang ngược mang chứa ‘tâm lý đám đông’.  Bộ đồ nghề đồng phục thay hình đổi dạng những người bình thường thành khác hẳn; họ trở nên bị ám ảnh, như thể khi khoác vào bộ đồng phục sẽ cho phép họ có quyền thoải mái làm những điều mà chắc chắn họ chẳng bao giờ thực hiện lúc không mặc nó.

Vụ việc cháu bé 11 tuổi ở Huế bị đánh cũng như hai lần công an xử lý các cuộc biểu tình chống Tàu khựa mới đây là minh chứng khởi sự sát sườn, nóng hổi cho tầm quan trọng để thấu hiểu rằng, tâm lý đám đông thúc đẩy, củng cố sự chia tách và có thể dẫn đến sự phá họai (lực lượng cảnh sát quốc gia).

Thiển nghĩ, các bước đi thích hợp cần được tiến hành để giáo dục người mặc đồng phục về những hiểm nguy như thế.

Dĩ nhiên, ‘con sâu làm rầu nồi canh‘, song một số người sẽ khó nhận thức đủ đầy kiểu hành vi ấy ở ngay chính con người họ (một kẻ nghiện rượu sẽ không chịu thừa nhận mình đam mê bí tỉ cho tới lúc anh ta bước lùi và nhìn lại bản thân).

Rõ ràng nhất thiết đòi hỏi những ai tham gia trong một lực lượng cung cấp thứ dịch vụ đặc thù và mặc đồng phục cần nghiêm túc nhận chân đúng đắn rằng, bộ đồng phục ấy tự thân không có quyền lực và đừng bao giờ dùng nó làm công cụ cho sự lạm dụng.

0 thoughts on “Vụ cháu bé 11 tuổi ở Huế bị đánh: Công an và tâm trí đồng phục”

  1. dung de con nguoi nay o trong nghanh nua,neu la nguoi lon co le no danh chet roi.neu con no bi danh vay co duoc khong ,cong an bay gio cha khac bon nguy quan nguy quyen ngay xua.cho ra khoi nghanh thoi .truy to truoc phap luat

    1. Đừng để con người này ở trong ngành nữa. Nếu là người lớn có lẽ nó đánh chết rồi. Nếu con nó bị đánh vậy có được không. Công an bây giờ chả khác bọn ngụy quân ngụy quyền ngày xưa. Cho ra khỏi ngành thôi. Truy tố trước pháp luật.

      Mong bạn ha noi thông cảm; nếu lần sau phản hồi thì gắng dùng tiếng Việt đầy đủ dấu bạn nhé (có thể tải miễn phí bộ bõ Unikey về ở đây.)

      Hơn nữa, có nhiều cách bày tỏ ý kiến sao cho vừa thỏa mãn ý mình vừa làm người đọc thoải mái chấp nhận lắm lối diễn đạt riêng mà vẫn thể hiện thái độ đề cao sự tôn trọng nhau giữa chốn công cộng, bạn ạ.

      Nếu bạn tiếp tục theo dõi vụ này thì ở đây, đâyđây cập nhật thông tin có liên quan.

      Chúc bạn mọi điều tốt lành,

Leave a Reply to bokhimemeo Cancel Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top