Vụ việc cậu bé 11 tuổi ở Huế bị đánh trọng thương còn chưa kịp tới hồi kết (tước danh hiệu CAND, tham khảo thêm bình luận của bạn đọc) thì đã tiếp tục xảy ra một loạt hành vi hung ác khác của lực lượng mang đồng phục: công an đánh khi tới trụ sở báo mất xe, cảnh sát giao thông bị tố vụt dùi cui (cập nhật tin cũ liên quan), …
Thực tế, hành vi hung ác của cảnh sát là hiện tượng khá phổ biến trên thế giới; tại Việt Nam tình trạng công an bạo hành tạo nên làn sóng phản đối ngày càng đáng lo ngại.
Cũng cần nói ngay rằng, bạo lực luôn là câu chuyện phức tạp, vốn ngầm chứa yếu tố dự báo định trước, và thường không bao giờ chỉ xuất phát từ một nguyên nhân duy nhất.
Ở đây, thử bàn thêm chút về nguyên nhân chấp hành, tuân phục lệnh cấp trên qua vụ bảo vệ nhà máy lao thẳng xe vào công nhân đình công gây tử vong (tin kèm theo: doanh nghiệp thuê côn đồ hành xử xã hội đen).
Cái sự xấu ác tầm thường, quen thuộc ấy (banality of evil) được xem là thuật ngữ chỉ các hành động bị thúc đẩy bởi yêu cầu của nhà nước hoặc cấp trên.
Bước đầu điều tra, Lê Tuấn Minh khai nhận đã làm tổ trưởng bảo vệ tại công ty Giai Đức được 2 tháng. Khi vụ việc xảy ra, Minh nhận điện thoại của trưởng phòng tổ chức hành chính công ty Giai Đức là bà Đinh Thị Ái đề nghị bằng mọi giá phải đưa xe ôtô vào trong công ty, nên Minh đã đuổi lái xe xuống và tự mình điều khiển xe mặc dù không có bằng lái xe. Sau đó, Minh đã điều khiển xe tông vào số công nhân trên.
Vậy là, hành vi của nhân viên thuộc công ty chuyên cung cấp bảo vệ, dịch vụ tuần tra mới lãnh nhận chức vụ chưa lâu này góp phần khẳng định luận điểm: cái xấu ác xảy ra khi những cá nhân bình thường bị đặt vào tình huống bị sai sử, xúi giục khiến thúc đẩy sự vâng lời, tuân phục trong họ? (gợi nhớ thực nghiệm nhà tù nổi tiếng).
Dù nhận xét trên luôn được các nhà tâm lý học xã hội, sử học và triết gia tán đồng nhiệt liệt, song chủ đề tìm hiểu về tâm lý xấu ác chưa đóng khép hoàn toàn; người ta vẫn không ngừng xem xét lại các trường hợp nghiên cứu căn bản từng lừng danh lịch sử và bằng chứng mới đang thách thức ý tưởng: mọi người không chống nổi với quyền lực của nhóm và do đó, chẳng ai đủ sức kháng cự cái xấu ác khi ở giữa bầy đàn.
Thí dụ, một số tên Đức Quốc xã về sau tuyên bố ‘chỉ làm theo lệnh trên’ cứ phóng đại quá mức thứ bậc của họ cho hành động hung ác, trong khi một số đối tượng khác thì đã hết sức cân nhắc nhằm lảng tránh bạo lực thất thường; điều này chứng tỏ, ý nghĩa đáng giá của sự lựa chọn cá nhân.
Quay về vụ lao xe tải vào công nhân đình công.
Vào thời điểm trên, hai chiếc xe tải chuyên chở phế thải của công ty bắt đầu chuyển bánh về phía cổng. Do đám đông công nhân đã quây kín phía ngoài cổng nên hai xe tải phải dừng lại.
Nhưng không biết nhận “mật lệnh” từ đâu, sau chừng 5 phút một bảo vệ đã ra mở cổng để lái xe đã tăng ga, lao thẳng chiếc xe tải vào các công nhân đang ngồi bên ngoài cổng.
Một lần nữa, đây là minh chứng rõ ràng của sự tuân phục được đề cập trong các thực nghiệm của Milgram, hay thực chất nó khẳng định rằng những ai rất dễ bị dẫn tới hành vi hung ác thì đích thị mang tâm lý cực kỳ khác biệt so với quần chúng còn lại và khẳng định họ không phải là ‘người bình thường’?