Vấn đề sức khỏe tâm thần ở khu vực Đông Nam Á

Khi đọc bài báo lý giải tại sao chủ nghĩa dân tộc (nationalism) vẫn tiếp tục thống trị thế giới, tình cờ tôi lọ mọ để rồi bất chợt nhận ra một cái bản đồ khu vực Đông Nam Á (dạng vẫn chưa chỉnh sửa chăng) song không hề nêu tên quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) của Việt Nam.

Nhân tiện tò mò dấn tiếp, thử xem xem thực trạng dịch vụ sức khỏe tâm thần ở 10 nước thuộc khu vực khối ASEAN (Brunei, Cambodia, Indonesia, Laos, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thailand, và Vietnam) này như thế nào.

Có vẻ, đây là báo cáo mới nhất (và duy nhất, ngoài tài liệu đối ngoại chính thống chán phè giới thiệu nền tâm lý học nước nhà mà phiên bản blog Cái tôi 2.0 từng giới thiệu năm ngoái?) hiện tôi tìm thấy có liên quan chủ đề đang đề cập.

Trong 3 tác giả của bài vừa dẫn, có tác giả quốc nội tên Nguyễn Văn Tuấn (khoa Tâm thần học, Đại học Y Hà Nội & Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia).

Theo đó, nhóm nghiên cứu Maramis và cộng sự mô tả những thách thức cụ thể trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần đối với khu vực các nước khối ASEAN, bao gồm “một sự thiếu vắng đầu tư và quan tâm“, thậm chí ngay những nước “ban hành pháp chế và thiết lập các chính sách tốt nhất thì việc triển khai thực hiện cũng chưa thật đầy đủ“. Họ cũng lưu ý xu hướng kinh phí dành cho sức khỏe tâm thần thấp “chưa tới 2% ngân sách chăm sóc sức khỏe.”

Nhóm tác giả còn lên danh sách các vấn đề khác như “thiếu hụt trầm trọng nhân viên; rất ít khách hàng, người chăm sóc hoặc các tổ chức xã hội- dân sự tập trung cho việc vận động chính sách về sức khỏe tâm thần; bảo vệ không thích đáng quyền của người mắc tâm thần; chẳng nỗ lực bao nhiêu nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần; hiếm hoi cách thức dịch vụ phục hồi chức năng hay cố gắng nâng cao cả kinh tế lẫn xã hội; và các dịch vụ trị liệu xuất hiện chủ yếu trong các vùng đô thị, thường có chất lượng kém, khó tiếp cận và phí tổn không chịu nổi.”

Maramis và cộng sự thảo luận hướng cải thiện dịch vụ sức khỏe tâm thần cho khu vực. Họ viết rằng “xây dựng các dịch vụ dựa vào cộng đồng rõ ràng phải trở thành vấn đề trọng tâm lâu dài; xác định lại vai trò của các bệnh viện tâm thần sẽ là điều cốt yếu.  Nhất thiết cần tập trung cao độ cho công tác nâng cao năng lực đào tạo và giáo dục cũng như việc tái định hướng chương trình đào tạo để thực hành phục vụ cộng đồng hầu chuẩn bị đội ngũ chuyên nghiệp làm việc theo những lối mới, điều chỉnh khác hẳn trước đây.”

Các tác giả chỉ ra nhu cầu cần có giải pháp sáng tạo cho những vấn đề sức khỏe tâm thần thích ứng và phù hợp với đặc trưng văn hóa, thay vì  chỉ nhập khẩu các chiến lược từ những khu vực khác của thế giới.

Họ cũng nhấn mạnh nhu cầu hình thành năng lực nghiên cứu trong hệ thống chuyển giao dịch vụ sức khỏe tâm thần.

Cuối cùng, Maramis cùng hai đồng nghiệp còn đề cập tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước trong khối ASEAN liên quan tới việc nâng cao các dịch vụ sức khỏe tâm thần, một cấu trúc mang tính hợp tác mới mẻ và độc đáo mang tên ‘Đài Quan sát Quốc tế về các Hệ thống Sức khỏe Tâm thần‘ (Minas, 2009).

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top