Ý nghĩa ở đời: liệu có thể nói cho thấu đáo mọi điều?

Trái với tưởng nghĩ rằng đây là việc hết sức khó khăn– thậm chí bất khả– bởi người người đông đúc, muôn hình vạn trạng thế, chẳng thấy ai giống ai đâu song kỳ thực, khá dễ dàng để xác định ý nghĩa ở đời của thiên hạ. Và thực tế, giới tâm lý học đủ khả năng đo lường, đồng thời chí ít đã thử xử lý chuyện này rồi.

Theo Baumeister & Vohs (2002), ý nghĩa ở đời được tổng hợp thành 4 yếu tố.

  1. Mục đích (purpose)– có thể là ước ao sống hạnh phúc mãi mãi về sau, muốn lên thiên đường hay tìm thấy thỏa mãn trong công việc. Dẫu biểu hiện phong phú, đa dạng đến mấy thì nói chung, ý nghĩa ở đời khởi phát từ sự chạm tới các dự tính, mục tiêu (goals) và cảm nhận toàn mãn. Ngay cả khi sự toàn mãn phải gai góc lắm mới tuyên bố hùng dũng nổi do tháng năm dễ khiến ta dần phai nhạt, người ta luôn cần mục đích khi sống ở đời.
  2. Giá trị (values)– thiên hạ cần có một cấu trúc mang tính đạo đức để muốn biết rốt ráo điều gì là đúng đắn, điều gì là sai quấy. Có đủ thứ để lựa chọn: một số từ tôn giáo, số khác từ triết lý và một số khác nữa từ bạn bè, gia đình mình.
  3. Hiệu lực (efficacy)– mọi người muốn tạo ra sự khác biệt và cảm thấy mức độ kiểm soát môi trường xung quanh. Không có khả năng này, ý nghĩa cuộc sống giảm thiểu đi nhiều.
  4. Đáng giá (self-worth)– tất cả chúng ta đều muốn cảm thấy mình tốt đẹp và được người khác tôn trọng. Chúng ta có thể thực hiện điều này theo cách rất riêng tư hoặc dính buộc, lồng ghép bản thân hướng vào một cơ đồ, sự nghiệp đáng giá. Gì gì, chung quy là chúng ta cần đủ khả năng nhìn nhận mình dưới ánh sáng tích cực.

Không nghi ngờ nữa, chúng ta có thể phác họa ý nghĩa cuộc đời với tầm 300 từ trở lại.

Trước khi độc giả hồ hởi, quyết liệt đưa ra ý nghĩa mình sống ở đời, xin lưu ý vài gợi nhắc nhỏ.

Trước hết. Có thể chẳng dễ cùng lúc đạt các điều trên, nếu không muốn nói là đừng hão huyền… Chúng ta hay quen dùng gia đình, công việc, những sở thích và vô vàn điều nọ kia ngõ hầu đáp ứng trọn vẹn nhu cầu ý nghĩa của bản thân.

Thứ hai, một đời sống ý nghĩa chắc chắn nhất thiết là đời sống hạnh phúc nhưng nó không buộc phải tỏ ra đủ đầy, thích đáng.

Cuối cùng, khi theo đuổi các mục tiêu đã đặt định ra, hãy để vô thức của mình dẫn dắt nhé!

0 thoughts on “Ý nghĩa ở đời: liệu có thể nói cho thấu đáo mọi điều?”

  1. “Cuối cùng, khi theo đuổi các mục tiêu đã đặt định ra, hãy để vô thức của mình dẫn dắt nhé”

    :(, từ trước đến giờ mọi kế hoạch, mục tiêu cháu đều tính toán tối đa, không để ngẫu nhiên xen vào. Giờ thì đọc được câu trên nên cháu khá bất ngờ. Chỉ có điều sự thực là khi cháu để mục tiêu trong vòng tính toán khắt khe, sự căng thẳng là rất cao, nhiều lúc cháu cũng muốn hạ cái tính khắt khe đó đi để thanh thản hơn mà thực hiện mục tiêu.

  2. Cháu không định spam đâu ạ, nhưng viết thiếu ý nên cháu muốn nói thêm…

    Nhiều lúc cháu muốn hạ bớt cái tính khắt khe khi thực hiện mục tiêu đi (vì nhiều lúc cũng thấy mình đâu phải căng thẳng gì mà cũng giải quyết được việc đấy thôi) nhưng lại sợ hãi, mình mà thả lỏng ra bây giờ là mọi việc hỏng bét, phải cố, phải cố nữa lên…Thế rồi như người ta hay nói: Cố quá mà thành ra quá cố! đến một giai đoạn bỗng nhiên vì quá mệt mỏi cháu lại buông xuôi mục tiêu, cuối cùng thì rất khắt khe nhưng lại chẳng đi đến cùng được, mọi cái chỉ có vẻ tốt lúc khởi đầu. Cháu gặp vấn đề khi thực hiện mục tiêu.

    1. Cứ theo sự mô tả thì có vẻ Zozo đang thấy khó khăn trong tiến hành thật; thậm chí, nguyên nhân gây rắc rối nằm sâu xa ở cách nhìn nhận về giá trị của bản thân, một vấn đề đích thực không dễ giải quyết qua vài câu chia sẻ.

      Tuy chẳng thổ lộ thành lời, song cơ chừng lòng Zozo thường trực lo lắng, sợ hãi đến độ trạng thái căng thẳng thừa sức tạo nên cơn tê cứng, làm mọi nỗ lực đổi thay hóa ra công cốc?

      Tự hỏi điều gì đe dọa khiến Zozo không kịp thưởng thức, ghi nhớ đầy đủ những điều xảy đến trên hành trình thực hiện mục tiêu vậy…

  3. Khi thực hiện mục tiêu cháu hay bị giằng xé giữa mấy điều sau:

    – Ý nghĩa của nó: cháu thường chỉ thấy một phần mục tiêu là có ý nghĩa, phần còn lại cháu thấy ngớ ngẩn và mệt với nó. Chẳng hạn trong học tập có những môn rất ngớ ngẩn nhưng chả ai thay đổi, những môn như chính trị và quân sự, cháu chẳng muốn học tẹo nèo. Rồi môn thể dục, cháu phải đi 30km để đến nơi tập thể dục theo quy định của nhà trường 🙁 sao không để học sinh ở nhà tập thể dục – cháu vẫn tập mà chẳng cần ai ép cả. Mục đích tập thể dục là để cho khỏe, đâu cần thanh tích, lớn rồi, ai không có ý thức luyện tập thì thôi.

    – Cháu hay bị ảnh hưởng cảm xúc, có vui thì mới học được, buồn chán là khó làm được cái gì ra hồn – không riêng gì học tập.

    – Cháu hay bị ảo tưởng là phải có thành tích chói sáng – điều ấy hay dẫn cháu đến việc nỗ lực quá mức cần thiết vì mục tiêu nào đó.

    – Mọi cái cháu làm đều là vì cái điều mà cháu tạm gọi là có tính “duy lý” nghĩa là cháu làm nó vì sự “hợp lý” – cần thiết phải làm nó vì mục đích nào đó như chứ không mấy khi có cảm xúc thích thú. Có thể mô tả nó rõ hơn, bằng cách nói là cháu phục vụ “cái đầu” hơn là để ý đến “trái tim”.

    1. Những gì Zozo kể ra cho thấy, mọi thứ khởi từ trong lòng… Những suy tư, thức nhận, ý tưởng, cảm xúc bộc phát như là hệ quả tất yếu của trạng thái bất hòa và bực bõ với chính bản thân mình vậy. Tôi cảm nhận sự giận dữ, khó chịu ngấm ngầm lan tỏa. Năng lượng nào đang nuôi dưỡng nó đây?

Leave a Reply to bokhimemeo Cancel Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top