Hạnh phúc của bố mẹ và sự trầm cảm ở trẻ mới lớn

Một nghiên cứu của nhóm khoa học gia thuộc trường Melbourne (Úc) đã xem xét những biểu hiện về mặt cảm xúc ở bố mẹ tác động ra sao tới nguy cơ mắc các rối loạn khí sắc (mood disorders) của con cái đang vị thành niên.

Đại thể, trẻ mới lớn và bố mẹ chúng được yêu cầu hoàn thành bản lượng giá tâm lý cũng như tham gia hai hoạt động thí nghiệm thiết kế để gợi ra những kiểu dạng khác nhau trong hành vi của bố mẹ.

Ở hoạt động đầu, trẻ vị thành niên và bố mẹ lên kế hoạch cho một hoạt động vui vẻ. Hoạt động thứ hai, họ cố gắng giải quyết một vấn đề vốn là nguồn xung đột (ví dụ, làm việc vặt, tuân thủ giờ giới nghiêm, v.v…)

Người ta ghi hình lại các phiên hoạt động rồi phân tích và mã hóa thành 3 nhóm: 1) xung hấn (tức giận, hiếu chiến, tàn ác, khiêu khích, quấy phá), 2) các ứng xử thể hiện sự bồn chồn, khó chịu (buồn bã, lo hãi), và 3) các hành vi mang tính tích cực (hạnh phúc, quan tâm, v.v…). Tầm 2 hoặc cỡ chừng 3 năm sau đó, đối tượng trẻ vị thành niên hoàn thành thêm một bản lượng giá tâm lý nữa.

Cái logic của cuộc nghiên cứu là các hành vi bố mẹ thể hiện trong tương tác thực nghiệm phản ánh khá giống khuynh hướng ổn định của bậc phụ huynh vẫn hay bộc lộ trong nhiều bối cảnh khác nhau, kể cả lúc ở nhà.

Chẳng hạn, một bố mẹ tỏ ra xung hấn cực kỳ trong khi làm nhiệm vụ thực nghiệm thường ở nhà cũng xung hấn ghê gớm (tuy thế, các bậc làm cha làm mẹ tỏ ra ‘dễ thương’ trong phòng thực nghiệm không nhất thiết ở nhà cũng rất dễ thương!).

Vì vậy, mục tiêu tối thượng của cuộc nghiên cứu là xác định các thể hiện hành vi nào ở bố mẹ sẽ khiến nảy sinh các vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ vị thành niên.

Dưới đây là những kết quả thu nhận được:

  • Sự xung hấn mức độ cao ở bố mẹ tiên đoán khả năng tăng các triệu chứng trầm cảm ở trẻ mới lớn trong vòng 2 năm.
  • Các hành vi mang tính tích cực ở cấp độ thấp cũng dự báo làm tăng lên các triệu chứng trầm cảm trong vòng 2 năm.
  • Đáng chú ý, các hành vi bồn chồn, khó chịu thể hiện ở mức độ cao (buồn bã) đã KHÔNG dự báo trầm cảm ở trẻ mới lớn trong vòng 2 năm.

Phải thú nhận, thật quá ngạc nhiên trước các phát hiện nêu trên. Tại sao? Bởi vì trầm cảm ở bố mẹ thường là dự đoán vô cùng chắc chắn về sự trầm cảm ở trẻ vị thành niên. Thực tế, khoảng 50% lứa tuổi mới lớn mà bố mẹ có tiền sử mắc trầm cảm điển hình thì sẽ bị trầm cảm vào cuối giai đoạn vị thành niên. Do đó, những hành vi bồn chồn, khó chịu với mức độ cao như buồn bã đến thế song lại không hề dự báo khả năng mắc trầm cảm ở trẻ vị thành niên.

Sau thoáng sửng sốt ban đầu, thử chuyển suy nghĩ hướng về ‘các cơ chế’. Chúng ta biết, bố mẹ mắc trầm cảm trầm trọng dự báo trầm cảm cho con cái đang độ tuổi mới lớn, song chúng ta chỉ hiểu ít nhiều về các “cơ chế truyền thừa” (“mechanisms of transmission”): những cơ chế nào lý giải cách thức trầm cảm ở bố mẹ dẫn đến con cái vị thành niên của họ cũng mắc trầm cảm?

Rõ ràng, lời đáp cho câu hỏi này thực sự phức tạp, song may mắn là kết quả nghiên cứu này cung cấp vài sự thấu hiểu thú vị. Quan điểm quen thuộc lâu nay là các bố mẹ mắc trầm cảm hay tỏ bày các cảm xúc bồn chồn, khó chịu (họ trông u ám, thảm thương) và những biểu lộ nỗi sầu buồn như thế có thể khiến cho con cái trở nên trầm uất.

Tuy vậy, nghiên cứu này khẳng định không phải các biểu lộ buồn rầu hay thấy mà chính sự thiếu hụt hạnh phúc mới dễ dàng góp phần làm cho con cái họ bị biến thành trẻ trầm cảm.

Lần tới gặp dịp thuận tiện, blog Tâm Ngã sẽ giới thiệu nghiên cứu chỉ rõ cụ thể, để trở nên trầm cảm thì việc thiếu hụt hạnh phúc thậm chí còn quan trọng hơn hẳn so với chuyện buồn bã kinh khủng.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top