Sợi phiền não cứ xoay vòng rồi trôi lăn bất tận

Film đầu tiên xem trong đợt Liên hoan mới khai mạc hôm kia.

Lại nhìn thấy giá trị của ranh giới, mối quan hệ cha và con gái, bạo lực gia đình…

Thực sự đau buồn vì lịch sử một tôn giáo lớn của thế giới vào thời Trung cổ được soi chiếu khắc nghiệt trên tinh thần phản biện của người trong cuộc đến độ mọi thứ trộn lẫn cả chất bi tráng chiến tranh cải đạo (“lửa và kiếm”), phận cá thể hèn mọn trước uy linh của đấng tối cao ban bày tất cả, định kiến giới dai dẳng, chút hài hước khi sự thật được tiết lộ trần trụi đời thường, và nỗi khổ đau triền miên hằn in qua bao vùng đất cùng tháng năm thay đổi.

Chợt nhớ, 5-6 năm trước, phiên bản đầu tiên của blog Cái tôi từng đề cập mấy chủ đề xót thương này rồi.

0 thoughts on “Sợi phiền não cứ xoay vòng rồi trôi lăn bất tận”

    1. Có thể việc muốn phủ quyết sự tranh cãi về nhân vật thực hư liên quan tới lịch sử giáo hội khiến một số phê bình gia lẫn khán giả khó chịu, riêng tôi nghĩ, đạo diễn của bộ film đã xử lý giỏi đề tài gây cấn khi tiếp cận dưới góc độ hành trình tâm linh cá nhân.

      Số phận độc sáng của người nữ tên Johanna Anglicus được khắc họa ấn tượng với tuần tự biên niên: tuổi thơ cay nghiệt trong môi trường gia đình u uẩn và bạo lực; ước ao đọc chữ, biết viết hầu thoát kiếp đàn bà nô lệ và thực hiện sứ mệnh mặc khải; bỏ nhà, cải trang đổi tính nhằm dấn thân dựa trên niềm tin an bài Kitô để theo học trường dòng, đồng thời góp phần cứu đời giúp người (ủng hộ cải đạo, giáo dục chị em và dùng kiến thức y học cổ truyền chữa bệnh cho người nghèo khổ); tham gia ngày càng sâu vào hệ thống thứ bậc thần quyền, mà đỉnh cao là trở thành đức Giáo hoàng…

      Xuyên suốt câu chuyện độc nhất vô nhị í là dụng công kết cặp tính dục và cái chết. Lấy bối cảnh thời Trung cổ châu Âu, bộ film phản ánh cả nỗi kinh hoàng khi tai ương, chết chóc hiện diện khắp nơi lẫn trạng thái tình yêu thế tục tỏ lộ thật vô cùng sống động, phong phú.

      Đoạn kết film là lễ rước tôn vinh đông đảo tín đồ hò hét, vệt dài máu chảy ra từ cửa mình nữ Giáo hoàng đang đau đẻ vừa ngã quỵ dưới đất và cố lết người hướng về phía ánh sáng vời gọi cao xa khi bà cảm nhận người yêu mình bị đâm chết gần đâu đó đích thị nói lên hệ quả của cái tư tưởng kép này: sự nhiệt thành tôn giáo quá mức và sự đảo lộn ghê gớm của dâm tính.

  1. Vâng, nếu tác phẩm và bộ phim này giúp ích được chi cho nhân loại thì tin chắc rằng “nàng đĩ trong trắng” (“casta meretrix”–từ ngữ của Thánh Ambrosio) của Đức Kitô sẽ vui lòng làm “cừu non tế thần” thôi. 🙂

    Tuy nhiên, đối với người trong đạo như tôi, bối cảnh và cốt truyện kia thiếu tính thuyết phục.

    Thứ nhất, do vừa mới “sưu tầm” về Thần Học Thân Xác (Theology of the Body) của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tôi biết rằng quan niệm cho rằng 1) phụ nữ thấp kém hơn đàn ông, và 2) tính dục là một thứ xấu xa, chưa bao giờ là giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Ngược lại, 1) người phụ nữ là người tất yếu giúp người đàn ông trở thành một con người hoàn hảo; Và, 2) tính dục là một bí tích tuyệt vời trong đời sống hôn nhân.

    Thứ hai, quan niệm cho rằng trở thành Giáo Hoàng là đỉnh cao của “hệ thống thứ bậc thần quyền” không phù hợp với quan niệm “tôi tớ của các tôi tớ” trong hàng giáo phẩm. Hơn nữa, vâng phục với tông huấn của Giáo Hội là một đòi hỏi quan trọng của một vị chủ chiên. Cho nên, khi Giáo Hội không cho phép người nữ được chịu chức linh mục, mà lại cố tình lừa gạt Giáo Hội đến mức tột cùng thì thật là một tội trọng mà người tín đồ tất nhiên phải hiểu. Chẳng khác nào Sa-tăng đã thành công ngược với lời phán của Đức Giêsu: “trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. Trừ phi, người ta cho rằng Giáo Hội Công Giáo không phải là Hội Thánh của Chúa Cứu Thế.

    Tuy những gì đã đọc được về tác phẩm này cho thấy nó đi ngược với mọi quan niệm cốt lõi của đạo Công Giáo, tôi thật sự không nghĩ rằng “chống phá” là dụng tâm của bác Hadding lẫn bác Cross.

    1. Cám ơn ĐCQK đã tạo thêm cách nhìn khác về bộ film.

      Một lần nữa, cần nhấn mạnh, toàn bộ bối cảnh film tập trung đề cập nằm trọn vào thời Trung cổ ở châu Âu.

      Cái không khí hắc ám ấy bao trùm kinh khủng; từ nơi xứ đạo núi rừng cách biệt nước Anh tới các tu viện âm u với đủ thứ lề luật và sinh hoạt nặng nề, ngay khi thể hiện chiến tranh dọc ngang bạo tàn hay lúc miêu tả đời sống xa hoa, đầy rẫy âm mưu sát hại nơi tòa thành Rome…

      Là một nghệ phẩm, bộ film biểu tỏ đặc thù tâm thế Đức cứng rắn đương đầu cùng những ám ảnh lịch sử qua thái độ phản tỉnh duy lý và đề cao nhu cầu hóa giải hận thù, tìm kiếm lối tiếp cận theo kiểu những ngờ vực, mù mờ chưa đả phá dứt khoát nổi vẫn được phép khai thác, giả định đậm chất nhân văn; dù gì, ý đồ bộ film tuyệt không hề chú mục phỉ báng, giải thiêng hoặc mong mỏi lật đổ thần tượng…

      Xem film thấy rõ, đối diện với hình ảnh đương đại của cái chết, tinh thần con người đã vượt tràn qua trong chung cuộc, và kẻ phải chịu trách nhiệm rốt ráo là đời sống trần thế; một khi thông dâm không được phép và các giáo điều tiếp tục ngự trị xã hội thời tao loạn đen tối í, cả đàn ông lẫn phụ nữ ham muốn cưỡng chiếm thiên đường bằng dụng cụ tình dục của chính họ.

      Lời cuối, bộ film để lại cảm giác chia tách, nghịch âm và bất hòa giữa thánh thần, đất trời và lòng người.

Leave a Reply to Độc Cô Quái Khách Cancel Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top