Vừa tròn một tháng, ngày ông chủ Steve Jobs gửi thư tuyên bố nghỉ việc và chuyển sang đảm nhận chức vụ khác.
Dù sáng lập viên hết sức thấu suốt và đầy lôi cuốn của hãng máy tính Apple đã buộc phải rời khỏi vị trí CEO (Giám đốc điều hành), vẫn còn lắng đọng tâm hồn bao người những phát ngôn ấn tượng.
Rồi đây, thiên hạ chắc chắn bàn tiếp về thiên tài kinh doanh Steve Jobs, về những sản phẩm của Mac và Apple.
Không có CEO Mỹ nào ngay lập tức đồng nhất hóa bản thân sâu nặng với sự thành công của chính công ty mình. Jobs bao sân ghê gớm mỗi một khía cạnh thiết kế và phát triển Apple, và ông thật đáng khâm phục quá chừng bởi thiên hướng phát huy kỹ nghệ thấm đẫm yếu tố con người trong các sản phẩm của Apple. (Michael Hiltzik, 1.2009)
Bây giờ thì chỉ thử tập trung nhìn lại quyết định lịch sử từ nhiệm nhằm muốn đề cập tới câu chuyện sức khỏe, trạng thái thân tâm thường an lạc (well-being), và cái giá phải trả do chẳng thèm chú ý tới những dấu hiệu cảnh báo của một kẻ nghiện việc (workaholic).
Giới thạo tin không ngạc nhiên trước quyết định của Steve Jobs.
Thành công qua ca mổ cắt bỏ khối u ở tuyến tụy năm 2004, chỉ vài tháng sau Steve Jobs trở lại liền với công việc. Song sức khỏe ông đang dần suy sụp và trông Jobs gầy rộc hẳn đi.
Phân tích toàn bộ kịch bản này dưới góc độ của tâm lý học nơi chỗ làm và sức khỏe nghề nghiệp cho thấy, không khó khăn gì để nhận ra rằng động năng thôi thúc trong Jobs (bất kể tại chỗ làm hoặc khi ở nhà) đích thị tạo nên mức thuế đóng khủng khiếp, góp phần tàn phá sức khỏe và sự an lạc của chính ông.
Năm 2009, Jobs vắng mặt 6 tháng ở công ty do cần can thiệp y khoa: cấy ghép gan. Mọi thứ ‘dường như’ bình thường khi lần nữa, ông quay về làm việc. Nhưng vào tháng 1.2011, Steve Jobs thông báo– một lần nữa– ông phải nằm viện. Rồi thật nhanh chóng, 24.8.2011, cả thế giới phát hiện Steve Jobs không thể trở lại đảm đương vai trò của một CEO.
Trong lá thư gửi nhân viên tháng 1.2011, Jobs viết: “Theo yêu cầu của tôi, ban giám đốc đã đồng ý để tôi được phép nằm viện nghỉ dưỡng, vì vậy tôi có thể tập trung chăm sóc sức khỏe bản thân. Tôi sẽ tiếp tục là Giám đốc điều hành và tham gia vào các quyết định quan trọng mang tính chiến lược cho công ty … Tôi yêu Apple rất nhiều và hy vọng được trở lại ngay khi có thể.”
Hãy để ý kỹ càng tới sự xung đột của các ưu tiên. “Tập trung chăm sóc sức khỏe bản thân“, tuy nhiên liền kề thì, “Tôi sẽ tiếp tục là Giám đốc điều hành và tham gia vào… và hy vọng được trở lại ngay khi có thể”.
Có một câu chuyện tỏ lộ sự chú ý của Jobs đối với cái chi tiết.
Ký ức của chàng Vic Gundotra về cái ngày Chủ nhật kém vui hồi tháng 1.2008, khi Steve Jobs gọi điện bảo cái chữ ‘O’ thứ hai của biểu tượng Google trên iphone “chưa đạt đúng độ nghiêng ở chữ màu vàng” được kể lại như một trong những điều hết sức ngưỡng mộ. Diễn giải khác Gundotra thì đó là một trong các mối quan tâm. Đừng quên, thời điểm ấy chỉ mới cách cái đận kinh hoàng Jobs mắc ung thư tuyến tụy 4 năm.
Schaufeli, Taris, & Rhenen (2008) phác họa 3 đặc điểm thường gặp ở người nghiện việc:
- Những người nghiện việc thường dành rất nhiều thời gian cho các họat động liên quan tới công việc. Họ là những lao công chăm chỉ kỳ cùng quá mức.
- Những người nghiện việc có một thời gian khốn khổ thoát ra, tách khỏi công việc và trong thời gian đó, họ tiếp tục và thường xuyên nghĩ tới công việc, thậm chí, cả khi họ không làm việc. Điều này khẳng định, họ ưu tư, bận tâm và ám ảnh với công việc.
- Những người nghiện việc thể hiện vượt trên hẳn những gì gọi là mong đợi hữu lý từ họ nhằm thỏa mãn hoặc yêu cầu của tổ chức, hoặc đòi hỏi mang tính kinh tế. Do vậy, người nghiện việc thường làm quá độ, cho dù cả khi họ không cần tiền.
Schaufeli, Taris, & Rhenen (2008) lý giải, những người nghiện việc làm và ấn ép bản thân chuyên cần ngoài mức nghĩ, không vì những tưởng thưởng tài chính, nỗ lực nghề nghiệp hoặc liên quan tới văn hóa của tổ chức. Thay vào đấy, người nghiện việc chăm chỉ siêng năng bởi một động năng, nhu cầu, thôi thúc bên trong lòng mình.
Nghiên cứu của Shimazu, Schaufeli, & Taris (2010) chỉ ra, trạng thái nghiện việc (workaholism) trực tiếp lẫn gián tiếp đều mang tới sức khỏe kém. Nhóm tác giả này nhận thấy, trong khi những người nghiện việc đóng góp cho thành tựu của tổ chức thường nhiều hơn hẳn những kẻ khác thì cái giá họ phải trả cho chính mình (ám chỉ, sức khỏe tồi tệ) là rất cao.
Tâm trí tiếp cận công việc theo lối 24 giờ/7 ngày “là con dao hai lưỡi mà trong mai hậu [có thể và gây nên] sẽ đe dọa sức khỏe và trạng thái an lạc của người lao động.” (Sonnentag và cs., 2008)
Những người nghiện việc, giống như Steve Jobs, không ngừng ám ảnh bởi công việc có vẻ không biết cách hoặc thậm chí, không muốn thoát ra khỏi khi ông đã rời xa công việc thì kết cục, điều gì tất yếu xảy đến cũng chẳng khó đoán. Với riêng Steve Jobs, là sức khỏe đang bị suy giảm trầm trọng.
Bài viết trên mình vô tình đọc được cách đây ít lâu. Hôm qua Steve Jobs đã qua đời. Đọc lại bài viết này, thật sâu sắc, như một tiên đóan…
Cám ơn bạn đã ghé thăm trang nhà… Đâu cần giỏi giang hoặc thấu suốt gì cũng dễ dàng biết rõ mà, nếu chịu khó căn cứ trên các dữ liệu khách quan thu thập được. Dù vậy, đây quả là một sự kiện khiến ta bồi hồi thảng thốt, giật mình tỉnh ngộ.
Bình yên,
—