Tối qua, tôi dành thời gian tham dự một buổi Tọa đàm do Hội Sinh viên Đại học Ngoại ngữ tổ chức trong khuôn viên Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chủ đề tình bạn – tình yêu. Số người tham dự toàn bạn trẻ, nữ áp đảo, nam cũng tầm trên 10 vị, đa phần sinh viên năm thứ nhất, thứ hai và tất cả cỡ khoảng hơn 50 mạng.
Diễn giả vào cuối buổi thấy hiện tên tuổi là Cử nhân Trần Ngọc Thêm trên slide trình chiếu, kèm chức danh “Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vườn ươm Doanh nghiệp Tâm Việt”.
Cảm nhận cá nhân là cậu diễn giả nhỏ con, gầy ốm, gọn gàng, nhanh nhẹn, biết kiềm chế và kiểm soát tình hình, tranh thủ tối đa cơ hội quảng bá các khóa học đơn vị họ đang mở nên từ trang phục áo vest, cravat, nói không dùng mic cho tới nội dung lập luận trình bày, hoặc ngay lúc điều khiển các trò chơi đều gắng tạo dấu ấn cho thấy đây là người am hiểu mình đang làm gì…
Đại khái, diễn giả đề cập đặc điểm 3 bộ não (thú, người và bò sát), giới thiệu về trung khu cảm xúc (động vật có vú là chó): bộ máy điều khiển (hệ thống miễn dịch, các hormone, giấc ngủ), amygdala (tôi chép nguyên văn thế); phát huy sức mạnh bộ não: tạo lập môi trường (vui vẻ, thân thiện, an toàn, tích cực, năng động) và ứng xử tích cực (với chính mình và với người khác).
Diễn giả luôn chú ý lôi cuốn khán giả tham gia cùng nên các trò chơi chiếm dung lượng xuyên suốt buổi dẫn dắt với các món như thổi bong bóng, hai người cùng kéo căng sợi dây thun, hoặc diễn giả giữ liên lạc với người nghe bằng việc hay gọi tên và đề nghị họ chia sẻ ý kiến…
Diễn giả cũng tranh thủ giới thiệu cuốn sách Ngôn ngữ Cơ thể với giá đâu chừng 112.000đ thì phải, bảo là hay lắm, có tất…
Rồi, slide chuyển sang chữ viết tắt SMARTER để bàn về việc lập mục tiêu.
Từ 18h15′, màn khởi động bắt đầu với trò chơi xếp hàng đấm lưng, vỗ thùm thụp, bóp vai, bẹo dái tai người đứng trước mà sau này, vào cuối buổi Tọa đàm diễn giả tiết lộ mục đích là để tạo cảm giác an toàn (trong khi thực hiện các thao tác trên, người chơi còn cất to tiếng lần lượt: ‘vui vẻ’, ‘sung sướng’, ‘thoải mái’, ‘nhẹ nhõm’.)
Diễn giả dành cả tiếng đồng hồ, 19h hơn vẫn đề nghị người tham gia viết các câu mong đợi, email, 3 điều hiện tại may mắn,…
Và trong nội dung chính, có phần diễn giả dùng 2 tờ giấy– một trắng có chấm đen duy nhất và một đen tuyền– để khuyến cáo bạn trẻ chú ý tìm “khía cạnh tích cực”, phát hiện “điều tốt”, “nhớ lại kỷ niệm đẹp” khi quan hệ trục trặc, “sự cố”; minh họa bằng cụm từ ‘gạn đục khơi trong’.
Trên màn hình rõ ràng cụm từ “Vui vẻ: khỏe người, trẻ lâu, đẻ ra tình, đẻ ra tiền”, diễn giả còn nối đệm bất ngờ “đẻ ra trẻ con nữa”.
19g53′, buổi Tọa đàm chuyển sang phần diễn giả thỏa thuận sẽ chỉ trả lời 2 câu hỏi. Một cô gái trẻ giơ tay đại khái thắc mắc rằng, chơi với bạn thì nghĩ tốt hết về bạn thì có tốt không? Diễn giả đáp ứng, đưa ra ví dụ này nọ rồi chốt ý bằng ví von ‘cố quá- quá cố’.
Kết thúc lúc 20h08′; trước khi chia tay, diễn giả nói lời cuối cùng mong muốn bạn trẻ chú ý điểm chung, nhấn mạnh đến việc tìm sẽ thấy…
Dù tỏ rõ ý thức nghề nghiệp và thuần thục kỹ năng thể hiện, song cả nội dung trình bày lẫn hình thức tổ chức buổi Tọa đàm của diễn giả thuộc công ty Tâm Việt không gây ấn tượng gì lắm với riêng tôi; có lẽ, vì tôi vốn không xa lạ gì mấy mẹo mực, chiêu thức cũ mèm đậm chất hoạt náo, gây cười và nghe rổn rảng lung tung khá mệt.
Đầu tư một thời gian với chừng ấy lượng người trẻ tập hợp nhau trong Hội trường luễnh loãng, mục tiêu tiếp thị cơ chừng buồn chán, thất vọng và cay đắng khi ngóng đợi ranh giới mới sẽ được thiết lập, thay cho cái hàng rào lâu nay xài mãi giờ không thể ổn thỏa nữa rồi.
Cơ hội thú vị nhất vẫn còn lửng lơ đâu đó… Hướng tiếp cận nhắm vào tiếp thị (marketing-focused) e là khó vận hành nổi. Lý do: có vẻ không ai trong số họ thực sự am hiểu những gì thị trường muốn.
Khi lựa chọn điều gì đó huyền diệu thay thế, khi mang đam mê chèn chỗ của sự tính toán cho công việc cần tiến hành thì ta mới dễ nhận được đúng thứ như hai gã nọ đang bán hàng.