Học sinh phổ thông lo sợ mình mắc Tâm thần phân liệt

Hỏi: Thưa bác, gần đây cháu xem film và nghe đài báo nói nhiều nên có tìm đọc tài liệu về Tâm thần phân liệt (TTPL) trên mạng. Hoàn toàn vì tò mò thôi ạ. Cháu không chắc chắn mình thực sự biết rõ về căn bệnh này, song lại bị thu hút muốn tìm hiểu về nó. Sau khi tham khảo nhiều nguồn khác nhau, cháu nhận thấy mình có tất cả các triệu chứng mới khởi phát của TTPL và cháu sợ là mình bị mắc căn bệnh này thật rồi, bác ạ.

Cháu mới học lớp đầu cấp phổ thông trung học tại một trường thuộc quận nội thành thôi, và gần như suốt cả năm qua, cháu thực sự tách biệt với mọi người. Cháu không dễ làm quen và kết bạn ngay khi mới gặp, nhưng chơi thân với ai rồi thì cháu rất gắn bó với bạn đó. Cháu cũng thấy mình xa cách với gia đình, hiếm khi trò chuyện cùng. Cảm xúc cháu dần ‘tẻ nhạt, phẳng lì’ và hiếm hoi thấy xuất hiện cảm xúc mạnh mẽ nào. Cháu cũng gặp rắc rối trong việc diễn đạt ý tứ và  cảm nhận cho thật rõ ràng. Cháu cực kỳ hay quên, tự cho rằng tính mình vốn thế, và cháu khó tập trung khi học trên lớp. Thí dụ, giờ Toán thì cháu ngồi mơ mộng đến nỗi khi thời gian làm bài kiểm tra trôi qua mà cháu vẫn chưa giải xong vì còn mải bận nghĩ lung tung và thấy khó tập trung vào làm liền ngay được. (Thưa bác, cháu nghe nói, ở người mắc TTPL thì ranh giới giữa thực và tưởng tượng khá mơ hồ.) Cháu có một số hoang tưởng, như là tin rằng người ta đọc được suy nghĩ của cháu. Dù nghĩ đây là điều kỳ cục, cháu vẫn ít nhiều tin chuyện í. Cháu cũng có trải nghiệm về paranoia. Chẳng hạn, cháu lo lắng không đâu rằng có thể email này sẽ bị gửi sai địa chỉ, không đến đúng người nhận. Thi thoảng cháu biểu lộ sự tức giận đầy thù địch, nhưng chủ yếu nhắm tới thành viên trong nhà hơn là kẻ lạ. Cháu chưa từng có ảo giác, song cháu đọc thấy đây là một triệu chứng về sau nó mới tự biểu lộ.

Trên đây là tất cả những triệu chứng cháu hiện có, mà theo chỗ cháu biết, chúng có thể liên quan tới bệnh TTPL hoặc chí ít là đang ở giai đoạn đầu của TTPL.

Cháu hy vọng bác sẽ lý giải mọi điều rõ ràng về tình huống nan giải của cháu, để cháu cảm thấy tốt hơn khi biết rằng cháu đang sai lầm điều gì, còn hơn là cháu cứ âm thầm giữ rịt chúng trong bóng tối.

Cháu XY (đã sửa tên và thay đổi vài chi tiết nhằm mục đích bảo mật)

Trả lời: Cháu XY, như cháu biết, một trong những điều kỳ diệu của internet là cháu có thể tìm kiếm bất kỳ thông tin về một chủ đề nào đó. Một trong những điểm tệ hại của internet là cháu thường không nhận được nhiều chỉ dẫn thích hợp với công cuộc kiếm tìm thông tin. Cháu có thể không biết nguồn thông tin cháu đọc chính thống như thế nào, hoặc không có được lợi lạc nhờ gặp rồi nói chuyện trực tiếp với một chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Những điều vừa nêu là quan trọng, đặc biệt khi mình giải quyết với những vấn đề thuộc lĩnh vực sức khỏe tâm thần.

Tâm thần phân liệt (Schizophrenia, TTPL) là căn bệnh cực kỳ phức tạp. Các triệu chứng thường được phân loại thuộc dương tính (ví dụ như các hoang tưởng, ảo giác, ngôn ngữ rối rắm, hành vi hỗn loạn hoặc kỳ cục), âm tính (ví dụ, tình cảm nhạt nhẽo, không dám bắt tay vào việc), hay mặt nhận thức (ví dụ, khó khăn trong việc duy trì sự chú ý, trí nhớ trục trặc, thấu hiểu kém cỏi).

Không ai biết nguyên nhân song TTPL có liên quan tới di truyền. TTPL xảy ra với tầm 1% dân số và nó thường bộc lộ vào cuối giai đoạn vị thành niên và đầu tuổi 20. Dù TTPL có thể xảy ra ở đối tượng trẻ hơn nhóm người này, song điều đó hiếm hoi lắm.

Đây là lý do tại sao tôi khuyến cáo cháu đừng quá vội vã đánh giá là mình đang gặp phiền não ghê gớm. Lý do khác nữa để không chắc về một chẩn đoán TTPL là người khổ sở bởi rối loạn này nhìn chung không nhận ra rằng các triệu chứng của họ là bất thường đâu; sự kiện cháu biết những điều này ở bản thân mình chứng tỏ cháu có một mức độ thấu hiểu– vốn thường ít thấy ở người mắc TTPL.

Chẩn đoán có thể là trò khá quỷ quyệt, nhất là khi nhiều chẩn đoán liên quan tới sức khỏe tâm thần trở nên khá thông dụng.

Chẳng hạn, nhiều triệu chứng mà cháu nêu ra (tỷ dụ, cách biệt xã hội, tình cảm trơn lì, tập trung khó khăn, tức giận mang tính thù địch) cũng có thể chỉ định cho bệnh trầm cảm. Đấy cũng có thể là chẩn đoán trầm cảm đi kèm các dấu hiệu loạn thần.

Bởi vì có những sự giống nhau giữa các chẩn đoán nên thường tiến trình chẩn đoán bao gồm việc chỉ ra cả những sự khác biệt khả thể. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần được đào tạo, huấn luyện trong việc phát hiện, nhận ra những điểm khác biệt như thế, và việc huấn luyện không thể đơn giản là lặp lại nhờ đọc về một rối loạn.

Đây là lý do giải thích tại sao tự chẩn đoán dễ dẫn tới kết quả không chính xác. Nói khác, đừng quá chắc chắn rằng cháu mắc TTPL. Nó có thể là trầm cảm hoặc nó có thể cho thấy, ngay bây giờ cháu đang trải qua một giai đoạn thật gay go.

Bất kể cháu mắc phải điều gì, nghe có vẻ như là hiện cháu cảm thấy lo sợ và khốn khổ vì nó. Do đó e chừng, tiếp xúc với một chuyên gia sức khỏe tâm thần và nhận một lượng giá tâm thần đàng hoàng sẽ giúp cháu cảm thấy tốt hơn chăng.

Bình tâm.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top