Cốc cacao nóng, ai vừa bước vào tóc ướt; chắc bên ngoài vẫn còn mưa bao vây cho trọn phận long đong…
Trên màn hình TV, hiện lời thoại của danh hài Charlot “Anh muốn dành cho em điều bất ngờ. Anh đã tìm ra nhà rồi, em ạ!” Đọc được một số trang sắp hết cuốn Quyển Sách của Nhân loại (The Handbook of Mandkind/ Manuel pour l’Humanité), ngẩng đầu lên thấy dòng chữ đen chạy qua mắt nai chớp chớp: “Giờ mới đích thực là nhà của mình, anh ạ”.
Ngấm ngầm ngâm. Một góc thơ Việt Nam hôm nay ghi nhận bình đẳng giới con chữ, tiếng nói và khuôn hình thứ thơ rác, thơ dơ mọc lên từ đâu đó không lời thề tự thú.
Chẳng có chi bí mật cả với vô số mẹo mực ‘làm thế nào’ để chuyển những trải nghiệm và câu chuyện riêng tư của gia đình mình, đồ ăn thức uống, bộ sưu tập các con thú cưng, và bạn bè lủ khủ thành thơ.
Chẳng hạn, chương đầu tiên mang tên “Tại sao viết như thế?” với bố cục cụ thể gồm các phần tác giả trình bày như sau: Những sự đối lập và những sự nhất thống; Các khúc đoạn/ Chất hài hòa; Thôi thúc nội tại/ Thôi thúc ngoại giới; Cá nhân/ Tập thể; Hiện tại/ dĩ vãng; Các phương tiện/ Các cứu cánh; Phong cách kẻ tân thời và xã hội hiện đại; Cá thể và tập thể: chiến tranh, buổi họp, thành phố, quảng cáo và báo chí, công nghệ và việc thu âm, ghi dữ liệu; Chủ nghĩa hiện đại và trạng thái bị bùa mê thuốc lú…
Theo nguồn thượng dẫn, thoạt kỳ thủy thì ngôn ngữ triết lý, các khái niệm và sự triển nở đầy tính tưởng tượng đã tác động mạnh mẽ đến thơ ca và thi sĩ rồi. Đại khái, phong cách chuyển sang kiểu khác khi tạo tác lại cộng đồng độc giả; giờ là thế giới mới của truyền thông đại chúng, các hình thức dân chủ, chiến tranh tổng lực và chuyển đổi niềm tin tôn giáo…
Bài học về thơ là bức chân dung giải trí tiêu sầu lắm lúc của một đồng chí thi sĩ, giáo viên và người kể chuyện danh chính ngôn thuận, ở ngoài thiên hạ nhìn rõ thực hư thế mà sao khó bề bắt chước cho thật đèm đẹp nổi.
Đành nổi hứng nhắc mãi chưa thôi: thi tính của vô thức.