Lý giải động cơ giết người của kẻ sát nhân và vì sao ai đó giúp đỡ tha nhân dưới góc độ văn hóa

Mỗi kẻ sát nhân, một vụ giết người thường dễ tạo nên sự khác biệt và duy nhất, khiến rất khó biết đích xác lý do đối tượng hạ thủ và thiên hạ thì hay thích đoán già đoán non…

Một nghiên cứu đã thử so sánh ngôn ngữ của hai làng báo ở Trung Quốc và Hoa Kỳ trong cách miêu tả cùng một vụ việc giết người tương tự.

Khi người Mỹ tường thuật về các vụ bắn nhau, họ tập trung vào các nét tính cách khiếm khuyết của kẻ sát nhân, nói rằng tâm thần kẻ đó không ổn định, rối rắm, hoặc có tâm tính xấu xa. Dân Trung Hoa tuy vậy, lại nhắm vào các các mối quan hệ căng thẳng trong đời sống của kẻ thủ ác, lưu ý là chúng tách biệt về mặt xã hội và không hòa hợp gì lắm với nạn nhân.

Các quan sát này thúc đẩy hai tác giả Morris và Peng tiến hành hàng loạt thực nghiệm đã minh họa thuyết phục rằng, người Mỹ gốc Âu và người Mỹ gốc Á có suy nghĩ ngược hẳn về quan hệ nhân quả. Người Mỹ gốc Âu là nhóm quen giải thích hành vi bằng các nét tính cách đoán chừng và các cấu trúc khác thuộc nội tâm của đối tượng. Tại sao Sam giúp đỡ? “Bởi vì Sam là một người ân cần, chu đáo.” Nhóm gốc Á lại giải thích hành vi bằng các yếu tố tình huống thuộc thế giới bên ngoài của đối tượng. “Sam giúp đỡ bởi vì trời tối và không có ai khác hỗ trợ.”

Các nghiên cứu sau này của Peng và đồng nghiệp còn tỏ lộ nhiều phát hiện đáng ngạc nhiên hơn; rằng những sự khác biệt giữa người Mỹ gốc Âu và gốc Á thể hiện ở mức sâu sắc hẳn đối với việc tri nhận về mối quan hệ nhân quả thuộc thể lý. Trong một nghiên cứu, các sinh viên Hoa Kỳ và Trung Hoa được đề nghị quan sát một quả bóng trong một thùng chứa chất lỏng rồi họ cần giải thích sự chuyển động của quả bóng. Dân Mỹ hay nghiêng về kiểu cho là sự chuyển động của quả bóng có nguyên nhân bởi điều gì đó do chính tự thân nó, như tỷ trọng và hình dạng chẳng hạn. Dân Trung Hoa có xu hướng giải thích sự chuyển động của quả bóng là kết quả của điều gì đó nằm bên ngoài, như độ nhớt hoặc sự lưu chuyển của chất lỏng. Các phát hiện vừa nêu chập nối tốt với những nghiên cứu đi trước về cách thức người ta giải thích hành vi của những kẻ sát nhân và các đối tượng khác.

Nhà tâm lý học phát triển Joan Miller đã chỉ ra, người ta dần học hỏi cách giải thích theo lối thông thường đối với nền văn hóa của họ. Bà hỏi người Hindu Đông Ấn Độ và người Mỹ lý giải tại sao thiên hạ đôi khi làm những chuyện xấu xa và đôi khi lại hành xử ngon lành. Bọn trẻ trong nghiên cứu đưa ra các giải thích tương tự, bất chấp cội nguồn văn hóa chúng lớn lên. Đối tượng vị thành niên mới lớn lại khác, chứng tỏ kiểu dạng bất đồng thường quan sát thấy ở người trưởng thành: dân Ấn giải thích hành vi hoàn toàn do bối cảnh và dân Mỹ giải thích hành vi là bởi dự tính, thiên hướng vốn thế.

Cơn cớ gì kẻ sát nhân giết người và ai đó lại giúp đỡ tha nhân? Đôi khi sự giải thích đặt để chính ở đôi mắt nhìn của đối tượng chứng kiến– và chúng ta thường nhìn theo những gì văn hóa dạy chúng ta.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top