Thông lệ luôn biết mình chỉ cần mua chút ít đồ gia dụng, thực phẩm, rau- trái- củ- quả gọi là nên chẳng mấy chốc mà xong việc ngay, song tôi lại không rời chợ ra về rất nhanh vì ít nhiều tò mò để ý xem thiên hạ lượn qua lượn lại… Thật lạ, nhiều người cứ bước tới lộn lui, mãi mà vẫn chưa thấy họ dứt khoát được nên bỏ thứ chi vào giỏ; chắc do còn phân vân ghi nhớ đầy đủ các món, đặt lên hạ xuống hàng này, giá nọ, nhãn kia chăng…
Tại sao xảy đến hiện tượng chúng ta lắm khi bận tâm ghê gớm với cái quyết định về những thứ tương tự– trên đại thể– không thực sự quan trọng quá mức?
Một bài báo đăng trong số Tạp chí JCR tháng 8.2012 góp phần lý giải điều thắc mắc vừa nêu ấy.
Hai tác giả khẳng định, quyết định chẳng mấy quan trọng có thể lôi kéo, cuốn hút chúng ta khi chúng phức tạp hơn rất nhiều so với dự liệu. Họ gọi các lựa chọn này là “quyết định cát lún” (“decision quicksand”), vì chúng đẩy ta vào sâu dù chúng không xứng đáng đòi buộc mình phải bỏ công, tốn sức như thế.
Kết quả từ hai thực nghiệm trong nghiên cứu trên cho thấy, khi tiến hành các lựa chọn, chúng ta phải để ý cân nhắc giữa sự nỗ lực và độ chính xác. Tức là, yêu cầu chúng ta cần tiêu hầu hết thời gian vào những lựa chọn nào quan trọng nhất ngõ hầu ráng sức đảm bảo chắc chắn rằng mình có được lựa chọn tốt nhất.
Câu chuyện ở đây: làm sao chúng ta biết mình nên tiêu tốn bao nhiêu thời gian cho một lựa chọn?
Lúc bắt đầu, chúng ta ước đoán khá dễ dàng để đi đến một sự lựa chọn. Rồi khi chúng ta ngờ rằng lựa chọn là khó khăn và nó đúng thế thật thì chúng ta lại chỉ thích tập trung tới các lựa chọn, chứ không nhắm vào tính gay go của quyết định.
Chúng ta vốn giả định sự lựa chọn là dễ dàng và đến lúc nó cho thấy là khó khăn thì chúng ta tỏ vẻ ngạc nhiên bởi cái sự rắc rối, gay go đó. Chúng ta đáp ứng hết sức tự nhiên với nỗi khó khăn chẳng hề mong đợi tí nào bằng việc nỗ lực nhiều hơn, thậm chí gắng sức phụ trội không cần thiết nữa. Đáp ứng kiểu vậy phản ánh: thêm một chút nỗ lực thường sẽ giúp mình giải quyết được các vấn đề chúng ta tình cờ bắt gặp trong đời sống hàng ngày.
Vậy, rốt cục thì mình có thể làm gì nhẹ nhàng?
Khi tới cửa hàng bán đồ tạp hóa và thực phẩm– hoặc bất kỳ nơi chốn nào không nhất thiết phải có một quyết định cực kỳ chính xác lắm í– mình nên giữ sự chú tâm trên tiến trình đưa ra quyết định. Thoáng bỏ tí chút thời gian lướt qua, khoanh vòng nhanh ước muốn khiến không phải tốn quá nhiều thời gian chẳng đáng cho việc ra quyết định và để dành sức còn lại cho những lựa chọn đích thực quan trọng.