Làm sao để mỗi ngày đi dạy là một ngày vui?

Với suy nghĩ riêng cá nhân tôi, ước mơ “Mỗi ngày đi dạy là một ngày vui” khi dần thấm đẫm hiện thực sẽ là thần dược giúp các thầy, cô giáo làm lây lan thêm, nhân rộng lâu dài hơn niềm vui ở các em học sinh lúc đến trường, lớp.

Tự hỏi “mỗi ngày đi học là một ngày vui” tạo ra nổi chăng khi thầy, cô giáo không yêu nghề, được tạo điều kiện cống hiến và luôn tìm thấy động cơ để truyền tải mê say những trải nghiệm và kiến thức cần thiết cho việc học hỏi, lớn lên và hạnh phúc ở đời?

Phải tôn trọng giáo viên, không chỉ vì đấy là quyền con người cơ bản và thể hiện thuyết phục sự vinh danh nghề nghiệp cao quý; rốt ráo ra, đấy là cách đào tạo, huấn luyện và sử dụng lực lượng thầy, cô giáo toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp trồng người.

Trăm dâu đổ đầu tằm; khi cuộc sống còn quá nhiều khốn khó, lãnh đạo ngành giáo dục lại vừa đề ra 3 đủ (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) thì suy cho cùng, gánh nặng của trách nhiệm và nghĩa vụ sẽ tiếp tục khiến các thầy, cô giáo các cấp phải gánh lấy.

Cần có chính sách và chiến lược đào tạo bài bản, tính tới khả năng dự phòng, trợ giúp hiệu quả những biến động tâm lý, căng thẳng tinh thần và khủng hoảng giai đoạn trong thực tiễn vào nghề, tác nghiệp của đội ngũ thầy, cô giáo đứng lớp.

Ngăn chặn, hạn chế hiện tượng bỏ dạy, chuyển sang làm công việc khác; người giáo viên phải được trang bị kiến thức lẫn kỹ năng đương đầu với vô vàn áp lực stress ngay tại lớp học và trong đời sống hàng ngày để họ tự mình vượt qua thách thức ở ngoài đời lẫn khi hành nghề…

Hôm nay là Ngày Hòa giải và Yêu thương. Nhớ lại, tôi đã lặng người biết mấy khi đọc đôi dòng tâm sự trong một bản tự khai của các giáo viên Mầm Non về khả năng hiểu biết cảm xúc bản thân và kiểm soát cơn giận rằng, nỗi lo lắng hiện tại của cô giáo í là lương vẫn chưa được nhận trong khi học phí của con gái thì nhà trường (ngay chính nơi cô đang giảng dạy) lại đề nghị thanh toán…

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top