Tự đọa đày vướng mắc, chấp nhận, và ôm choàng sự thay đổi

Nghe mọi người tranh cãi, bàn luận về việc ‘chấp nhận’ và ‘chấp nhận người khác’, tôi thường cảm thấy như thể họ đang ủng hộ cho một thứ chủ nghĩa tương đối khá lười biếng– tất cả mọi quan điểm đều đúng đắn như nhau, tất cả mọi ý kiến luôn xứng đáng, tất cả mọi thực hành và niềm tin thì vượt xa hẳn những lời chỉ trích.

Bản thân từng chống kháng ý tưởng này về sự chấp nhận bởi vì nó đổ xuống quá phẳng phiu, trơn láng bề mặt của thực tế.

Trong một số tình huống, mình có thể bất đồng với ai đó khi nhìn nhận các giá trị bộc lộ qua khẳng định của họ, hoặc chấp nhận rằng  họ có những trải nghiệm và phương thức sống riêng có. Nhiều lần khác, cái kiểu ‘chấp nhận’ này khởi đi từ thói quen biếng nhác, không đích thị thành thực và vô cảm, và dễ dẫn tới lắm vấn đề tồi tệ nếu người ta dùng nó như lời cáo lỗi hoặc lờ tịt những tạo tác phá hoại, hủy diệt gây ra.

Không những cần thể hiện trên một thang đo vĩ mô như chuyện ô nhiễm môi trường, chấp nhận cũng hết sức trọng yếu khi triển khai ở tầng mức vi tế hơn như biết bao trục trặc thuộc các mối quan hệ đôi lứa hàng ngày.

Hiện bị hối thúc đương đầu với vô vàn nan giải về tài chính khủng hoảng, mong sao rất nhiều gia đình bắt đầu ôm choàng cuộc đời và quan hệ họ đang có, hơn là cầm nắm, giữ rịt ý tưởng làm thế nào điều ấy ‘giá mà’… E chừng họ sẽ giảm thiểu việc làm tổn thương nhau như những bạn tình đầu ấp tay gối, gắng tạo nên nỗ lực bớt chỉ trích và đòi hỏi, có nhiều mối quan tâm hơn và chú mục vào quan hệ, thay vì phấn khích do khát khao sở hữu những tài vật phù du: nhiều tiền, nhiều bạn bè, đất cát lủ khủ, nhà cửa tân thời, xe cộ đời mới,…

Bởi vì, rốt ráo chấp nhận khiến mỗi một sinh mệnh đối diện với cảnh trí bất tận khôn lường của sự thật vô thường (impermanence). Như nó là thế, và hoàn hảo theo cách đó.

Năm mươi năm trước, nhà tâm lý học lừng danh Carl Rogers đã xây dựng một triết lý sâu xa về tiềm năng của con người xoay quanh ý tưởng đơn giản này: “Thật kỳ cục nghịch lý là khi tôi chấp nhận chính mình như tôi hiện thế, rồi thì tôi có thể thay đổi.

Đọc Tiến Trình Thành Nhân (On Becoming A Person), ngay từ chương thứ nhất, tác giả đã nêu ra vấn đề về sự chấp nhận:

Tôi nghĩ đó là mẫu hình thông dụng ngày càng tăng lên trong nền văn hóa chúng ta vì ai cũng cho rằng, “Mỗi một người khác kia phải cảm nhận, suy tư và tin tưởng giống y chang như tôi vậy.”

Và sau đấy một vài dòng là diễn đạt rõ ràng hơn:

Mỗi cá nhân là hòn đảo tự thân– với một cảm nhận hết sức thực tiễn; và anh ta chỉ có thể bắc các cây cầu sang những hòn đảo khác nếu trước tiên nhất anh ta thật ao ước muốn là bản thân anh ta và cho phép mình được là chính mình. Vậy nên tôi phát hiện thấy, khi tôi có thể chấp nhận người khác, đặc biệt là chấp nhận các cảm xúc, thái độ và niềm tin rằng anh ta là một thực thể sống động rồi thì ra chính tôi đang trợ giúp anh ta trên tiến trình thành nhân: và điều ấy với tôi dường như mang một ý nghĩa lớn lao.

Tách chuyển khỏi hẳn chủ nghĩa tương đối biếng lười đã nêu, sự chấp nhận mô tả ở đây có vẻ nhắm tới việc nhận ra rằng, các cảm xúc/ niềm tin/ v.v… của người ta là đích thực và chắc thật với bản thân họ. Nó chứa đựng ý nghĩa đối với họ theo nhiều cách thức.  Có thể là chúng ta hoàn toàn bất đồng với những gì họ đang biểu đạt hoặc chúng ta nhận ra nó đáng ghét, song chúng ta chấp nhận nó là thực tế đối với họ.

Chúng ta vốn có một xu hướng ghê gớm trong việc làm mất hiệu lực kẻ khác bằng lối tảng lờ rằng những gì họ suy nghĩ hoặc cảm nhận là không thực tế (“Bạn không thể nghiêm túc được,” chúng ta nói thế, hoặc “Không ai suy nghĩ kiểu thế bao giờ” hoặc “Bạn đang nói dối”); thậm chí, chúng ta tô điểm đủ trò bao biện để quyết khống chế (“Bạn đích thị mệt mỏi rồi, bạn không thực sự cảm nhận giống như thế” hoặc “Bạn đang bất ổn, cảm tính, năm nóng năm lạnh…”).

Carl Rogers bày tỏ, khi ông trở nên “cởi mở hơn các thực tế trong lòng mình và ở trong lòng người khác”, ông thường dễ dàng nghiêng theo hướng lắng nghe và cố gắng thấu hiểu, thay vì ngay lập tức vội vàng nhảy ùm “hàn sửa điều này điều nọ” hoặc gập cong, uốn lượn người ta theo cách thức riêng mình đang nhìn nhận thế giới.

Tôi nghĩ, kiểu chấp nhận này nói chung là cách tiếp cận tốt; nó giảm thiểu các dịp mình áp chế võ đoán ai đó theo những suy tư của bản thân, điều khiển họ và bảo với họ cực kỳ chính xác những gì họ đang cần suy tư/ cảm nhận.

Nó cũng đồng vọng với những gì tôi đọc được về thực tập tỉnh thức (mindfulness) và chấp nhận khoảnh khắc hiện tại như nó đang là, với tất thảy các phẩm chất tiêu cực lẫn tiêu cực vốn có (chứ chẳng phải, tránh né thực tế hay thêu dệt nó bằng những suy tư cá nhân nên giống thế nọ thế kia).

Thêm lần nữa, những gì chúng ta tiến hành khi chúng ta muốn thay đổi chính mình hoặc khi những hành vi, cảm xúc và suy tư của kẻ khác đang tàn phá chính họ và hủy diệt tha nhân? Chúng ta có thể chấp nhận rằng những gì mình đang làm là thực tế và phục vụ một số nhu cầu tâm lý thiết yếu… song giả sử họ muốn thay đổi và đề nghị trợ giúp, làm thế nào chúng ta có thể giúp họ?

Câu trả lời tuyệt không hề đơn giản chút nào, nhưng chí ít lúc này, Rogers viết ngay trong chương thứ nhất rằng nó là một nghịch lý:

Khía cạnh nghịch lý với trải nghiệm của bản thân là khi tôi càng đơn giản ước muốn được là chính mình, trong tất cả tính phức tạp này của đời sống và khi tôi càng ước muốn thấu hiểu và chấp nhận các thực tế trong con người mình và trong kẻ khác thì càng khơi động không ngừng sự thay đổi.

Cách cởi bỏ sự đánh giá và mong đợi như thế có thể truyền dẫn đời sống thực tế hàng ngày với cảm giác về sự dễ chịu, hài hước và thanh thản. Vô cùng tréo ngoe, việc chấp nhận mình đích thực đang là và sự vụ như thế có thể cài đặt trạng thái cho sự thay đổi diễn tiến dễ dàng.

Dĩ nhiên, nghịch lý của sự chấp nhận này cũng là cánh cửa hướng tới một sự thay đổi đã và đang tỏ ra là một mô hình hợp trội thật hiệu quả đối với các cặp đôi nữa. Áp lực phải thay đổi hoặc khác biệt chuyển tải thông điệp cơ bản rằng, có điều gì đó sai lạc với mình, bất luận “mình” đây là nền văn hóa lãng phí, một cuộc hôn nhân, người tình, hoặc ngay cả là… chính mình.

… Hôm nay, trời trở lạnh từ buổi trưa, và khách ngồi xe bus chặng gần cuối ngày đã có người tranh thủ cặm cụi đôi tay thoăn thoắt đan len làm khăn choàng cổ. Trở về nhà, trước lúc đi ngủ, tôi còn đọc được quan sát của nhà sinh học tiến hóa E.O. Wilson về trạng thái loài người vào thế kỷ XXI thật ấn tượng:

Nhân loại bây giờ tựa như kẻ mơ mộng cứ mải miết lêu bêu, tranh thủ bắt chụp giữa những huyễn tưởng của cơn ngái ngủ và sự hỗn độn nhốn nháo trong thế giới hiện thực… Chúng ta đang tạo tác một nền văn minh dạng Chiến tranh Giữa Các Vì sao, với thứ cảm xúc của Thời kỳ Đồ đá, các thiết chế hồi Trung cổ, và công nghệ như thần như thánh í…

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top