Nhìn chung, ma quỷ vốn là loài gây tâm thần kinh thiên động địa; ai cũng nhắc tới với vẻ hoảng sợ và tuyệt chẳng muốn dây vào, nói chi tới chuyện vui đùa tí tởn.
Vậy mà cái lễ hội khá khác lạ với dân Việt í vẫn được giới trẻ tiếp nhận thoải mái; thậm chí, dù đó đây có tiếng nói chỉ trích lẫn biểu thị sự ngó lơ thì trên thế giới, xem chừng văn hóa Halloween cứ tiếp tục được thiên hạ mê thích và con số doanh thu lĩnh vực ghê khiếp này cứ tăng không ngừng, chỉ tính riêng chi phí do người lớn mua sắm đồ trang phục Halloween năm nay đã là 1,21 tỷ USD.
Dựa trên truyền thống Pagan và các truyền thống tôn giáo khác, lễ hội không chính thức này đã trở thành một thứ truyền thống đa phần không thế tục. Những gì người ta nhận được từ nó?
Mỗi năm đến hẹn lại lên, ngày này, người ta có thể yên tâm thể hiện các huyễn tượng của bản thân, khắc chế những nỗi sợ hãi, và biểu đạt các phẩm chất nội tâm thường hay ẩn giấu lâu nay.
Trong khi người ta thi thoảng mới khoác lên mình các bộ trang phục khôi hài, những bộ đồ phát khiếp ấy cứ lặng thầm tạo lập nên hẳn một xu hướng thời trang.
Dưới đây là các lý do có thể giải thích tại sao người ta thích ăn mặc như thế:
@ Có thể chế nhạo nỗi sợ hãi. Đời sống chúng ta đầy tràn căng thẳng thể xác cũng như áp lực tinh thần, và chúng ta giải quyết nỗi sợ hãi, lo lắng trên bình diện căn bản hàng ngày. Mặc các đồ rùng rợn giúp chúng ta xử lý, dẫu ở tầm mức tiềm thức thôi, các món thứ khiến mình kinh sợ nhất. Hình thức các thây ma vật vờ hiện là đồ trang phục thông dụng vô cùng. Chẳng hạn, nếu thử hỏi Google, “Bed Bug Halloween Costume”, tích tắc sẽ cho ra chừng 199.000 kết quả. Tại sao chúng rùng rợn vậy? Bởi ban ngày ẩn ấp, chờ đến đêm về tấn công bất ngờ khi ta ngủ. Halloween mời gọi chúng ta nhìn vào nỗi sợ cái chết. Chúng ta cũng có thể xử lý nỗi sợ mất quyền kiểm soát hoặc đơn giản làm sinh thể khác biệt.
@ Có thể biểu đạt những gì đang bị lãng quên. Một cách tiềm thức, chúng ta có thể phóng chiếu vào các bộ đồ trang phục những phẩm chất mình kiềm nén trong đời sống thường ngày. Chẳng phải quá dễ dàng quan sát thấy biết bao phụ nữ thích ăn mặc những bộ đồ trang phục thiếu vải, quyến rũ và bắt mắt? Điều ấy e chừng vì họ chặn nén các cái tôi táo bạo, dục tình nơi công sở và ở nhà riêng.
Phát hiện ra phần mồi chài nội tại của họ thật đáng phấn khích và hợp lệ, và chuyện mặc tại các hội hè tiệc tùng là ổn những thứ khó khoác lên người tại cơ quan hay chốn hội thảo thâm nghiêm. Mặc như một siêu nhân (đồ trang phục hay thuê số 1) cơ chừng biểu đạt lòng dũng cảm, sức mạnh, và ước muốn cứu rỗi thế giới, những phẩm chất mình không thể nhận ra thông thường ở chính bản thân mình.
Chúng ta cũng có thể biểu đạt các giá trị hoặc quan điểm mà chúng ta không thể phóng xuất ra ngoài như thông lệ được. Chúng ta cũng có thể nhạo báng các nhân vật quyền lực hoặc phô diễn kiến thức mình biết bởi việc trình bày, thể hiện một sự kiện đương đại nóng bỏng tính thời sự. Chúng ta có thể xuất hiện bằng vẻ ngoài thông minh, ưu uất, hung bạo, trẻ con hoặc mảnh khảnh– tất cả, phụ thuộc vào các nhu cầu của chúng ta. Một mụ phù thủy là hình ảnh gì đó vượt trên hẳn một mụ phù thủy. Mụ là một con đàn bà không giả vờ là mình xinh đẹp. Các đồ trang phục giúp chúng ta biểu đạt một nỗi niềm tự do chúng ta luôn luôn khát khao khôn tả.
@ Chúng ta biến thành kẻ ẩn danh. Chúng ta có thể có thể gạt sang bên những cưỡng ép văn hóa và những gì chúng ta tri nhận là bình thường khi đeo một cái mặt nạ. Các quy tắc quen thuộc và cấu trúc xã hội bị bãi bỏ trong lễ hội Halloween, và bên dưới một bộ trang phục, chúng ta thành kẻ dũng cảm hơn, và chẳng hoàn toàn sợ bị đánh giá nọ kia một chút xíu nào. Một gã ngày ngày chôn chân phờ phạc ngồi hàng giờ liền bên máy tính bán áo quần có thể nhảy nhót mê sảng, hò reo nhặng xị và múa may quay cuồng hết cỡ trong bộ đồ một con khỉ đột to xác kềnh càng. Không ai nghĩ gã này điên khùng gì cả.
@ Có thể bộc lộ ra ngoài các huyễn tưởng một cách an toàn. Ai chẳng có lúc ước họ giá mà là một nàng công chúa kiều diễm, một nghệ sĩ thuần phục sư tử đại tài, hoặc một siêu nhân? Halloween cho phép chúng ta biểu đạt bất kỳ điều chi mình mơ tưởng bấy lâu, hoặc e ngại theo đuổi chưa thôi. Amelia Earhart, Bill Gates, hoặc Barack Obama có thể đều nối kết ước ao của chúng ta tới sự phiêu lưu, giàu có và quyền lực. Hoặc, chúng ta có thể huyễn tưởng đang quay về thời thơ ấu êm đềm, ngây dại tuyệt vời…
Halloween cho chúng ta quyền khám phá và vinh danh bản chất thẳm sâu, bí ẩn trong lòng. Bầu không khí ma quái, kinh khiếp ấy kích họat thiên hạ. Chúng ta có thể để lại đằng sau hệ hình ứng xử quen thuộc và tiến hành ve vãn những nỗi sợ hãi.
Đừng quên rằng trong khi cuồng nhiệt phấn khích vì nuông theo, thích thú quá chừng trong huyễn tưởng, sự thật đích thị: nó luôn chỉ là một huyễn tưởng.
Lời cuối, ngay tại Việt Nam, các trường học có tổ chức lễ hội hóa trang vẫn thừa khả năng dàn dựng chương trình mang tính giáo dục sâu sắc hơn; chẳng hạn, giúp học sinh, sinh viên trao đổi, thảo luận về các bộ đồ thời trang thiết kế cho chúng hoặc do họ tự tay làm.
Mục tiêu xem xét, hiểu biết về việc sử dụng các mẫu rập khuôn và định kiến thể hiện trên các phương tiện truyền thông thị giác (visual media); dùng các kỹ năng và chiến lược phù hợp để hiểu biết và diễn dịch truyền thông thị giác,… được triển khai thông qua tiến trình làm việc nhóm như phân tích một bộ đồ trang phục Halloween theo các tiêu chí: kiểu trang phục, thể hiện bản dạng giới, sắc tộc, tuổi tác,…