Hà Nội đang rét và mưa; theo dự báo, cơ chừng thời tiết sẽ dây dưa lơ tơ mơ, lành lạnh đến giữa tuần mới thôi.
Tối bữa kia, khi đang thư thả ngồi dùng món cơm cháy giòn rụm kèm súp đậu Mơ cay xé trong tiệm đồ chay trên phố Lê Ngọc Hân, cô bạn đi cùng bức xúc trước việc thiên hạ hay dòm ngó ì xèo nên đã thổ lộ luôn tại sao cô í thả rông ngực, không mặc áo nịt.
Giời ạ, thông tin thật thú vị. Chẳng có gì sai trái ở đây cả. Sự sinh, sinh sự mà. Điều khiến tôi mỉm cười là ý nghĩ ừ nhỉ, cô í đãi mình thức này âu cũng chính vì thấy nó lạ miệng, chứ đâu có thói quen trường trai; vả, kẻ ăn mặn hay tinh tuyền đời đời kiếp kiếp nào có phải nhờ thế mà thoát khỏi sân hận, tham luyến, khổ ải đâu…
Chợt nhớ, các thân chủ già trẻ, lớn bé thi thoảng thể hiện thành lời lối suy nghĩ “tại sao tôi…” i xì kiểu vậy.
Nhân tiện được hôm rảnh rỗi, bản thân bèn nghịch chơi bằng cách gõ cụm từ tìm kiếm trên Google “tại sao tôi“; và dưới đây, kết quả ngộ nghĩnh máy tự động trả lời theo thứ tự top 10.
1) nghèo,
2) ế,
3) buồn,
4) bỏ đi,
5) điên,
6) không hạnh phúc,
7) thất bại,
8) sống,
9) yêu em,
10) phải chọn bạn.
Bài tập kiểm tra nho nhỏ, ngẫu hứng, kiểu tự thắc mắc đầy tò mò ít nhiều phản ánh đặc thù họat động của không ít người dùng mạng lưới điểm toàn cầu.
Có rất nhiều, rất nhiều trang điện tử đề cập trực tiếp các chất vấn vừa nêu. Vậy, những câu trả lời gì chúng ta tìm thấy trên internet? Một số khuyên nhủ tốt, một số bày vẽ khủng khiếp, một số người ái ngại, một số khác nhạo báng. Và tồn tại nỗi niềm phiền não. Quá đỗi phiền não. Những vấn nạn của chúng ta có thể tiêu tốn năng lượng tinh thần khủng khiếp, và ngay cả đời sống của mỗi người nữa.
Đôi ba thuật ngữ tìm kiếm có vẻ rên rỉ om sòm, đồng thời khiêu khích đậm chất thân phận (nghèo, ế, buồn, không hạnh phúc, thất bại) và càng chứa đựng nhiều giả tạo, ảo tưởng; chúng ta muốn phát hiện ra cơn cớ chi mình mắc phải, rơi xuống thảm cảnh ấy, rồi làm thế nào mình có thể kết thúc sự bất mãn và đón nhận tháng ngày khuây khỏa, an ủi đây– song mọi thứ ở trong trạng thái than vãn dường như bộc lộ căn bản hết sức khuyết thiếu.
Những đồng loại khác có thể dễ dàng xác định đấy là nỗi khổ đau và là kết quả của sự lựa chọn lối sống này nọ (bỏ đi, điên, sống, yêu em, phải chọn bạn) song vẫn lấp ló lắm chuyện rắc rối, trục trặc không kém tại nơi làm việc; các câu trả lời khả thể càng phức tạp hẳn, và đặt để chúng ta là ai (hoặc chúng ta nghĩ mình là ai) như những chúng sinh mãi chưa thôi lăn lộn trong vòng sinh tử đọa đầy.
Tin buồn là không phải lúc nào chúng ta cũng đủ tỉnh thức để nhận diện, kiếm tìm các câu trả lời. Chúng ta muốn lắng nghe, đối thoại nghiêm túc, đàng hoàng với bản thân, song đôi khi chúng ta lại chưa sẵn sàng nỗ lực phù hợp.
Những gì chúng ta hy vọng tìm thấy– thêm nữa, hoặc đối tượng (người, đồ vật) thay thế, hoặc bất kỳ gợi ý cụ thể nào cho các cơ hội hiếm hoi– chủ yếu nhằm:
1) Khẳng định chúng ta không hề cô độc. Vô vàn diễn đàn xuất hiện đó đây cho những ai mong đợi da diết thiết lập hay duy trì quan hệ bền vững chẳng hạn, họ hiểu ai đó khác và có thể bớt cô độc.
2) Thấm thía tình tự cảm thông. Tôi không chỉ đơn thuần cảm nhận hàm nghĩa rằng một cái gì như kiểu bi kịch “khổ thân anh/ chị/ bạn” mà đích thị, đó là biểu hiện chân thành của sự sẻ chia ấm áp, ủng hộ nhiệt tâm. Có thể chúng ta thiếu vắng những người như thế trong đời sống hàng ngày.
3) Được động viên, khuyến khích. Tiến hành bất kỳ điều gì như sự lười biếng, mệt mỏi hoặc trêu ngươi vô thiên lủng đều có thể sai khiến mình cảm thấy nản lòng, thoái chí. Những gì chúng ta cần là các câu chuyện đầy hứng khởi và lời lẽ tử tế. Điều này có thể đem lại cho chúng ta cảm giác được nâng đỡ, hy vọng hướng tới tương lai tươi sáng, ngay cả dẫu hiện tại vẫn khiến mình cảm thấy chua chát, yếu kém, đắng cay,…
[Mai sẽ viết tiếp, lúc thích hợp (đọc ở đây). Bạn đọc đừng quên trách nhiệm trả công tác giả bằng việc bình chọn, đánh giá (Rate this) và nhấn nút ưa thích (Like this) ở cuối bài nhé (!)]