Phim tài liệu Nhân học: Các khung tham chiếu cho sự hiểu biết về bản sắc nhân dạng, văn hóa – ngôn ngữ và đời sống xã hội

Tạo một tiêu đề dài ngoẵng thế trong khi thời gian còn lại trong ngày chưa tới nửa tiếng đồng hồ, âu cũng là cố tình phản ánh ít nhiều tương hợp với những gì mà bộ phim Đội tuyển liên quốc gia gợi ra trong tâm trí tôi tối nay.

Tập trung vào giai đoạn vòng Chung kết Giải Bóng đá Thế Giới 2006, bộ phim của đạo diễn đồng thời là nhà nghiên cứu Nhân học này chọn trình bày theo lịch trình thi đấu để cố gắng đề cập bao quát các khía cạnh kinh tế, xã hội, nhân dạng, ngôn ngữ và học hỏi liên quan đến chuyện hội nhập văn hóa của dân nhập cư tại Đức.

“Chiến lược Thích nghi” là điều nổi rõ qua các cuộc phỏng vấn thành viên trong đội bóng, huấn luyện viên cho tới khán giả thuộc các thành phần khác nhau (kinh doanh, cảnh sát, luật sư, nghệ sĩ, kiến trúc sư) và cả sự đa dạng trong lứa tuổi, giới tính (trẻ nhỏ, phụ nữ, thiếu niên và người cao tuổi).

“Chiến lược Thích nghi” này phản ánh các tiến trình hội nhập làm ăn, học tập và sinh sống của cư dân tại hai quận thuộc thành phố Mannheim– từ các chiến lược thăm dò và các tiến trình ra quyết định (bao gồm cả các xung đột văn hóa ngầm ẩn và hành vi mang tính chính trị tinh tế) cho tới các hành động ngập tràn cảm xúc nồng nhiệt, phấn khích và phân cực của người hâm mộ môn túc cầu trong mùa tranh giải Worldcup 2006.

Đặc tả tuyệt vời phong cảnh quê hương– xen kẽ nhà cửa, phố xá, dòng sông và máy móc rộng rãi, tân tiến với thi thoảng buông lơi ngân nga bằng đôi nét chấm phá sinh họat đời thường rất mực mộc mạc rồi hòa trong giai điệu âm nhạc nhấn nhá mê tơi– là cái nhìn chăm chú của nhà nghiên cứu vào phương thức các phong cách lẫn mẫu hình truyền thông hết sức đặc thù của người đến từ các nền văn hóa khác nhau. Mỗi nền văn hóa có một chuẩn tắc phong cách truyền thông và khi phong cách ấy trộn lẫn với các phong cách khác trong cộng đồng thì nổi lên các mẫu rập khuôn và những tri nhận cần điều chỉnh nếu muốn nhắm tới sự hài hòa và hợp lý.

Bối cảnh liên văn hóa trong phim ở một địa phương của Đức đúng là một “thực tế đặc biệt”. Có thể kể, đó là một bộ sưu tập phong nhiêu, độc đáo và khác biệt trong giao thoa giữa chủ nghĩa nữ quyền và sự di dân thuộc bối cảnh Tây Âu. Lý thuyết hóa chủ nghĩa nữ quyền và việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ ở đây biểu lộ qua chủ đề nhập cư, giằng co bị thu hút và cố dứt bỏ của các nhân dạng, nền văn hóa gốc và văn hóa nơi họ chọn làm quê hương thứ hai, kháng cự và công bằng xã hội, và lối truyền thông vì tôn giáo và sự đổi thay, đòi hỏi thích ứng với hoàn cảnh mới…

Phim tài liệu kéo dài 90′ vẫn cuốn hút người xem dán mắt bởi các chi tiết lựa chọn thú vị, cảnh quay đẹp, không khó thấy tình cảm gắn bó thiết tha với góc chốn mình trú ngụ lâu dài của tác giả.

Một chủ đề như điểm mù văn hóa khó phát hiện là chuyện quản lý kiến thức xuyên văn hóa, một hiện tượng khá lảng tránh song chẳng khỏi có phần biểu lộ tự phụ: giá trị Đức– tính kỷ luật và nguyên tắc tổ chức. Suy cho cùng, đây cũng là hiện tượng đang ngày một tăng lên như yếu tố quan yếu trong thực hành mang tính tổ chức và chính sách của thời kỳ toàn cầu hóa.

Để bình định các điểm mù văn hóa vừa nêu ấy, cần nhấn mạnh cách thức cấu trúc của các vai trò, mối quan tâm, và quyền lực trong các yếu tố tổ chức khác nhau; trong phim là đội bóng, cửa hàng ăn uống và nhà trường, có thể làm nảy sinh các nghịch lý và mang lại động năng đủ sức tạo nên tác động cho các tiến trình học hỏi của công dân lẫn đội ngũ công bộc.

… Thật thích vì tại Hà Nội vẫn được xem một tác phẩm vừa trình chiếu trong Liên hoan phim quốc tế. Điều duy nhất khiến tôi hơi chút khó chịu chính là thói quen tắt máy nửa chừng khi màn ảnh vẫn còn chạy những dòng generic ở cuối phim; đồng thời, thầm mong lần xem tới tại Viện Goethe mình không phải đau cả cổ nhìn vượt qua đôi trai Tây gái Việt ngồi trước mặt cứ hú hí chụm đầu rung lắc gần như suốt từ đầu đến cuối…

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top