Ai bảo sự vơ vào chỉ thuần túy là trò tào lao vô hại?

Dù mới đầu cau mày phiền bực khi thoáng đọc dòng chữ vô lý đó, song chầm chậm lắng lại hơi thở thì tôi đâm ra biết ơn thật lòng bài trích dịch đăng trên tờ Tàu Nhanh quen thuộc xưa rồi: Mẹ bị cảm cúm, con dễ mắc chứng tự kỷ.

Tại sao ư? Nó góp phần giúp tôi thêm cơ hội quán sát thân – tâm sâu xa; nhận diện những nỗi niềm cảm xúc đến rồi đi vùn vụt, tưởng có lúc bùng phát song ngay lập tức chợt chuyển hóa thành bình lặng, êm ả vô cùng.

Tôi băn khoăn suy đoán, chắc do quá nhiệt tình và hết sức nôn nóng muốn thông báo tin nóng sốt chăng nên tác giả Thi Trân nào đó mới tự làm tê liệt tính liêm chính ở bản thân mình thế chứ.

Khó chối bỏ nổi, cách giật tiêu đề như trên nghiêng hẳn sang hướng câu khách thấy rõ. Kiểu lối tác nghiệp xử lý nhanh đặng nhận nhuận bút nhiều đồng thời gắng tăng lượng người truy cập tối đa cũng chấp nhận được thôi, song quan trọng trên hết thảy, bài viết đã phản ánh sai hoàn toàn sự thật so với nội dung nghiên cứu gốc.

Nhìn lướt qua câu chữ chạy bài ở hàng lọat trang báo nước ngoài (1, 2, 3, 4, 5, 6) đề cập sự vụ sẽ giật thột ngoái nhìn đầy lo lắng cho kiến thức và thái độ ứng xử của tác giả bài biên tập Việt ngữ.

Uyển chuyển trong văn phong trình bày phù hợp với đối tượng bình dân và nhắm hướng giáo dục và truyền thông cộng đồng, người ta vẫn nghiêm túc và thể hiện trách nhiệm rõ ràng khi đặt dấu hỏi, cẩn thận chọn lọc sử dụng từ, nhấn mạnh đến “yếu tố nguy cơ”,…

Không có phản ứng, dễ dàng chấp nhận, ngại tiến hành thẩm tra chéo thông tin; rốt ráo ra, cơ chừng mọi thứ khởi đi từ hiện trạng lạ lẫm với tinh thần, tư duy phê phán và đọc có phân tích. (Thư viện Y học Trung ương còn lưu nó trong mục Cúm gà và Bệnh cúm nữa chứ lị.)

Tiến sĩ Hjordis Osk Atladottir đứng đầu nhóm nghiên cứu nói rằng, phụ nữ mắc cúm hoặc bị cảm lạnh trong thời kỳ mang thai không nên hoảng hốt với các phát hiện này. Ước tính 98% phụ nữ mắc cúm hoặc bị cảm lạnh đã sinh nở mà con cái họ chẳng hề có biểu hiện của rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

Thậm chí, giới truyền thông đẳng cấp còn diễn giải chi tiết các triệu chứng nhiễm khuẩn hoặc điều kiện bệnh lý nào không liên quan tới nguy cơ mắc Tự kỷ, những loại nào dính dáng cao với nguy cơ mắc Tự kỷ ở trẻ sơ sinh.

Thiệt tình thì đúng là, chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ. Bởi chung cục, đâu phải độc giả nào cũng thường hay luyện tập hồ nghi ‘điều lạ lùng’.

Lời cuối. Lỗi học thuật ở đây thuộc vấn đề gọi là “sự quy về quan hệ nhân quả” (causal attribution) hoặc “suy diễn kết luận mang tính nhân quả” (casual inference) xuất hiện quá trời đất luôn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top