Thủy điện Sông Tranh 2: Trong nỗi hoang mang tính mạng…

@ Ngỏ: Bài này được viết từ sáng 25.10.2012, song giờ mới công bố nên số liệu, diễn biến tình hìnhphát biểu liên quan đã không được cập nhật kịp thời.

Sự kiện động đất ở khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 thuộc huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) đích thị gây rúng động nhân tâm; nó đang dần phát lộ thêm nhiều điểm yếu nền tảng khi lối làm chính sách phát triển thủy điện và trách nhiệm của chủ đầu tư lại tuyệt chẳng hề ưu tiên gắn sự an toàn đập với sự an toàn tính mạng và đời sống hàng ngàn dân tình.

Đây không chỉ là “câu chuyện lớn, câu chuyện của nhiều sinh mệnh và thậm chí cả cộng đồng” (lời đại biểu Quốc hội Lê Văn Lai); thực trạng nguy hiểm và diễn tiến khó lường của Thủy điện Sông Tranh 2 tiếp tục chứng thực sâu sắc rằng, các yếu tố tổ chức mang tầm quốc gia có tác động quyết định tới mức độ hiệu quả của kế hoạch lấy con người làm trọng tâm.

Hình ảnh ông Đặng Phong– chủ tịch huyện– chui xuống gầm bàn làm việc, gọi điện báo cáo tỉnh và nghe các xã cập nhật tình hình, đồng thời chi tiết người thân trong gia đình ông khẩn trương chuyển gỗ lên rừng dựng nhà mới trước cơn động đất 4,2 độ richter chưa từng xuất hiện tại địa phương miền Trung này hơn 50 năm nay cho thấy, bầu không khí hoảng sợ nhanh chóng lây lan, tâm thế mất niềm tin vào chính quyền và nhà khoa học Việt Nam, sách lược cũng như kỹ năng ứng phó bài bản với thiên tai chắc chắn sẽ còn lưu giữ lâu dài biết bao dư chấn tinh thần nặng nề, chứ đâu thuần túy thiệt hại to lớn tính đếm được về tiền của, vật chất.

Động đất ngày một dày lên, quá nhiều lời hứa chưa được thực hiện… Những gì xảy đến ở Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) lẫn dấu hiệu vỡ đập nhãn tiền tại Thủy điện Đak Rông 3 (Quảng Trị) minh họa sống động hết sức tệ hại cho thói dối trá, làm bậy bất chấp các tiêu chí nghiêm ngặt về kỹ thuật (lựa chọn địa điểm vắng vẻ và khô khan, địa chất bền vững, phương pháp xây dựng đảm bảo chất lượng công trình ổn định, v.v…); tính khả thi kinh tế không được nghiên cứu kỹ lưỡng; thiếu ý thức về việc bảo vệ môi trường tự nhiên; xử lý thông tin không minh bạch; chưa thực sự coi trọng vấn đề an toàn của dân ngay từ quy trình quản lý và khắc phục sự cố thiên tai, nhân nạn…

Một lần nữa, sự kiện động đất ở Thủy điện Sông Tranh 2 bộc lộ sự cần thiết– chứ không phải tầm mức đủ đầy tự thân– của câu chuyện đòi hỏi nhấn mạnh đến nhân phẩm, các chân giá trị, vai trò, trách nhiệm, thái độ và cách tiếp cận các dịch vụ nâng đỡ, an sinh của chính quyền và đội ngũ công chức các cấp; góp phần phản ánh lịch sử chính trị của những nỗ lực thiết lập, duy trì, mở rộng hay cắt bỏ các chương trình, dự án mà chính quyền tuyên bố đưa ra khi các cơ quan, ban ngành, công dân của mình có nhu cầu cần trợ giúp.

Sự kiện Sông Tranh 2 còn rõ ràng đặt ra việc nắn chỉnh dòng- chảy- văn- hóa đã đến lúc buộc phải thay đổi về sự điều hành, chăm sóc an dân trên cơ sở lập kế hoạch lấy con người làm trọng tâm (PCP: Person Centred Planning) của chính quyền Việt Nam đương đại, mà chúng ta như đối tác tích cực đang không ngừng tham gia giám sát, phản biện và lượng giá.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top