Mùa đông rồi, những cơn gió thổi và cái rét gai gai se thắt thật càng dễ làm cho màu sắc của nỗi sợ kẻ lạ trở nên thấm đẫm.
Vụ Trung Quốc cho in hình “lưỡi bò” lên hộ chiếu của công dân đang thúc đẩy thêm xu hướng ghét bỏ văn hóa Tàu, phát sợ với trò mèo man trá của nhà nước hàng xóm. Một xenophobia điển hình.
Cơn giận ngấm ngấm lan rộng dẫu thực tế lịch sử chứng nhận rằng, một nỗi ám sợ và ghét bỏ kẻ lạ mà quen như thế đã được làm thích ứng qua thời gian và nơi chốn khi nguy cơ rình rập là nhãn tiền, tình hình hết sức hiểm hóc và mối đe dọa sát sườn thường trực.
Việc ghét bỏ những nền văn hóa ngoại quốc có thể được đo lường bởi khả năng có thể xảy ra những chuyến du lịch xuất ngoại, hoặc bởi vô vàn lối biểu đạt cho các thái độ ám sợ, ghét bỏ ngoại nhân. [Bổ sung, 26.11.2012: người Trung Quốc, nhất là đối tượng trẻ tuổi, đi lại khá nhiều trên xe bus ở Hà Nội.]
Tin vui. Chủ nghĩa sắc tộc và bạo lực dường như đang giảm dần trong cuộc sống đương đại hôm nay. Đáng lo lắng, giới trẻ cơ chừng lại đang tăng lên cảm nhận khá lơ đễnh về dòng giống, tổ tiên, truyền thống.
Hiện tại, đời sống chẳng hề tinh tuyền, tuyệt vời; nó đích thị khó khăn, khổ sở. Quá nhiều những khốn nạn, phân biệt đối xử và bất công tiếp tục xảy đến hàng ngày qua nhiều chủ đề và lĩnh vực.
Ngoài kia, hoa cứ vô tư tung hương khoe sắc, còn em đang thì con gái… Vậy nên, trong tâm cảnh ám sợ và ghét bỏ, chí ít đừng biến việc ghét đàn bà và ngại kết hôn (misogyny) thành một cái gì quá mức hung bạo và không kiềm chế được.
Chỉ bởi cô ấy chưa tìm được kẻ chân tình.
Khi bình luận của bạn gửi đi, có thể “anh í chân tình” liên quan đang ngủ say với chăn ấm và giấc mộng tơ tưởng (theo múi giờ Việt Nam) hoặc tội nghiệp, chính chàng mải loay hoay mắc kẹt, trễ chuyến tại một bến xe nào đó– do vẫn chưa thỏa thuận được hành trình cần nhắm đến, tỷ dụ thế. Vậy, ai đi cứ đi, nhớ hẹn mà về; xin cầu chúc các bạn mọi điều may mắn.
(Hồi đáp của tôi cũng dựa trên giả định rằng, “cô ấy” ở đây có thể ám chỉ cho một quốc gia nữa. Tạm thời chưa bàn tới.)
Bình yên,
—