Mẹ ơi, chúng ta không yêu đất nước Việt Nam của mình à?

(Lá thư giả tưởng về những điều thực tế trong một ngày rất thật)

Yêu thương nào mà không đau đớn hả con trai.

Trước tin tức thời sự nóng bỏng mấy ngày gần đây, mẹ tự hào vì con mẹ biết quan sát phản ứng xung quanh, hay thích đặt câu hỏi hết sức nghiêm túc và dần dần hình thành cho mình thói quen tự kiểm soát bản thân (self-control)– thể hiện qua việc lặng lẽ suy ngẫm và khi cần thì không ngại trao đổi nghi ngờ, phân vân cùng với bố mẹ…

Con thương yêu, với mạng lưới điểm toàn cầu (internet), thế hệ trẻ bọn con bây giờ thừa công cụ để ít nhiều tìm kiếm và kiểm tra được tính xác thực của nguồn thông tin.

“Yêu nước” không phải là một khái niệm gì mới mẻ hoặc quá khó hiểu về mặt học thuật, con ạ. Lần nữa, như mọi bận, vì tin yêu ghê gớm nên mẹ sẽ dùng những hiểu biết nhờ trao đổi với bố con về động cơ (bố con chuyên sâu nghiên cứu tâm lý học mà) để hy vọng nhờ vậy, trợ giúp con phần nào trong việc nắm bắt sự thật.

Lòng yêu nước gắn bó với sự trung thành. Nhìn chung, mình có thể phân biệt ba kiểu dạng trung thành cơ bản: trung thành với phe phái/ gia đình mình, trung thành với cộng đồng/ dân tộc mình, và trung thành với giống loài/ nhân loại này.

@ Về mặt tâm lý học, động cơ trung thành với phe phái/ gia đình mình thuộc về lòng trung thành dành cho con cái và anh chị em trong nhà. Đời sống gia đình thúc đẩy mọi người nhưng theo những cách thức không giống nhau. Người có một sự hấp dẫn trên trung bình về cuộc sống gia đình thường đề cao, coi trọng con cái. Họ có thể thật thoải mái, vui vẻ hòa vào đời sống của con cái. (Ở nhà mình, ngày cuối tuần luôn là sự nhóm họp và gần gũi trên tinh thần ưu tiên lắng nghe ngõ hầu đáp ứng nhu cầu được yêu thương nhau, con nhỉ).

@ Trung thành với cộng đồng/ dân tộc. Về mặt tâm lý mà nói, động cơ thiết yếu này thuộc về lòng trung thành đối với các bậc làm cha làm mẹ. Mọi người quan tâm đến bố mẹ, song theo những cách rất khác biệt. Người trung thành trên mức trung bình đối với bố mẹ mình thường có xu hướng trung thành với quốc gia, cộng đồng sắc tộc của họ.

Thực tế, nhiều người trung thành với bố mẹ song với con cái thì không, và ngược lại con ạ. Ngài Mahatma Gandhi bên Ấn Độ là một ví dụ. (Khi con đọc cuốn sách tự thuật của ông ấy, mẹ nói trước, không phải mọi thứ thuộc về bậc vĩ nhân xiển dương giá trị bất bạo động thảy đều hay ho hết đâu.) Trường hợp ông Mahatma Gadhi là minh chứng rõ ràng cho việc một ai đó có thể tận tụy, chu đáo với biết bao sự thể hiện xúc động của lòng trung thành với bố mẹ/ di sản/ đất nước chứ chẳng phải với con cái/ gia đình.

@ Lòng trung thành với giống loài/ nhân loại. Động cơ trọng đại này thì biểu tỏ nỗi niềm từ bi (compassion) với những ai chúng ta không quen biết, bao gồm cả lòng vị tha (altruism) và chủ nghĩa nhân đạo (humanitarianism). Những người theo thuyết này ôm choàng vai trò lớn lao vượt lên trên bản thân mình, tỷ dụ như họ đấu tranh để tăng cường nền hòa bình thế giới, trừ tiệt bệnh tật, hoặc chống lại hiện trạng đói nghèo khắp toàn cầu. Họ không nhất thiết tỏ ra đạo đức theo nghĩa làm người công chính hay tuyệt đối tuân theo một bộ luật luân lý như thể Mười Lời Răn bên Công giáo đâu con ạ. Một số những người này tin rằng mục đích ngang bằng với phương tiện; nên nếu cân nhắc, tính toán thấy việc không chân thực (dishonesty) giúp họ đạt được mục đích xã hội thì họ có thể gian dối đấy con.

Và con biết không, nguồn gốc tâm lý của chủ nghĩa yêu nước (patriotism) là lòng trung thành đối với bộ lạc, thị tộc, cộng đồng, nhóm đông người (tribe) đấy. Về mặt tâm lý học, chủ nghĩa yêu nước là cách thức thông thường nhằm làm thỏa mãn nhu cầu vinh danh, tri ân và cống hiến cho bố mẹ chúng ta nhờ thể hiện lòng trung thành đối với nhóm, cộng đồng sắc tộc/ quốc gia của họ. (Giờ thì con hiểu tại sao bác dân phòng hàng xóm nhà mình rất xông xáo, nhiệt tình trong việc đứng canh gác, xua đuổi đoàn người biểu tình gần đại sứ quán Trung Quốc mà con tình cờ bắt gặp năm ngoái đấy).

Người yêu nước không cứ phải là kẻ nhân đạo chủ nghĩa, và họ có thể kiên quyết không động lòng từ bi đâu con. Đôi ba người yêu nước, ví dụ thế, có thể ủng hộ việc hành hình, tra tấn dã man các kẻ khủng bố nếu điều ấy tăng cường hơn hệ thống an ninh quốc gia. Những người yêu nước khác có thể chẳng thèm mảy may để ý tẹo nào đến những người nghèo hèn, bần cùng, bị chà đạp, đàn áp đâu con ạ. Ừ, mẹ biết chứ, dĩ nhiên rồi, một số người yêu nước thì thấm đẫm lòng từ bi hỉ xả.

Có một cách thức thú vị và dễ dàng để thử nghiệm những điều mẹ nói với con ở trên: con hãy hỏi han về lòng trung thành của người ta đối với gia đình họ, mức độ trung thành đối với đất nước họ, và đối với nhân loại nói chung. Nhờ thế, con sẽ nhanh chóng học hỏi được rằng một kiểu lòng trung thành này là chỉ báo kém cỏi về một kiểu lòng trung thành khác.

Hãy nghĩ về tất cả bạn bè, những ai con nghe nói tới với sự nổi tiếng về lòng yêu nước và con sẽ nhận thấy rằng một số người họ thì vị tha và một số thì không. Con hãy nghĩ về ai đó có lòng vị tha mà con biết và lưu ý rằng một số họ thì ngay thẳng, đàng hoàng, công chính và một số khác thì không. Khó chắc chắn hoàn toàn khi dám khái quát rằng, một ai đó được xem là “trung thành” hoặc có “lương tâm” nếu không xét thêm là quý vị í trung thành với phe phái/ gia đình, cộng đồng/ dân tộc, hoặc giống nòi/ nhân loại này. Con ạ, không có bất kỳ ai có thể hội đủ các lòng trung thành vừa nêu, cũng không có ai mà chẳng có chút kiểu dạng lòng trung thành chi, hoặc tí xíu kết nối nào với lòng trung thành cả.

Con yêu thương. Mẹ viết thư này gửi con khi đang đi công tác xa. Mẹ nghĩ, các ông bà, cô bác, anh chị trong đoàn biểu tình chống sự công kích, xâm lấn quá đáng của lãnh đạo Trung Quốc ở hai thành phố lớn là Sài Gòn và Hà Nội mình vừa mới bị bắt giam sáng nay cũng như các đối tượng thuộc lực lượng đồng bào này kia đang thực thi công vụ; tất tật, mọi người đều thể hiện lòng yêu nước– bất chấp kiểu dạng nhân cách của chính họ, con ạ.

Đó cũng là lý do, ngay từ đầu thư trả lời thắc mắc của con trai, mẹ tâm sự da diết rằng, yêu thương nào mà không đau đớn.

Thư đã dài, mẹ tạm dừng đây. Giữ ấm, chăm lo sức khỏe và yên vui trong tiết trời đông giá rét con nhé; nhân tiện, cho mẹ gửi lời mong nhớ vô vàn tới bố con.

T.B: Đây là nguyên văn bài viết bố con chỉ cho mà mẹ dựa sẵn vào đó chuyển dịch ngay đặng có cơ sở lý thuyết giải thích và hồi đáp thật kịp thời cho con.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top