Sống một đời vâng phục: sự bất lực chỉ là do thiếu hụt?

Giờ mới tranh thủ dùng dăm mười phút để bàn chút chút thôi về hai bộ phim Đức xem tuần rồi.

Nói chung, chẳng quá sai khi cho rằng cả hai tác phẩm điện ảnh dễ thương này quy về chủ đề trở ngại trong sức khỏe tâm trí ngăn cản người ta sống tràn đầy, khỏe mạnh.

Dù đó là cô bé Hayat gặp trục trặc trong mối quan hệ gắn bó thời thơ ấu, hay đấy là nỗi sợ phụ thuộc của cậu con trai lớn xác Vincent mắc chứng Tourette thì rốt ráo, sự bất lực không thuần túy tất yếu dẫn đến đớn đau, khốn khổ chỉ vì do thiếu hụt, khuyết tật.

Còn có một nguyên nhân cần bàn thêm, góp phần lý giải những khó khăn cảm xúc và ngay chính đời sống tình cảm mà các bậc làm cha, làm mẹ trong phim cũng buộc phải đương đầu hết sức căng thẳng: năng lực thích ứng với môi trường.

Cô bé Hayat thể hiện khía cạnh các quan hệ đối vật (object relations) khi giữ rịt tay nắm cửa hoặc lựa chọn chỗ ngủ ở góc phòng với chăn buông kín mít; chàng Vincent với hành động bỏ trốn khỏi trại điều trị cùng hai người bạn như muốn minh chứng cho các căn bệnh dính dáng hệ thống tự do ý chí.

Cố gắng kiểm soát (những) điều không kiểm soát nổi, rõ ràng, đẩy các nhân vật lớn bé, già trẻ, nam nữ trong hai bộ phim nêu trên vào vòng quay bất tận của các cảm xúc tiêu cực, âm tính và vừa gây hại ghê gớm cho chính bản thân mình lẫn trong tương tác liên nhân cách.

Không quá ngạc nhiên, lần nữa, xem phim để hiểu biết hơn về tầm quan trọng của sự lựa chọn, nhu cầu thân mật, hành động tử tế và thái độ cải thiện mối quan hệ tương thuộc lẫn nhau luôn là các điều kiện thiết yếu để kiến tạo trạng thái thân- tâm an lạc hết sức vững bền theo suốt dọc dài cuộc đời mỗi người.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top