Sự hiện diện của cái vắng mặt

Hôm kia, Đà Nẵng vừa khánh thành hai cây cầu với ước muốn xác lập kỷ lục “những cái nhất Việt Nam và thế giới”.

Ngay trong đêm đó, lại có tin để đưa thật xôm trò trước chuyện người dân chen chật chỗ, làm tắc đường khi ngóng trông “rồng phun lửa”. Những thị phi, ì xèo bàn qua nói lại về chiếc cầu Rồng xứ Đà thành này (tạm gọi là “Hàn Rồng”) đã xảy đến vô cùng rôm rả từ mấy hôm trước trên mạng lưới điểm toàn cầu khi bản phác thảo thiết kế được đặt so sánh với sản phẩm đích thực.

Một vị quan chức trọng yếu của địa phương cũng vừa có bài ký sự thể hiện tinh thần đồng thuận với đường lối phát triển, ý chí, tư duy và quyết tâm hành động của đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Như thế, chúng ta nói với nhau cùng một chủ đề: biểu tượng. Thiển nghĩ, nghĩa là mình cần ít nhiều thấu tỏ về quyền năng của thế giới biểu tượng; mối quan hệ giữa nghệ thuật và sự tiến bộ; về ngôn ngữ nội tại của tiềm thức; rằng thì là, dường như rốt ráo ra, chúng ta đều bị tổn thương; và rằng, việc tập trung kiếm tìm những ứng dụng giấu kín có thể đem lại một số kết quả bất ngờ.

Bất luận ủng hộ hay phản đối, chỉ trích hoặc giảm nhẹ, cố tình lờ đi hay gắng sức soi mói, tập trung vào công năng hay góp ý từ khía cạnh thẩm mỹ, v.v… tất thảy mọi ý kiến đều chứng tỏ giá trị căn bản của việc đặt bày câu hỏi: tại sao chúng ta quá sức bảo vệ (các) biểu tượng?

Là con người, chúng ta bộc lộ sự độc sáng bằng cách minh định bản thân là những tạo vật mang tính biểu tượng duy nhất. Tầm quan trọng của thế giới biểu tượng khởi đi từ sự thông minh đủ khiến chúng ta biết những sự hạn chế của trạng thái thể lý.

Với sự cấu trúc của thế giới biểu tượng, chúng ta có thể làm dịu bớt nỗi đau hiểu biết về những hạn chế thể lý của bản thân, rằng chúng ta chỉ là những đồ con sâu, cái kiến và làm thức ăn cho các đồ con sâu, cái kiến khác mà thôi. Do đó, chúng ta kiến tạo một thế giới văn hóa của ý nghĩa mà trong đó con người không chỉ là loài động vật mà còn là các căn tính mang tính biểu tượng nữa; chúng ta thuộc thành phần của một cái gì rộng lớn hơn và lâu bền hơn so với sự tồn tại thể lý.

Nói khác, trong thế giới biểu tượng, chúng ta có thể bất tử. Mỗi một chúng ta sẽ chết, thậm chí ngay ngày mai, song các tôn giáo của chúng ta sẽ sống mãi. Quốc gia, dân tộc chúng ta sẽ sống mãi. Thậm chí, các môn thể thao ưa thích, hay đội bóng chúng ta hâm mộ sẽ sống mãi. Nếu may mắn, tên tuổi chúng ta sẽ sống mãi với sự tôn vinh của xã hội. Ngắn gọn, chúng ta đầu tư hết sức mạnh mẽ vào các thiết chế và định dạng mang tính văn hóa biểu tượng bởi vì chúng giúp ta cách ly khỏi nỗi sợ nguyên thủy về cái chết đã được báo trước.

Vì thế nên, khi mọi người được nhắc nhở về sức khỏe suy sụp và các hữu hạn của thể lý, họ đeo bám vào thế giới biểu tượng (ví dụ, trở nên tôn giáo và yêu nước hơn, dấn thân vào các hoạt động đặng cảm thấy có ý nghĩa về mặt xã hội).

Các biểu tượng văn hóa cung cấp sự an toàn tâm lý. Và khi cảm thấy bất an, chúng ta trở nên nhạy cảm về những biểu tượng này. Do đó, không có gì quá ngạc nhiên khi một số người đe dọa những biểu tượng này thì ai coi chúng đáng giá sẽ buộc phải tấn công lại ngay.

Chúng ta, trong nhiều cách thức, đang tiếp tục chống kháng với chính chúng ta. Và tôi đồ rằng có một căn bệnh mãn tính quốc gia mang tính chủ đạo với danh sách của những nỗi đớn đau khôn nguôi: hiểu nhầm, ghét bỏ, sai sót trong chăm sóc sức khỏe tâm trí, sợ hãi, khinh miệt, các vụ tai tiếng chính trị nhơ bẩn, nói dối, ác cảm, phân biệt đối xử, ngu dốt, tham lam, định kiến, bất công, mê tín mang tính ý thức hệ, những bất đồng gây bạo động, không có khả năng lắng nghe phía đối lập– và đây chỉ là một sự phân tán nhanh chóng của những thứ khiến chúng ta phiền não– danh sách thì bất tận.

Cần biết rằng, tiềm thức được nhìn nhận như là nguồn của sức sáng tạo, trực giác, cảm hứng, hiểu biết nội tâm, các liên kết nối và tính bừng ngộ tâm linh. Bên trong lãnh địa này, thực tiễn chuyển đổi và mở rộng, tạo tác nên một ma trận có khả năng đàn hồi rất xa và đa chiều kích hơn là khi mình tri nhận bởi tâm trí ý thức.

Truy cập và dành thời gian cho tiềm thức sẽ giúp chúng ta phóng thích khỏi sự giam hãm, hạn chế của tâm trí logic, thực tế. Các thông điệp nhận được từ những giấc mơ và các biểu tượng nguyên thủy, hoặc các nguyên mẫu mà chúng ta được truyền thừa từ tổ tiên đủ nhắc nhở chúng ta về những gì là độc sáng, đích thực và thiêng liêng đối với mỗi một chúng ta. Khi chú tâm tới những thông điệp ấy, bản thân chúng ta hướng theo con đường tiến hóa của tâm hồn mình.

… Tôi nhận thấy mình như bị đánh đố khi thân chủ đề nghị cho họ biết điều gì đó có nghĩa lý gì.

Freud không phải là người đầu tiên giới thiệu ý tưởng về vô thức hoặc ý nghĩa của những biểu tượng không được nhận diện, song ông khiến khái niệm đó trở nên được chú ý phổ thông, và ông làm chúng ta nhận ra rằng nhiều khía cạnh khác biệt nhau của trải nghiệm có các ý nghĩa phức tạp, thường không được nhận diện.

Việc tìm kiếm ý nghĩa có thể đẩy đi xa mọi thứ. Đôi khi, vấn đề của ý nghĩa được nhìn nhận như cách thức phát hiện sang chấn trong quá khứ của người ta. Cơ chừng sẽ không hữu ích bao nhiêu khi giả định rằng có một trải nghiệm bị bỏ rơi hoặc lạm dụng từ thời thơ ấu nằm ẩn kín bên dưới những khó khăn hiện tại của một người trưởng thành. Những gì quan trọng hơn là hiểu biết một vấn đề trong bối cảnh hiện tại, và tuần tự đặt cạnh nhau các trải nghiệm, cả trong hiện tại lẫn dĩ vãng, rằng có thể được quy vào trong những mối quan tâm đương đại.

Chúng ta thực sự hay nghĩ về ý nghĩa, dù chúng ta không luôn nhận ra mình đang làm điều đấy. Đây là ví dụ đơn giản: khi đói khát một cái gì ngọt ngào, chúng ta hoặc khởi sự nỗ lực nhận ra những gì mình có thể ăn nhằm thỏa mãn nỗi khát khao, hoặc chúng ta làm việc chăm chỉ đặng lờ đi hoặc làm chệch hướng chú ý của bản thân sang chỗ khác (khi chúng ta đang ăn kiêng, chẳng hạn).

Cả hai đáp ứng này bao gồm sự diễn dịch hàm ẩn của ý nghĩa: hoặc chúng ta nghĩ cơ thể mình đang truyền thông điều gì đó thú vị, một nhu cầu muốn được thỏa mãn, hoặc chúng ta nghĩ nó đang đáp ứng với những vặt vãnh, không cơ bản không thực sự thuộc về nhu cầu thể lý.

Đó có thể là dấu hiệu cơ thể mình không xử lý thức ăn một cách đúng đắn hoặc nó đang tạo ra quá nhiều hoặc quá ít insulin. Nó cũng có thể là một phản ứng sinh lý hoặc tâm lý đối với một loạt yếu tố, bao gồm trạng thái mệt mỏi, thiếu ngủ, đói, trầm uất, cô đơn, buồn bã hoặc lo lắng. Thú vị thay, nỗi khát khao một thứ gì đó ngọt ngào cũng có thể là biểu hiện tâm trí mình đọc sai các triệu chứng thể lý của sự đói khát. Và trái ngược với các rối loạn ăn uống, thì người nghiện rượu đang trong giai đoạn hồi phục thường được dạy rằng một sự khao khát rượu bia có thể được làm dịu đi nhờ uống một thức ngọt.

Tất cả những trải nghiệm khác biệt này có thể được nhìn nhận như những “ý nghĩa” ẩn bên dưới hoặc những sự diễn dịch của một ham muốn thể lý hết sức thẳng thắn. Hiểu biết ý nghĩa sẽ ảnh hưởng tới hành động một cá nhân tiến hành nhằm giải quyết cơn đói khát của bản thân.

Rõ ràng, tìm kiếm ý nghĩa mà không cảm thấy buồn cười về điều đó có thể giúp đỡ chúng ta trong nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top