Albert Einstein từng có lời giải thích nổi tiếng về lý thuyết Tương đối của ông; đại khái, khi một người đàn ông ngồi bên cạnh một phụ nữ xinh đẹp thì một tiếng đồng hồ chỉ như tầm một phút thôi, còn nếu anh ta ngồi trên một lò sưởi nóng bỏng thì một phút hóa ra kéo dài hơn cả tiếng đồng hồ.
Đó cũng là cách thức bộ não làm việc “nói với ta về thời gian”.
Hai nhà sinh lý học thần kinh trong nghiên cứu này chỉ ra, dù chúng ta có năm giác quan dùng để đo lường vũ trụ xung quanh mình, bộ não chúng ta lại không hề có một thụ cảm thể (receptor) chuyên biệt nào nhắm tới việc đo thời gian.
Thông lệ, hầu hết chúng ta quản lý thời gian theo hướng mình luôn có ý tưởng khá tốt về những gì xảy đến “đúng giờ” hoặc “không đúng giờ”, và sau 6 tuổi, chúng ta có thể ước tính tương đối chính xác khoảng thời gian— dài bao lâu để các hành động bình thường xảy ra.
Qua tuổi lên 8, chúng ta cũng bắt đầu phát triển các năng lực hết sức đáng giá đặng “tính đếm thời gian”, mang nghĩa nói hết sức chính xác bao nhiêu giây hoặc phút đã trôi qua giữa một khởi sự kích thích “Bắt đầu bây giờ” và kích thích kết thúc “Dừng ở đây”.
Các nhà nghiên cứu não bộ vào đầu thập niên 60 của thế kỷ 20 lý thuyết hóa rằng, cảm quan “thời gian chủ quan” này là do một cơ chế trong não chúng ta tương tự như một cái đồng hồ bấm giờ, nó thao tác y hệt tiếng tích tắc của đồng hồ. Khi chúng ta chú ý đến nó, đồng hồ nội tại này cho phép chúng ta phát triển một cảm quan khá tốt về thời gian khách quan.
Song, “cái đồng hồ não bộ bấm giờ” này cũng luôn luôn tích tắc cùng một nhịp?
Tỷ dụ, bạn từng gặp một tình huống nguy hiểm như bị tai nạn xe máy và tri giác thời gian “chậm dần”, cứ như thể tự thân thời gian khách quan đang trôi qua rề rà hơn? Liệu bạn đã có cuộc trò chuyện với một người xinh đẹp nào, theo lời Einstein bên trên, đặng cảm thấy thời gian trôi qua hết sức chóng vánh? Làm thế nào việc đó xảy đến nếu chúng ta có được một cái đồng hồ bấm giờ nội tại trong bộ não cứ không ngừng tích tắc liên hồi thế chứ?
Nhằm kiểm tra, hai nhà nghiên cứu Droit-Volet và Gil tiến hành một loạt thực nghiệm trong đó các đối tượng được cho xem trích đoạn 3 kiểu phim dễ gợi hứng cảm xúc, sau đó họ được đề nghị ước tính cá nhân quãng thời gian của một kích thích thị giác. Một nhóm phim thiết kế đánh thức nỗi sợ hãi, nhóm phim khác đánh thức sự buồn bã, và nhóm phim thứ ba đánh thức các phản ứng trung tính.
Sau khi xem các phim đánh thức nỗi sợ hãi, đối tượng tham gia thực nghiệm luôn tri nhận kích thích kéo dài hơn so với thực tế nó diễn ra; cảm xúc sợ hãi có vẻ đào sâu một sự “chậm rãi” về mặt thời gian. Không có sự bóp méo thời gian như thế sau khi xem hai nhóm phim kia.
Suy đoán các nguyên nhân khả thể, hai nhà nghiên cứu cho rằng hiện tượng đa phần thuộc sinh lý– cảm xúc về nỗi sợ gây ra một trạng thái căng thẳng thể lý mà nó có thể làm tăng tốc “các đồng hồ nội tại”. Khi mình e sợ, nhịp tim mạnh lên, huyết áp vụt cao, đồng tử mở to, và cơ thể mình hết sức vô thức bước vào lối “chiến hay biến” sẵn sàng chuẩn bị phòng vệ lại hoặc bỏ chạy ngay. Các phim buồn bã hoặc trung tính không làm ảnh hưởng cảm nhận thời gian ở đối tượng thực nghiệm nhiều đến vậy, bởi vì không hề có thay đổi tương ứng trong các chức năng sinh lý.
Hai tác giả Gil và Droit-Volet cũng phát hiện thấy sự giãn nở thời gian này tác động khi đối tượng chỉ cần nhìn vào khuôn mặt ai đó sát gần đang biểu đạt một cảm xúc tủi hổ. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra, khi chúng ta nhìn thấy sự tủi hổ ở người khác, chúng ta cố gắng bắt chước, một cách bản năng, trạng thái cảm xúc của tha nhân.
Theo lời giải thích của tác giả Droit-Volet,
Hành động phản ánh này quấy nhiễu sự chú ý thoát khỏi việc xử lý thời gian, đủ để thời gian được ước tính dường như ngắn hơn so với thực tế diễn ra.
Nữ tác giả cũng tỏ lộ rằng, những sự thay đổi như vậy trong tri giác thời gian của chúng ta không phải là hậu quả lệch lạc chức năng các đồng hồ nội tại mà là một sự chuyển dịch sự chú ý nhằm đáp ứng với các sự kiện:
Không có thời gian duy nhất, định dạng sẵn mà chúng ta trải nghiệm các kiểu thời gian phức tạp hơn nhiều. Sự bóp méo thời gian là một sự phiên dịch trực tiếp của phương thức bộ não và cơ thể chúng ta thích nghi với những kiểu thời gian phức tạp này, những loại thời gian của đời sống.
Rõ ràng, cần nhiều nghiên cứu thực hiện nhằm hiểu biết thật chính xác cách thức thay đổi tri giác về thời gian, song có một điều chắc chắn là chúng thay đổi.
Đích thị, thời gian là tương đối mà thôi.