Chuyện đùa tếu hay nhất là thứ chuyện khiến chúng ta sẽ cười phá lên sau khi nó chọc thẳng vào chính mình đầy khó nhằn và hết sức gay gắt.
Bạn càng dễ dàng cảm nhận như thế khi xem xong bộ phim Hàn quốc A Muse/ Nàng Thơ (2012).
Hãy nghe nhân vật cậu học trò, văn sĩ trẻ mới nổi phát ngôn:
Quan hệ giữa một ông già 70 tuổi và một nữ sinh trung học không phải là quan hệ yêu đương. Không bao giờ! Đó là một vụ tai tiếng, thưa Thầy!… Một vụ tai tiếng bẩn thỉu! Một câu chuyện về một nhà thơ tầm cỡ quốc gia làm tình với một cái gương? Thưa Thầy, Thầy là một lão già bẩn thỉu!
Và như thế, câu chuyện quá chừng kỳ cục, hết sức bất bình thường trên nền nhạc hòa âm vô cùng dồn dập theo điệu mời gọi dục vọng và cố ý khơi gợi thân xác ấy cứ triền miên diễn tiến… Bất chấp tất cả những chối bỏ một phần hay toàn bộ cảm nhận hốt nhiên của khán giả về cái sự thật đích thực ở đời.
Dưới đây, sơ qua nội dung phim:
Lee Jeok-yo (Park Hae-il đóng), thi sĩ dạng “quốc gia chi bảo”, bước vào tuổi 70 khi ông chấp bút cho Seo Ji-woo (Kim Moo-yeol) cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Phát hiện thấy nữ sinh trung học Eun-gyo (Kim Go-eun) thiếp ngủ trên ghế dưới mái hiên nhà mình, ông ngay lập tức phải lòng, và thay vì trừng phạt tội đột nhập tư gia trái phép, vị thi sĩ (ngấm ngầm) đồng ý thuê cô bé làm công việc dọn dẹp…
Càng dành nhiều thời gian bên Eun-gyo, ông Jeok-yo càng nhanh chóng bị cô bé cuốn hút thôi rồi đến độ khởi sự viết liền một truyện ngắn về mối quan hệ tình dục huyễn tưởng với người đàn bà trẻ hừng hực.
Trong lúc hai người kia càng ngày càng tiến sát gần nhau hơn, chàng Ji-woo nhận ra mình không còn chiếm được vị trí đối với lão gia thi sĩ như trước nữa, đồng thời cũng phản cảm ghê gớm với mối quan hệ mà cậu ta cho là tởm lợm, tuyệt đối chẳng xứng hợp chút nào.
Phát hiện bản thảo của Jeok-yo, nỗi hậm hực bấy lâu trong lòng xen lẫn niềm ghen tuông với mối quan hệ của Jeok-yo và Eun-gyo (thêm cả vẻ đẹp rúng động trong tác phẩm của thầy mình) bùng lên mãnh liệt khiến Ji-woo đánh thó bản thảo và gửi đăng truyện ngắn bằng tên của mình…
Wow, thực tế, chúng ta tự vấn bao nhiêu lần trong đời đã bị chọc tức, chơi khăm ít nhiều hơi hướng như trên bởi những ai đó tình cờ đi ngang qua đời mình.
Sự thật là mình có thể không bao giờ dám thổ lộ chân tình rằng người xa lạ hoàn hảo mình bỗng dưng chạm mặt ấy, người quyến rũ mình vào bất kỳ trò chơi “dở hơi, điên khùng” hay thậm chí trong tình huống bình thường đấy lại không đúng là một kẻ khoác vai đùa cợt, chơi khăm ta.
Mình nên đáp ứng sao đây với người, chẳng hạn, cần trợ giúp vì một đặc ân, xin xỏ, muốn được biệt đãi? Liệu mình có đối xử với anh ta/ cô ta một cách nghiêm túc hay tránh né, xua đuổi họ đi tức thì?
Bất kể mình nhìn sự hiện diện của những kẻ trêu đùa, chọc tức này là một sự vụ phiền bực hoặc một hơi thở mát lành hiếm hoi thì rốt cục câu chuyện đều có thể chỉ kể về chính bản thân mình mà thôi.
Tương tự, bị chộp bắt không tỉnh thức trong một câu chuyện cười thiết thực có thể phơi bày nhiều khía cạnh về tính cách bản thân mà ta đã chẳng hề nhận ra bấy lâu ẩn nấp, tồn tại trong lòng.
Những đặc tính ẩn tàng này đích thực chỉ “chực chờ” cơ hội phù hợp để bật nảy, xổ tung, bung bét… Liệu mình sẽ bị ăn phải bả bởi lòng tham thông qua một vụ lừa đảo liên quan đến tiền bạc, đất cát chẳng hạn? Liệu mình có náo động và làm tanh bành hết lên vì bị xỏ gạt? Bằng cách nào mình có thể cười xòa liền với một cảm thức hài hước thường trực sau tất thảy các khả thể như vậy? Cách thức mình đáp ứng là thước đo phạm vi, mức độ tâm linh của bản thân.
Không giỡn đâu! Cứ thử ghi chép lại– bất kỳ suy tư, phát ngôn hay hành động dự tính nào khởi lên khi mình chơi trò lừa gạt hoặc đang bị gạt lường– theo trạng thái tâm trí mình xem, rồi khắc biết ngay!
Tỷ dụ, lừa ai đó với mục đích cợt nhả, cười nhạo có thể sẽ xấu lắm, mà sự phản ứng ăn miếng trả miếng khi biểu đạt giận dữ do bị lừa cũng tồi tệ không kém. Nghịch lý thay, trợ giúp chân thành một kẻ chọc ghẹo, gây tức giận trong một tình huống ‘giả tưởng’ lại tạo nên được một nghiệp lực tốt đẹp.
Giả định bạn rảnh rỗi và tò mò nên vừa xem trực tuyến xong bộ phim… Nào, giờ bạn sẵn sàng để ‘bị chơi’, ‘chấp nhận để thử nghiệm’ chưa? Cách duy nhất biết rõ mọi chuyện là làm một con mồi bị rơi vào một trò chơi khăm, trêu chọc.
[Bật mí tí xíu ngoài lề: Có thể ông Phật không chỉ cười xòa khi nhận ra tính phi ngã, đức ngài còn có thể cười thoải mái ngay cả vào chính cái ‘ngã’ của mình nữa.]