Nhân vụ “nude để thiền”, thử bàn ẩn dụ tinh tế về thân xác

Chết mất thôi, giờ Việt Nam cũng tòi ra cả vụ “nude để thiền“; cơ chừng, đấy như một chỉ dấu dở hơi trong nỗ lực đầy ám ảnh và gắng sức quá mức nhằm nối kéo mọi thứ vào với nhau, tựa biểu hiện vật vã cập nhật cho nỗi niềm ao ước chứng tỏ tinh thần bình đẳng, dân chủ, hậu hiện đại chăng.

Gì gì không rõ, khá dễ suy đoán rằng vụ việc giời ơi trên đã vượt thoát chiêu thức PR  của giới người mẫu, biểu diễn và những ai máu me tận dụng truyền thông đặng đánh bóng tên tuổi bản thân. Rồi sẽ có không ít đấng mày râu tơ tưởng mà lục tìm sốt sắng thêm một dáng hình khỏa thân, cánh chị em thì được dịp buôn dưa miên man về một cơ thể gợi dục khiến họ nảy sinh phức cảm yêu ghét khó diễn tả rạch ròi.

Ở đây, chỉ muốn nhìn nhận lần nữa điều vốn cũ rích và đích thực đáng cười giễu cợt: thân xác; xa gần dính dáng tới sự trầm tư mặc tưởng khi ngồi thiền mà người ta “trải nghiệm vui sướng, hân hoan với thân xác”.

Hầu hết mọi diễn dịch trạng thái buông xả, định sâu (jhanas) thế là các trải nghiệm thuần túy tinh thần, dựa trên sự hợp nhất giữa tâm trí (mind) – ý thức (consciouness), và nó bất khả trải nghiệm bất kỳ thứ gì thông qua năm giác quan trong trạng thái như vậy.

Song, chúng ta không thể buộc mọi người đồng ý ngay tắp lự mọi chuyện, bởi vì điều đó đúng là mờ tỏ. Cho nên, một số người hiểu từ ‘thân xác’ (body) hoàn toàn theo nghĩa đen, và rằng điều ấy cho thấy chúng ta có thể trải nghiệm thân xác (và các cảm quan thể lý khác) trong trạng thái jhana.

Bạn chắc đang đoán tôi sắp băng ngang qua kiểu giải thích không nệ vào nghĩa đen, và bạn hoàn toàn đúng. Ở đây, tôi chỉ lưu ý chút dòng kinh nhỏ mang lại bản chất đầy ẩn dụ của ngôn ngữ được dùng thật dễ thương. (Kinh tạng Nikàya; Tăng Chi Bộ, chương IV. 189, phẩm Chiến Sĩ, Chứng Ngộ)

1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp này cần phải chứng ngộ (realized). Thế nào là bốn?

Này các Tỷ-kheo, có pháp cần phải chứng ngộ bằng thân (body); có pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải chứng ngộ bằng niệm (mindfulness); có pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải chứng ngộ bằng mắt (eye); có pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải chứng ngộ bằng trí tuệ (wisdom).

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải chứng ngộ bằng thân? Tám giải thoát (eight releases), này các Tỷ-kheo, cần phải chứng ngộ bằng thân.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải chứng ngộ bằng niệm? Ðời sống trước (previous births), này các Tỷ-kheo, cần phải chứng ngộ bằng niệm.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải chứng ngộ bằng con mắt? Sanh tử của chúng sanh (the disappearing and appearing of beings), này các Tỷ-kheo, cần phải chứng ngộ bằng con mắt.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải chứng ngộ bằng trí tuệ? Sự đoạn diệt các lậu hoặc (the destruction of desires), này các Tỷ-kheo, cần phải chứng ngộ bằng trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp này cần phải chứng ngộ.

[Dòng chua tiếng Anh trong ngoặc đơn là của người viết bài này, N.T]

Đặc biệt, mong độc giả lưu tâm tới việc sử dụng ‘thân’ (body) và ‘con mắt’ (eye) trong bản văn. Rõ ràng, hoàn hoàn không thể nghĩ rằng ‘con mắt’ mang nghĩa một con mắt thể lý; sẽ không ai tán đồng rằng người ta có thể nhìn thấy theo cách thể lý các chúng sinh được tái sinh. Trong bản văn thâm thúy và tinh tế thượng dẫn, con mắt không phải là con mắt thể lý mà là một ẩn dụ cho một cái nhìn hiển thị nội tại tinh tuyền.

Và cùng cách thức tương tự, thân xác không phải là cơ thể vật lý mà là một ẩn dụ cho tính toàn thể và trực tiếp của kinh nghiệm. Ngay cả khi điều này chưa thật đủ sáng tỏ trong bản văn, cần lưu ý mọi điều (các pháp) được nhận ra (chứng ngộ) là tám sự tự do (giải thoát), bao gồm cả tứ vô sắc định. Những điều này được định nghĩa, xác nhận vượt trên bất kỳ thực tế thể lý nào…

Thân xác như thế, không còn là thân xác, đôi mắt không là đôi mắt, và suy tư không là suy tư. Đấy chỉ là các từ; các từ không tương xứng, đấu đá, lộn xộn đang dần bò trườn ra khỏi bùn nhờn tiến hóa, dò dẫm và vươn nắm bắt lấy về phía ánh sáng.

Lâu dài, dây dưa chừng nào chúng ta còn bị giữ rịt bởi sức nặng của những thứ trần tục, chúng ta có thể không bao giờ nói đến những điều cao cả hơn. Và khi những điều cao cả ấy là những điều thuộc tâm trí, nếu chúng ta không thể nói về chúng, chúng ta không thể tưởng tượng ra chúng được. Và điều ấy thì quả là một trạng thái sự vụ quá chừng buồn bã…

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top