Quản lý và lãnh đạo: đích thị giống, khác như thế nào?

Mê nỗi bình thường nên đinh ninh hường hường thế thôi
Mê nỗi bình thường nên đinh ninh hường hường thế thôi

Vẫn biết, chuyện nào có gì mới mẻ lắm đâu; cuối tuần, trời trong mây trắng xanh êm ả, lại nghe tiếng chim khoan nhặt vô lo nên thử quay lại xem xét giữa quản lý và lãnh đạo có những điểm giống, khác nhau ra sao.

Trong cuốn Lãnh đạo: Lý thuyết và Thực hành của Northouse (bản in 2012) có đoạn viết rằng lãnh đạo (leadership) và quản lý (management) tương tự nhau ở nhiều cách thức; rằng cả hai đều bao gồm ảnh hưởng, hướng đến các mục tiêu, và làm việc với con người. Tuy thế, trong khi họ chia sẻ một số điểm tương đồng, có những điều khác biệt căn bản và quan trọng. Tác giả cho biết, nghiên cứu về lãnh đạo đã từng tồn tại từ thời Aristotle, trong khi khái niệm quản lý xuất hiện mới tầm thế kỷ 20 cùng sự ra đời của xã hội công nghiệp hóa (trang 12).

Vậy mình thử trình bày trước hết hỗ trợ cho các điểm giống nhau, rồi tiếp tục thể hiện các điểm khác nhau thế nào giữa lãnh đạo và quản lý.

Nhà quản lý và lãnh đạo là một và giống nhau

Theo Mintzberg (1990), quản lý và lãnh đạo được định nghĩa là một và giống nhau. Tác giả này xem một nhà quản lý “người trông nom tổ chức hoặc một trong những khối con của nó”; các CEOs là nhà quản lý; bao gồm các “quản đốc, quản trị bệnh viện, chủ tịch các công ty và quốc gia…”. Mintzberg duy trì ý tưởng các nhà quản lý là người được trao quyền lực bởi địa vị mà đến lượt nó có ảnh hưởng trong các quan hệ liên nhân cách và truy cập thông tin, và cho phép nhà quản lý đưa ra các quyết định cũng như phát triển các chiến lược.

Nhà quản lý và lãnh đạo không đồng nhất với nhau

“Lãnh đạo quản lý và quản lý lãnh đạo, song hoạt động của cả hai không đồng nhất… Các chức năng quản lý có thể cung cấp tiềm năng lãnh đạo; các hoạt động lãnh đạo có thể quy về việc quản lý. Tuy nhiên, một số nhà quản lý không lãnh đạo, và một số nhà lãnh đạo không quản lý” (Bass, 1990).

Theo Bass, 2008 thì “Lãnh đạo là tìm đường; quản lý là đi theo con đường. Lãnh đạo làm các việc đúng; quản lý làm đúng các việc. Lãnh đạo phát triển; quản lý duy trì. Lãnh đạo hỏi những gì và tại sao; quản lý hỏi làm sao và khi nào. Lãnh đạo khởi sự; quản lý noi theo. Lãnh đạo thách thức nguyên trạng; quản lý chấp nhận nó… Lãnh đạo quan tâm những sự thay đổi và thích nghi mang tính cấu trúc, thiết lập và định hướng kích thay đổi, định vị con người, và gây cảm hứng lẫn thôi thúc con người… Họ đặt để chiều kích cho các tổ chức. Họ ráp khớp một tầm nhìn tập thể… Họ dám hy sinh và đón nhận nguy cơ đặng xúc tiến tầm nhìn.”

Tác giả vừa nêu cũng khẳng định: “Nhà quản lý lập kế hoạch, tổ chức, và dàn xếp các hệ thống quản trị và kiểm soát. Họ nắm giữ các vị trí quyền lực chính thống. Vị trí cung cấp cho họ sự tưởng thưởng, kỷ luật, hoặc quyền lực thúc ép để gây tác động và đạt được trạng thái bằng lòng từ nhân viên, bộ phận dưới quyền; các bộ phận, nhân viên này tuân thủ các chỉ đạo của nhà quản lý và chấp nhận quyền uy chừng nào mà nhà quản lý còn uy lực hợp pháp đặng lưu giữ sự thuận theo– hoặc các cấp thuộc hạ tuân thủ nghiêm ngặt thói quen hoặc tôn trọng các thứ quyền khác của nhà lãnh đạo. Người quản lý quan tâm đến sự nhất quán và trật tự, các chi tiết, bảng biểu thời gian, và thống soái các nguồn lực để đạt được các kết quả. Công việc quản lý là lập kế hoạch, lên ngân sách, và cấp phát, chỉ định cán bộ hoàn thành các kế hoạch.”

Nhà lãnh đạo giỏi khác nhà quản lý tốt, nhà quản lý tốt khác nhà lãnh đạo giỏi

Đây là ví dụ minh họa sự khác biệt:

Một nhà lãnh đạo giỏi (chẳng hạn, CEO của một côn ty phần mềm máy tính) có thể không phải là người thành thạo về mặt kỹ thuật việc hướng dẫn cho nhân viên phát triển phần mềm qua một công việc khá phức tạp. Công việc đó dành riêng cho một nhà quản lý đủ năng lực. Và, một nhà quản lý giỏi có thể thuần thục việc quản lý các nhiệm vụ ngày này qua ngày khác ở công ty hoặc văn phòng, song thiếu vắng tầm nhìn đòi hỏi ở một nhà lãnh đạo để dẫn dắt hết sức chiến lược một tổ chức.

Các khái niệm khác biệt chồng lấp lên nhau

Để kết thúc, xin dẫn lời của tác giả Northouse rằng “Dù có những sự khác biệt rõ ràng giữa nhà quản lý và lãnh đạo thì cả hai có cấu trúc trùng lắp nhau. Khi nhà quản lý dấn thân gây tác động đến một nhóm để đạt được mục tiêu đề ra, họ đang làm nhiệm vụ của lãnh đạo. Khi nhà lãnh đạo dấn thân vào việc lập kế hoạch, hoặc định đội ngũ cán bộ, và kiểm soát thì họ đang làm công việc quản lý. Cả hai đều gắng xử lý việc gây tác động đến một nhóm các cá nhân nhằm hướng tới đạt được mục tiêu đã xác định”.

0 thoughts on “Quản lý và lãnh đạo: đích thị giống, khác như thế nào?”

  1. Em chào thầy,
    Thầy cho em hỏi, cuốn sách “Lãnh đạo: Lý thuyết và Thực hành” của Northouse (bản in 2012) là sách tiếng Anh hay tiếng Việt? Thầy có link tải cuốn sách đó không? Em làm partime cho công ty phần mềm Nhất Việt, bạn CEO của công ty đó muốn em xác minh thông tin từ bài viết của thầy “Quản lý và lãnh đạo: đích thị giống, khác như thế nào?”

    Chúc thầy sức khỏe.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top