Nhân tiện có cái hẹn ở quán café tối nay, tôi đã cố ý đến sớm để xem trên máy tính bộ phim ồn ào bàn cãi “Bụi Đời Chợ Lớn” (vừa được đẩy lên Youtube không chính thức).
Lâu lắm không theo dõi tin tức thời sự hàng ngày, năm thì mười họa ai đó yêu cầu mới để mắt xem phim trực tuyến nói chung thôi, lại chẳng hề hâm mộ hoặc mê thích chi lắm thể loại bạo lực nên tôi thấy BĐCL chẳng mấy hấp dẫn hay gây phấn khích gì với bản thân mình cả.
Song bộ phim đó không thường. Dựng cảnh là điểm tốt nhất (biết thu vén tất tật trong một tòa nhà bỏ hoang nơi đô thị với ý đồ nhòe mờ địa danh), tài nghệ võ thuật của diễn viên cũng khá, sạch nước cản cả khâu kịch bản lẫn triển khai tình tiết xung đột, kể chuyện theo lối an toàn quen thuộc.
Rứa thôi, mọi thứ được chêm nêm vào mỗi vị mỗi tí (tí yêu đương, tí tình nghĩa băng đảng, luật lệ giang hồ, quan hệ vợ chồng, anh em, lãng mạn và hiện thực…) để tạo nên sản phẩm giải trí không quá tệ, thậm chí, trội hẳn trên mặt bằng sản xuất phim dạng bạo lực rất hiếm hoi do người Việt làm. Do đó, nếu nhìn từ góc độ ủng hộ nền công nghiệp điện ảnh quốc nội thì đây là tiến bộ khó phủ nhận và vô cùng đáng khích lệ. Và hết.
Điều tôi ngạc nhiên duy nhất sau khi thoải mái ngồi xem hết bộ phim là nguồn cơn phản ứng thái quá của truyền thông cùng với quyết định cấm chiếu của cơ quan hữu trách hồi tầm gần tháng trước.
Hàng triệu người vẫn thấy cảnh bạo lực hàng ngày trên chương trình truyền hình hoặc phim ảnh. Đấy là chuyện giải trí hoặc tin tức. Người xem đâu có suy xét ghê gớm với những gì họ thấy qua màn hình; chúng thuần túy là trò tiêu khiển.
Thực tế, người bị lôi cuốn bởi bạo lực và các tội ác khác thường hay bị hút theo một số chương trình, kiểu dạng phim ảnh đặc thù và thích đằm mình trong đó vài tiếng đồng hồ mỗi ngày. Sự thấm nhập với bạo lực ấy phản ánh nhân cách của họ.
Dĩ nhiên, có một điều gọi là “mô phỏng, bắt chước” lại tội ác. Một người xem một sự mô tả chi tiết trên TV, phim ảnh rồi làm điều tương tự. Quyết định của anh ta chắc chắn phản ánh tâm trí đã bị quyến rũ và kích thích bởi bạo lực bấy lâu. Với người dễ huyễn tưởng về nó thì rồi tái tạo tội ác, trong khi hàng triệu người cũng xem cùng điều tượng tự lại cự tuyệt nó, phản đối nó, và không bao giờ nỗ lực để đóng, diễn những gì đã xem.
Yếu tính căn cốt ở đây, do vậy, không phải những gì xuất hiện trên màn hình mà phải trú ngụ sẵn trong tâm trí của người xem rồi. Khuynh hướng bạo lực thuộc về nhân cách, bất kể người ta xem hay không chương trình mô tả bạo lực. Phim ảnh, truyền hình không dễ chuyển anh ta tới điều gì xa lạ với nhân cách cơ bản của anh ta được.