“Bà Tưng”, nữ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và cô Nhã Thuyên: khi nhà quản lý chưa khởi sự chịu trách nhiệm…

Tội nợ là chợ đời thôi, mai này xóa trắng cuối trời mây bay...
Tội nợ là thị phi đời, mai này xóa trắng cuối trời mây bay…

‘Sự sinh, sinh sự’ nên chi chuyện nọ xọ chuyện kia và những cái gì vốn nóng bỏng rất hay được sử dụng làm đồ ăn nhanh, tạo nên chủ đề đàm tiếu và/ hoặc khiến thiên hạ cảm giác như thể mọi thứ cứ quẩn quanh mỗi chừng đó, hàm ý thôi thúc người ta có mới nới cũ, lần lượt thay thế khẩu vị chú mục và chẳng thèm nghĩ mình vô can luôn– cả khi bình phẩm trên mặt báo lẫn trong đời thường.

Lần nữa, “bà Tưng” trở thành tâm điểm, song đợt này lọt vào tầm ngắm giám sát tận Hà Nội; hành vi công vụ ấy sao quá sốt sắng, và phải, khá lạ lùng.

Ở địa hạt sách vở, trạng thái thuần túy cũng khó bảo vệ vẹn toàn. “Luận văn Nhã Thuyên” do một cô giáo trẻ thế hệ Y chấp bút rồi được thông qua ba năm trước với điểm số tuyệt đối tại Hội đồng bảo vệ Cao học Ngữ văn ở trường Sư phạm Hà Nội giờ đây đang phải đối mặt với một Hội đồng đầy tên tuổi tót vời khác nhằm riết róng thẩm định lại giá trị.

Và trong so sánh chưa đến nỗi khập khiễng lắm, bản thân ứng xử của chính nhà quản lý hiện còn tiếp tục thu hút công luận dè bỉu ghê gớm, thậm chí, bức xúc đến độ đòi buộc đối tượng từ chức vào lúc đời sống dân chúng đầy rẫy tệ nạn, nguy cơ nhãn tiền chết dần chết mòn.

… Dù khác biệt trong biểu hiện song những hành vi trợ giúp cuộc đấu tranh khốn khó để người gặp nạn giành lấy quyền sống cuộc đời mình luôn sở hữu ý tưởng tương tự và rất căn bản: chỉ bày cho họ từ việc nhìn nhận bản thân như nạn nhân của các hoàn cảnh sống chuyển sang làm kẻ khởi sự, đề xuất các diễn biến xảy đến ở đời.  Nói khác, trợ giúp thân chủ phát hiện năng lực, chạm sâu thẳm sức mạnh nội tâm riêng có đặng chuyển biến thân phận.

Như đã trình bày, có hai kiểu tâm điểm kiểm soát: bên trong và bên ngoài. Tâm điểm kiểm soát nội tại là niềm tin “mình đang nắm lấy, đảm trách các sự kiện xảy đến trong đời”, trong khi niềm tin của tâm điểm kiểm soát ngoại giới thì “cơ hội, định mệnh, hoặc các lực lượng ngoài kia quyết định các sự kiện cuộc đời”.

Các cá nhân dùng tâm điểm kiểm soát nội tại tin rằng các hành vi, ứng xử của họ được dẫn dắt bởi các nỗ lực và quyết định cá nhân mình đưa ra cũng như họ quản lý những gì họ có thể thay đổi. Kiểu tâm điểm kiểm soát nội tại gắn với lòng tự tôn (self-esteem) là niềm tin mình có khả năng làm điều gì đó hết sức thành công.

Người có tâm điểm kiểm soát ngoại giới nhìn nhận cuộc đời và các ứng xử của họ như đang bị điều khiển bởi vận mệnh, may rủi. Các cá nhân này xem chính bản thân mình (đời sống, hoàn cảnh bản thân) như nạn nhân của cuộc đời và sự tai bay vạ gió, do số đen đủi.

Dưới góc độ lãnh đạo và quản lý, khái niệm tâm điểm kiểm soát cũng được áp dụng không khác bao nhiêu.

Bất luận chức vụ đỉnh cao đến đâu hay thuộc bộ phận cấp thấp thế nào thì ý tưởng chính yếu vẫn là: dừng ngay việc đổ lỗi, buộc tội con người, sự kiện hay điều việc khác (ví dụ, tâm điểm kiểm soát ngoại giới) và thay vào đó khởi sự nắm lấy trách nhiệm (tỷ như, tâm điểm kiểm soát nội tại) vì chính vai vế, bản thân họ.

Nếu đích thực lắng nghe, mình sẽ hay nghe thấy mọi người mô tả cuộc đời hoặc công việc của họ như guồng xe nằm ngoài người điều khiển mà họ cảm thấy bản thân rất ít khả năng hoặc thậm chí, không kiểm soát được đời mình nữa. Tuy thế, khi mọi chuyện được cải thiện, mình sẽ nghe thấy họ nói rằng họ bắt đầu cảm thấy nhiều kiểm soát hơn hoặc giành lại quyền kiểm soát đời mình. “Khi tâm điểm kiểm soát chuyển dịch khung từ ngoại giới sang nội tại, các thân chủ phát hiện thấy mình nhiều năng lượng, động lực, và tự tin hơn để thay đổi rất nhiều”.

Nghiên cứu chỉ ra, trong kinh doanh và lãnh đạo, lợi lạc của việc sở hữu tâm điểm kiểm soát nội tại tỏ ra thích hợp với mọi cá nhân thuộc mọi cấp độ tổ chức:

  1. Tâm điểm kiểm soát nội tâm là một trong các nét tính cách căn bản của người lãnh đạo hiệu quả.
  2. Tâm điểm kiểm soát nội tâm là tiêu chí tách biệt những nhà quản lý tốt với người quản lý tồi.
  3. Kiểu tâm điểm kiểm soát của nhân viên ảnh hưởng tới hành vi ra quyết định của lãnh đạo.

Giờ quay lại trường hợp đang bàn mà ai cũng biết là ý nói tới ai đấy. Có ý kiến phân tích chi tiết, đặt vấn đề là nữ bộ trưởng bộ Y tế bỏ lỡ cơ hội trở thành chính khách.

Quan điểm chính trị là nghề nghiệp vốn được nhà xã hội học Đức lừng danh Max Weber nêu lên từ hồi 1919.  Đại ý ông Weber cho rằng làm chính trị không phải là chỗ dành cho những ai trong trắng, thanh cảnh; một chính khách nên biết khéo gắn kết giữa cứu cánh đạo đức tuyệt đối với tinh thần trách nhiệm công vụ.

Nhìn nhận thế, bỗng dưng cảm thấy con đường học hỏi để tự quản lý đời mình của người dân nước Việt chắc chắn sẽ phải lãnh ấn tiên phong ngõ hầu tạo điều kiện cho ứng xử của giới lãnh đạo, chính khách nước nhà theo đó trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, góp phần đắc lực cho sự nghiệp chấn hưng dân tộc.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top