Nói lời đúng, sử dụng chữ hay để quan hệ càng đẹp và cuộc đời thêm phần đáng sống

Mimosa đã lạ hóa những mi môi xa từng đóa...
Mimosa đã lạ hóa những mi môi xa từng thề nguyền nguyên đóa…

Khi nghe một cô gái trẻ nhắn tin riêng chia sẻ tâm tình trên mạng facebook rằng cô ấy cảm thấy “sợ hãi và bất an” khi đọc ngôn từ một blog dùng (“đáng gây chú ý”, tác giả “đứng đầu nhóm nghiên cứu tôn giáo”), thậm chí còn bị một người liên quan tới tác giả đó “gây rắc rối và nguy hiểm” khiến cô “suy sụp một thời gian” thì tôi càng thêm thấm thía cái thiết yếu, tối cần của việc chánh ngữ.

Để xã hội phát triển phù hợp, rất cần nói năng thật đúng đắn. Đáng tiếc là điều ấy quá dễ bị lãng quên trong môi trường internet. Song sự vun bồi các mối quan hệ đòi hỏi chúng ta phát ngôn hết sức trung thực, chân thành và công chính cả lúc gặp gỡ tình cờ mặt đối mặt hay khi dấn thân ở môi trường mạng điện tử.

Chẳng vì ai khác cả, trước tiên chúng ta chánh ngữ vì sự tốt lành của bản thân mình. Tính liêm chính của ta phụ thuộc vào hiện thể đích thực đối với con người đang là; dĩ nhiên, chúng ta cũng nói hết sức đúng đắn vì đối tượng phụ thuộc ta nữa. Các mối quan hệ sở hữu chắc sẽ thêm phần khó khăn– và càng không thể biện minh rõ ràng về mặt xã hội– nếu lời nói, phát ngôn chẳng đáng tin cậy.

Nói lời chân chính thể hiện trên rất nhiều bình diện. Chẳng hạn, người ta cho rằng tiến trình chính trị sơ khởi là hành động của tâm trí đến với tâm trí thông qua phát ngôn.

Phát ngôn chính trị– phát ngôn công cộng– là cách thức chúng ta điều chỉnh các mối quan hệ với ai đó khác như những công dân tuân thủ pháp luật. Thông qua phát ngôn, chúng ta gây ảnh hưởng tới tha nhân. Dối trá lừa bịp, trình bày lươn lẹo, diễn đạt xiên xẹo, hiềm khích chia rẽ, v.v… trong nói năng là phương tiện tạo tác điều tệ hại, ác độc.

Chánh ngữ, dưới quan điểm Phật giáo, là nói lời ngay thật, nói nhằm đem lại lợi lạc cho những người khác, và nói với ý định thiện lành.

Khi nói năng chân chính và đúng đắn, chúng ta mang lại cho những người khác điều tốt đẹp nhất.

Tôn trọng phẩm giá của mỗi một cá nhân và phần tinh túy, tao nhã của quan hệ riêng tư lẫn hệ thống chính trị đòi hỏi nói năng chân chính không những phải được thực hành ở chốn gặp gỡ thân mật mà cả tại các địa điểm, không gian công cộng nữa.

Nói năng không chánh ngữ, con người thiếu tự do và khó thoải mái được. Nhân loại triển nở, thịnh vượng thêm lên trong phát ngôn chân chính. Nói năng bằng những lời bất lương và thấm đầy thù hận sẽ làm trí lực cùng tâm hồn chúng ta kém cỏi hẳn đi; xã hội điêu đứng khi phát ngôn đồi bại.

Nói đúng lúc không? Dựa trên sự kiện? Lời dịu dàng hay gắt gỏng? Những từ mình dùng liệu có đem lại lợi lạc, hữu ích? Phát ngôn khởi từ một tâm hồn tử tế hoặc hiểm độc thầm kín?

… Hiện tại, môi trường truyền thông nước nhà chưa thực sự chuyên nghiệp và tinh tuyền (ví dụ tình cờ nhãn tiền gần đây nhất là cách báo chí chính thống đưa tin vụ ném con mới đẻ xuống ao, vừa phản ánh xu hướng khai thác giật gân câu khách, vừa góp phần tỏ lộ tay nghề viết kém lẫn động cơ kích động bạo lực ở người hồi đáp) càng kiến tạo cơ hội luyện tập tỉnh thức từ phía người thường xuyên lướt mạng.

Chẳng hạn, chúng ta quen thói quá dễ phóng tâm lên án ngay lập tức và tức giận rủa xả kèm vô vàn nhận xét cực kỳ cay nghiệt với kiểu hành vi như nữ sinh viên nêu trên.  Cho rằng mọi thứ đều thái quá; nếu có tốt tất có xấu nên nếu có thực sự tốt thì phải tồn tại điều thực sự xấu.

Kỳ cùng thì đấy không phải là sự thật. Con người chúng ta có thể dần trở nên tốt đẹp hơn, cho tới lúc đích thực tốt đẹp. Trong khi bất khả để trở nên tồi tệ và tồi tệ mãi cho đến lúc tất thảy không còn hối lỗi, ân hận nữa; cho tới lúc người ta dần tinh tuyền bởi vì nghiệp lực, nên thậm chí ngay điều xấu ác nhất sẽ nhận ra điều không tốt là điều không tốt để thay đổi và biến cải khác trước.

Dựa vào bằng chứng nào ư?

Vâng, nghiên cứu cho thấy, các thành viên băng đảng khi thảo luận, trao đổi về các hành động bạo lực sẽ càng làm tăng thêm mối dây gắn bó giữa đồng bọn với nhau còn hơn cả anh em ruột thịt. (Nếu quan tâm, mời đọc cập nhật vài ba kết quả phát hiện liên quan hành vi xung hấn và bạo lực trong môi trường thực hành lâm sàng y khoa, quan hệ thân mật, lý giải cơ chế diễn tiến cách hành xử hết sức tồi tệ, v.v…).

Song giới khoa học gia cũng phát hiện ra rằng các đối tượng mắc bệnh thái nhân cách (psychopaths) thực sự có năng lực thấu cảm song họ cần dự tính cảm nhận nó thì mới khởi sinh điều ấy được, rằng các tội phạm dạng này không hề thiếu hụt năng lực thấu cảm như thiên hạ tưởng nghĩ lâu nay.

Như thế, ai là kẻ “ác độc đích thực” vượt trên mọi sự cứu chuộc dù dĩ nhiên có tốt, xấu như những mặt đối lập? Người có thể trở thành tốt thì không thực sự xấu xa, kẻ có thể trở thành ác độc thì không đích thị tốt; song cơ chừng chẳng hề có một bản chất xấu ác thường hằng mà chỉ bản chất tốt lành mới đích thực tồn còn mãi mãi.

Và khi truyền thông, làm ơn nhớ nguyên tắc đơn giản: Bất Hại.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top