“Bao giờ cho đến tháng Ba”…

Tím thẫm không âm thầm chết lịm
Tím thẫm không âm thầm chết lịm

“Bao giờ cho đến tháng Ba

Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng

Hùm nằm cho lợn liếm lông

Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi

Nắm xôi nuốt kẻ lên mười

Con gà, be rượu nuốt người lao đao…”

Bạn chắc từng một lần nghe, thậm chí thuộc lòng bài đồng dao quá ngược đời và nhố nhăng như vậy rồi đó mà.

Đó là ví von vần vè khá xưa cũ kèm chất cà tửng được tôi cố ý lấy làm minh họa cho một luận điểm hết sức đúng đắn đậm tinh thần nghiêm túc thời đại rằng, sự thật tự thân nó chẳng biện hộ, nói lên được điều chi cả. Và đó quyết không phải là điều nói dối đâu!

Huyền Chíp, cuốn sách của cô í và những phát biểu, bàn cãi thuận, chống của hơn hai bên lại là một ví dụ thời sự cho điều thượng dẫn; thậm chí, nó còn có thể sử dụng để cho ta hiểu ra điều trần trụi vừa  đau đớn vừa đáng cười phá lên này: hiếm khi có một sự thật duy nhất.  Nhân tiện, trên tinh thần yêu quý TED, tôi khuyến cáo bạn dành thời gian xem clip do Chimamanda Ngozi Adichie trình bày (ngay bên dưới hình ảnh là bản dịch tiếng Việt).

Câu chuyện cô gái da nâu mới đôi mươi xách ba lô kèm 700$ qua 25 quốc gia hình như cũng góp phần làm cho một tuyên bố khác bị mất tác dụng. Ý là, thông qua sự tham gia ngộ nghĩnh của cả ông lẫn bà giáo sư, phó giáo sư thuộc hai chuyên ngành khác hẳn nhau trong các cuộc gặp gỡ truyền thông, báo chí, chúng ta nhận ra sự phản phé chết người: khoa học không hề trung lập về mặt chính trị. Đây là lập luận chứng minh sự tương phản gây tê tê, trên một chút buồn nhẹ ấy: mọi thứ về khoa học hiển nhiên sáng rõ là mang tính chính trị. Điều này bao gồm các kiểu câu hỏi được đặt ra, phương pháp luận đặc thù dùng nhằm cố gắng phát hiện các câu trả lời, và bối cảnh xã hội được sử dụng làm khung tham chiếu cho các phát hiện. Một khoa học gia nói rằng ông/ bà ta ‘khách quan’ thì kỳ thực hoặc là nhân vật ấy dối trá hết sức điệu nghệ hoặc không hề nhận ra cách thức định kiến của bản thân đang tác động đến công việc mình tiến hành như thế nào. Cả hai khía cạnh ấy đều là thứ trường hợp kịch bản tồi tệ nhất (!). Từ viễn tượng của khoa học tiêu dùng, các khoa học gia cần 1. nhận thức về các định kiến của bản thân (tương thích với chủ đề nghiên cứu), và 2. hoặc tán trợ việc chắc chắn định kiến của họ không được tòi ra trong phương pháp luận nghiên cứu/ viết xuống, hoặc phải minh bạch về định kiến của họ đủ để các độc giả có thể tạo lập một ý kiến, quan điểm mang tính am hiểu.

Chuyện nọ xọ chuyện kia. Theo truyền thống phim truyền hình nhiều tập của nhà đài VTV, những dây dưa dính mắc vẫn còn chưa thôi diễn bày tội nợ. Một cách tình cờ mà định mệnh, bỗng dưng câu chuyện của Huyền Chip và cuốn sách kể lại chuyến lêu bêu dọc ngang thế giới đã trở thành đề tài học thuật thú vị thu hút các tinh hoa xứ Việt khắp hang cùng ngõ hẻm, kể cả kẻ còn đang dùi mài kinh sử ở xứ người hay hằng hà sa số vị đang hưởng lợi nơi quê nhà dấu yêu sau khi từ ngoại quốc trở về: khoa học tuy tiếp tục là trò chơi hay nhất tại thành phố, thủ đô song các phát hiện nghiên cứu tự thân chẳng chứng minh đúng đắn được vụ chi cả.

Thoát khỏi bối cảnh phù hợp, các tuyên bố rất dễ xiển dương điều xấu xa bất chấp dự tính tốt lành của người phát ngôn; không có bối cảnh, kết luận tưởng chừng tuân thủ logic nghiêm ngặt lại góp phần nảy nòi hậu quả là khiến cho chuyện rời bỏ bối cảnh ‘thấm đầy sự thật” trở thành thứ phá hoại và hoàn toàn bất công.

Đọc đến đây mà bạn vẫn còn tỉnh táo thì tôi chỉ xin thêm lời cuối rằng, một tuyên ngôn chống lại sự thật như trên không hề chứa đồ dối trá tí nào đâu.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top