Nói hớ, nhỡ lời và phong cách thể hiện bản thân bất lợi nơi công cộng: nghĩ về nghiệp

tơi tả, rối bời vì thất tâm, bấn loạn

Những dịp vui, buồn quá độ ở tầm mức cộng đồng lớn, bé thường thật dễ gây nên sóng gió dư luận, góp phần hình thành ít nhiều bi hài kịch vô tiền khoáng hậu.

Sự cố “chúc quốc tang nhiều niềm vui” như này nếu không nhìn nhận hoàn toàn từ cơ chế phức tạp của hành vi nói năng thì tất yếu cũng bị quy vào lỗi lầm nghiêm trọng hoặc được giới chuyên môn gọi tên, xếp loại ‘Freudian slip’ là dạng phát ngôn hớ hênh, nhỡ lời, nói nhịu. Ý tưởng của ông tổ Phân tâm là sự sẩy miệng phản ánh một lớp của các thái độ, suy tư thuộc vô thức đôi khi sơ suất, thoát khỏi sự kiểm soát của ý thức để nở bùng trên bề mặt; chúng là cửa sổ cho biết ai đó đang thực sự nghĩ gì.

… Hai đoạn trên đã được khởi thảo tầm tròn tháng rồi. Hôm nay lục ra lại vì chợt đọc thấy tin tức về vụ minh oan sau 10 năm thi hành án chung thân; những câu chuyện đậm tính nhân sinh khốn cùng như thế khiến chúng ta dễ nảy sinh căm phẫn, bàng hoàng và đau đớn, vượt trên cả pháp luật về sự bồi thường nếu có xảy đến theo kịch bản thế nào đi nữa.

Chiều tối qua ngồi cạnh xe bus với một cậu sinh viên Y khoa năm thứ 3. Nhắc đến vụ án bác sĩ Cát Tường, cậu này tâm sự ngay “cháu không biết nói sao”. Rồi tiện thể, nêu lời thề Hippocrates, chàng tuổi trẻ thể hiện lập trường rõ ràng “cháu còn nhỏ, mấy chuyện đó cháu không hiểu lắm” (!).  Và những lối thể hiện đùa tếu dễ gây thêm tai tiếng trong tình huống bi kịch càng chứng tỏ bối cảnh xã hội đang thực sự có vấn đề nghiêm trọng.

Từ vô vàn ví dụ đời thường, một câu hỏi khá quen thuộc là liệu có nghiệp (karma) tạo tác thông qua quyền lực của mỗi ý nghĩ không thôi. Chẳng hạn, nếu ai đó nung nấu các ý tưởng tàn hại đối với kẻ khác; liệu huyễn tưởng kiểu đó làm nên nghiệp xấu?

Trước hết, cần xác định thế nào là ‘nghiệp’ đã. Nói nôm na, nghiệp liên quan đến quy luật tự nhiên của nguyên nhân và kết quả về mặt đạo đức; bởi thế, những hành động xấu xa tạo quả đau đớn cho người thực hiện, trong khi hành động lành mạnh đem tới các trái quả tốt đẹp. Những thứ không thiện lành hướng tới làm khởi lên phiền não như tham lam, hận thù và hoang tưởng, trong khi thứ thiện lành thì khởi lên ngược lại: rộng lượng, từ ái và khôn ngoan.

Liếc qua, dường như các thành phẩm của nghiệp là hành động và kết quả đã được định sẵn; song không hoàn toàn chính xác vậy. Trước thời đức Phật, người ta nhận thức và chia sẻ về thực tế của nghiệp thường hay nói rằng phẩm tính của nghiệp tạo tác dựa trên các hành động thể lý.  Ông Phật bác bỏ điều ấy bằng lời dạy trong kinh pháp môn Thể nhập (Nibbedhika Sutta) rằng nghiệp là về ‘dự tính’ (volition). Khi có dự tính, người ta hành động qua thân xác, lời nói và tâm trí (thân, khẩu, ý).  Như thế để thấy rằng, nghiệp không phải là duy mỗi các hành động, mà những gì thiện lành/ xấu tệ khiến hành động khởi lên. Một cách đơn giản để nhớ tính ưu tiên của dự tính là nói rằng “suy tư, nghĩ ngợi (dự tính) là đáng kể rồi (hơn hành động) !”

Điều tốt lành và xấu ác chảy tràn từ những dự tính của chúng ta, kết tinh trong các suy tư, lời nói và hành động của chúng ta. Ngay cả một vài điều tốt giả tạo có vẻ khởi lên từ các dự tính xấu xa thì vẫn là nghiệp quả xấu (tiêu cực); nếu một số quả làm hại từ các dự tính thiện lành thì vẫn tạo ra nghiệp tốt (tích cực). Tuy thế, nên ăn năn, hối tiếc cho bất kỳ thiệt hại ‘tình cờ’ nào xảy đến. Nếu người ta không ăn năn, hối lỗi và cứ tiếp tục phạm những lỗi lầm tương tự thì rõ ràng dự tính lờ đi trách nhiệm bản thân, mà điều đó tạo nên nghiệp xấu! Nói rằng ‘con đường xuống địa ngục được trải bằng các dự tính tốt lành’ là nhắm vào ý tưởng làm một số hành động xấu có chủ ý hoặc hoàn toàn không biết những gì có thể là kết quả tốt lành. Điều này rõ là đường hướng phức tạp hơn việc chỉ thuần trộn lẫn của tốt và xấu.

Có rất nhiều khác biệt trong sức hút của nghiệp thông qua các suy nghĩ, lời nói và hành động. Cùng một vấn đề gây thương tổn cho người khác chẳng hạn, đích thực thực hiện nó tạo nên nghiệp mạnh mẽ hơn là chỉ nói về việc tiến hành nó, trong khi nói về việc tiến hành nó (ví dụ, hăm dọa) thì tạo nghiệp mãnh liệt hơn là chỉ nghĩ về việc thực hiện nó. Diễn đạt khác đi, thật tệ khi nghĩ về trạng thái xấu ác, tồi hơn nữa nếu nói về trạng thái xấu ác, và tàn độc nhất khi thực hiện tội lỗi. Dẫu vậy, nếu người ta cứ tưởng hoài nghĩ mãi về trạng thái xấu ác cho dù không hành động thì sự tích lũy nghiệp cũng có thể tạo nên bản chất. Tốt nhất là ngắt tội lỗi ngay từ nụ mầm mới nhú, chứ đừng để nó nở hoa trong tâm trí mình.

Vì những vụ việc khác nhau trong suy tư, lời nói và hành động nên trình tự của sức nặng nghiệp quả sẽ khác nhau. Chẳng hạn, thật tệ nếu lấy cắp 10.000 VND (mức độ hành động), tệ hơn nhiều khi vu vạ cho người khác (mức độ phát ngôn), và còn tệ hơn hết khi lên kế hoạch giết một người (mức độ suy tư).

Một cách bảo vệ ấn tượng chống lại việc tạo tác nghiệp xấu là gắn chặt với sự quan sát tỉnh thức các giới luật không giết chóc, ăn cắp, quan hệ tình dục bất chính, dối trá (hoặc đặt điều vu vạ, nói lời khó nghe và buôn dưa tào lao), hoặc dùng các chất gây say (khiến mất đi sự tỉnh thức).

Vô tâm dẫn đến đau đớn từ những lời nói và hành động thiếu suy xét. Quan sát sâu sắc các giới luật trong suy tư dẫn đến quan sát không ngừng nghỉ trong lời ăn tiếng nói và cả hành động nữa.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top