Tin đưa cho biết, có thêm 547 nhà giáo được công nhận đạt chuẩn phó giáo sư, giáo sư đợt này. Về số lượng, Việt Nam nằm trong số nước có đông đảo người mang học vị tiến sĩ và không ít các PGS, GS. Đọc một thoáng ghi nhận về vị thế học giới nước nhà trong khu vực càng dễ định hình.
Và mọi thứ cơ chừng còn lâu mới thay đổi. Dưới đây trích dẫn tờ Sông Hương một bài báo của Hoài Thanh, từ 8.1936.
Quang cảnh học giới ta buồn tẻ tiêu điều làm sao ! Dễ thường thế giới không có nước nào mà những người tự nhận là học giả lại lạnh lùng với việc học như ở nước mình. Người mình vẫn được tiếng là hiếu học nhưng đúng ra chỉ là hiếu lợi và hiếu danh. Khi sự học không đưa đến cho mình lợi và danh thì ít ai còn thèm màng đến nó nữa. Đừng nói danh và lợi là sự nhỏ nhen, cho dầu có đặt những mục đích cao thượng và chính đáng như giác ngộ nhân tâm thế đạo hay luyện tập thân thể cho khỏe mạnh cũng là đi lạc lối.
Về học thuật cũng vậy. Nếu ta đặt cho học thuật một cái mục đích ngoài học thuật thì chẳng nên mong gì chuyện thành đạt. Những học giả trứ danh như Henri Poincaré, như Fr. Houssay, như G. Milhaud đều công nhận rằng khoa học chỉ có một mục đích là tìm sự thật và không nên có một mục đích gì khác. Các dân tộc Á Đông ta ít tiến về phương diện khoa- học và học thuật có lẽ một phần cũng vì chúng ta quá ham mê theo những cái lợi trước mắt. Rút cục lại người ta không cầu lợi trong sự học mà được lợi còn mình cầu lợi lại không được gì.