Thắt chặt và rời rã: khi bản chất của đời sống là vô thường

Chủ đề Liên hoan phim Nhật Bản 2013 được chuyển ngữ sang tiếng Anh là “Bond” và Việt ngữ là “sự kết nối“. Có thể những bộ phim sắp trình chiếu sau đây là tiến trình tiếp tục, gắn bó song cá nhân tôi nghĩ, còn nên nghĩ đến khía cạnh ‘thắt chặt’.

Với riêng bản thân, chí ít với hai bộ phim hôm khai mạc và ngày kế theo minh họa cho ý tưởng mà tôi vừa nêu.

Gia đình Tokyo” không đơn thuần phản ánh những chuyển biến trong cấu trúc và chức năng gia đình ở thủ đô hiện đại của một nước phát triển thuộc hàng đầu thế giới. Đích thị đấy là câu chuyện về sự thắt chặt và rời rã thông qua nỗ lực hàn gắn, nối kết của đại gia đình ba thế hệ khi đời sống công nghiệp thôi thúc họ khẳng định giá trị bản thân, định hình công việc và tìm kiếm sự giàu có, thịnh vượng.

Hơn thế nữa, bộ phim là nét phác thảo ấn tượng đượm hơi hướng thiền vị gợi nhớ truyền thống khi tạo tác phiên bản mới về một cái gì vốn rất căn cơ, xưa cũ: cái rỗng không. Người xem không khó nhận ra tâm thế ấy trong cách đạo diễn xử lý tình tiết, dựng cảnh, chọn góc quay cũng như luôn thể hiện ưu tiên nhấn mạnh đến sự thắt chặt giữa con người với thiên nhiên, gia chủ và ngôi nhà, tình huống và cách ứng xử sao cho bù trừ, hài hòa  trong một tổng thể không thể cắt rời.

Nỗ lực thắt chặt mọi thứ tưởng chừng xa cách và cứ chực rời rã này càng lộ rõ với “Chú chó ngắm sao“. Lần nữa, vượt trên nỗi niềm thân phận hay không thực sự chỉ chú tâm đề cập chính sách an sinh xã hội, bộ phim lấy gần hết nước mắt của người trẻ vào tối nọ trong rạp số 5 của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia quả thật khẳng định về nét vẻ phù du bàng bạc buồn và đẹp của chính tự thân đời sống. Khán giả xem xong đoan chắc không khỏi bồi hồi ngẫm nghĩ về tháng năm tuổi trẻ, tình yêu, gia đình, khởi lên lòng chăm chút cho con vật nuôi bấy lâu bị hắt hủi, bỏ bê và thêm càng thương hơn sinh mệnh chính mình.

… Như những nhà tham vấn và trị liệu tâm lý, chúng ta cảm thấy ít nhiều tội lỗi khi quá bận rộn để chăm sóc bản thân đàng hoàng, như mọi người trên trái đất. Chúng ta đặt để mình sau cùng. Những gì chúng ta đòi hỏi, đề nghị thân chủ làm khi họ vướng mắc trong mớ bòng bong muốn thoát ra và thay đổi là hãy chính họ trước tiên, mà, khi hồi nghĩ lại về điều đó, thoáng chút đạo đức giả.

Tuy vậy, nếu chúng ta đang dự tính đề nghị thân chủ đổi thay, tìm kiếm sự cân bằng, sống thật hạnh phúc, và trải qua một sự thay hình đổi dạng tức hàm nghĩa mong họ vượt khỏi vùng thoải mái quen thuộc, chúng ta cũng phải tiến hành điều tương tự với chính bản thân. Chúng ta phải ước ao vượt thoát ra khỏi vùng thoải mái quen thuộc lâu nay, không ngừng kiên quyết đẩy bật chúng ta tiến tới phía trước; bởi trưởng thành hàm nghĩa tiến lên, dấn bước bất chấp số lời lãi chúng ta có thể tích lũy theo thời gian, và dĩ nhiên, chấp nhận bản chất của đời sống là vô thường.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top