Thấy trên blog Tâm Ngã mình báo 7 độ C, trong khi dạo bộ theo các con phố gần nhà nào thấy rét lắm đâu. Đoạn Chùa Một Cột thanh cảnh, với sự che chở mờ ảo của đêm xuống, không quá u ám nhờ hàng đèn bố trí men theo vỉa hè hắt lên vừa đủ điệu. Dọc mấy con phố thả chân thoải mái và hiếm khi đông người chen chúc này, hoa nở vào mùa hè khá ổn còn đông đến thì tạo cái lạnh chẳng quá se sắt.
Đi trong bóng tối, lại nghĩ về hai vấn đề ước ao được truyền thông và giáo dục rộng rãi hẳn hoi: tâm trí và sinh tử. Dĩ nhiên, chúng nên triển khai ngay từ lứa tuổi bé tí, cho các em nhỏ làm quen, trải nghiệm rồi nắm thật vững về vài ba sự thật căn cốt ở đời: đau khổ, vô ngã, vô thường và cái chết; đấy là những chuyện cần ưu tiên luyện tập thường xuyên và liên tục đặng giúp cho thời gian sống trên cõi tạm đỡ tham lam hoang phí, tức giận đùng đùng hay âm ỉ thiệt quá chừng vô bổ và lầm lạc cùng hoang tưởng lung tung.
Đây là đoạn tôi đọc cho hôm nay trong cuốn sách Glimpse after Glimpse: Daily Reflections on Living and Dying (Sogyal Rinpoche, p.32; bản dịch tiếng Việt chuyển ngữ: Mỗi Ngày Trầm Tư về Sinh Tử) thường lật giở ra suy ngẫm mỗi ngày.
Thử tưởng tượng một người thức dậy trong bệnh viện sau một tai nạn ô tô và nhận ra mình bị mất hoàn toàn trí nhớ. Thoạt trông bề ngoài thì mọi thứ vẫn nguyên vẹn: cũng khuôn mặt và hình dáng ấy, các giác quan và tâm trí còn đây, song người đấy không hề có ý tưởng hay lưu vết bất kỳ ký ức nào về bản thân cả.
Tương tự thế, ta không thể nhớ con người đích thực và bản dạng nguyên ủy của chính mình. Trong cơn bấn loạn kinh hoàng, chúng ta lòng vòng khắp nơi rồi ứng biến vào ngay tắp lự một bản dạng khác, một bản dạng mà chúng ta ôm riết lấy với nỗi niềm tuyệt vọng tột độ của kẻ đang không ngừng rơi xuống vực thẳm. Cái bản dạng dối lừa và được giả định rất ngu muội đó là ‘cái tôi’.