Cái lễ Valentine năm nay khiến tôi cảm thấy buồn phiền: lướt tin tí chút đã thấy quá nhiều cái chết, những cái chết trẻ lại càng ngậm ngùi và đau xót.
Giải thích cho hiện tượng giết người mình yêu là chuyện không dễ dàng, bởi vì tình yêu thì liên quan những hành động vô cùng nhân ái còn giết người lại tiêu diệt kẻ được quý trọng.
Việc kết liễu, chấm hết cuộc đời bạn gái có thể giải thích thuộc loại cơ chế nhân cách mà phân loại thì thành ‘ghen tuông bệnh lý’ và ‘sự chiếm hữu tình dục’. Điều có thể khẳng định rằng không thể giải thích sự vụ cơ bản bằng nét nhân cách của một cậu trai tân đồng trang lứa, chưa từng yêu ai bao giờ mà đấy phải là sự hòa trộn nhiều yếu tố với nhau đặng tạo nên bạo lực mang tính chết chóc như thế.
Nhìn chung, không khó thấy rằng các niềm tin về tình yêu lãng mạn thì không thuần túy là các ý tưởng trừu tượng; chúng can thiệp và tạo sắc màu cho việc yêu đương, chúng trở thành tiêu chuẩn để người trong cuộc diễn giải trải nghiệm yêu và dẫn dắt hành vi của họ.
Giết người, nhất là giết người mình thương yêu (cha mẹ, con cái, vợ chồng, bồ bịch, v.v…) luôn là hiện tượng gây sốc vì nó chạm phải điều ngăn cấm cả về mặt đạo đức lẫn văn hóa chung. Thứ đến, xen kẽ nhiều lý do hơn một thì nguy cơ để ai đó giết người mình yêu thương sẽ tăng cao nếu hội đủ nguyên nhân nhất định, ở đây rất đáng lưu tâm là lý tưởng về tình yêu (em ấy là tất cả thế giới nên chia ly, em ra đi là mất bản dạng của chính mình luôn; khi đối tượng thiếu vắng các nguồn lực mang ý nghĩa và lý do để sống khác; ý thức truyền thống của con đực: quyền lực, danh dự, kiểm soát; khi hành vi cá nhân là cố chấp và không thương lượng nổi; khi niềm tin chủ chốt về tình yêu dường như tạo công bằng cho việc hy sinh bạn gái và mặt khác lại vẫn duy trì được nó, cung cấp tính chính đáng cho các tội ác ghê rợn, v.v…).
Một hành động khủng khiếp như thế phản ánh nỗi thất vọng, hụt hẫng quá chừng và thể hiện tính sẵn sàng phá hủy người khác ngay cả khi điều ấy có nghĩa phá hủy luôn bản ngã của mình…
Còn xét về khía cạnh học hỏi lâm sàng tâm bệnh thì dễ nghĩ tới “Limerence” (Dorothy Tennov, 1979); đây là từ dùng không chính thống, theo đó, quả như sư tổ Phân tâm học S. Freud từng ngao ngán thốt lên rứa “Kẻ nào yêu đương là đã điên khùng lắm rồi” (One is very crazy when in love) thì riêng với những ai dính mắc Limerence tình hình lại ghê gớm và phức tạp hơn rất nhiều; các biểu hiệu của nó có thể trải dài từ bình thường thôi cho đến bệnh lý quá đi (lý tưởng nhất, mình thích dùng ‘rối loạn tâm thần’ thay tất tật cho cụm ‘bệnh tâm thần’). Nôm na, các biểu hiện Limerence có thể kể như dạng ứa tràn khao khát thuộc về người khác, suy tư bị thôi thúc khó cưỡng đầy đam mê nghĩ về, nhu cầu cảm xúc nảy sinh cấp tốc, phụ thuộc tâm trạng khi đánh giá người mình ham muốn, sợ bị chối bỏ và nỗi e thẹn với việc hiện diện của người trong mộng, v.v…
Lần nữa, hầu hết mọi người phải lòng lúc này lúc khác trong đời, thậm chí tới lui vài lần không ít. Với quảng đại chúng sinh, “tình yêu” thật phấn khích và là sự thôi thúc dấm dẳn hết sức tinh tế khó cưỡng lại việc gần gũi, thân mật với kẻ khác, cảm thấy bản thân vô cùng mơ hồ nơi đám rối mặt trời.
Nói về tình yêu, thường thiên hạ nhắm tới chỉ điều gì đó liên quan với tình yêu khoái lạc, lãng mạn (erotic, romantic love); đây là dạng thức yêu khiến thế giới cứ chạy lòng vòng, tạo cảm hứng cho nhiều nền văn minh vĩ đại có các tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và văn chương diễm tuyệt, là tình yêu mọi người thích trải nghiệm và hy vọng nó sẽ vững bền mãi mãi.
Phải lòng như chúng ta hiểu biết về kinh nghiệm ấy hiện tại thì không hề thông dụng trong các nền văn hóa cổ xưa. Khúc dạo đầu và mục đích của hôn nhân không phải là tình yêu; mọi người cưới nhau nhằm duy trì tài sản và tạo tác nên con cái, dòng dõi, và do vậy, đa phần các cuộc hôn nhân được bố mẹ dàn xếp, sắp đặt. Người trẻ sớm bắt cặp lấy nhau ngay khi trưởng thành về mặt tính dục nên ít có cơ hội phải lòng. Nếu tình yêu lớn dậy, điều ấy chỉ xảy đến sau khi kết hôn. Mặc dù thế, đôi khi người trẻ lỡ phải lòng ai đó khác so với người họ phối ngẫu. Các quan hệ lãng mạn và tình dục không hợp pháp xuất hiện bất chấp sự thiếu vắng các cơ hội dễ dàng và sự phản kháng mạnh mẽ của xã hội…
Ngày nay, hoa trái của tình yêu lãng mạn bừng nở đột ngột, mãnh liệt hơn rất nhiều. Và nó xứng đáng được dành để kể cặn kẽ, đàng hoàng vào một dịp khác, chí ít khi khí xuân vẫn còn dâng tràn và trà dư tửu hậu…