35 năm sau một cuộc chiến tranh biên giới. Thời gian qua đi mà không trôi mất, thậm chí, còn để lại bộn bề phản ứng. Khoảnh khắc của mất mát, hy sinh và máu xương thấm đất trở thành thứ cân đong đo đếm cho chủ nghĩa quốc gia, lòng tự hào dân tộc, cơ chế phòng vệ, khát khao tự do, giàu có, hưởng thụ siêu vượt và vô vàn ước ao cá nhân, riêng tư đối nghịch, mâu thuẫn với tinh thần cộng đồng và tham vọng xiền dương ý thức hệ.
Bất định, lo lắng, do dự và lần lữa; tất thảy trộn lẫn đã phản ánh tính phức tạp của thời cuộc cùng đời sống đương đại. Chung đụng xa hoa, những bụi xương rồng rào giậu vẫn ẩn hiện đó đây, dù nơi chúng ta sống chẳng hề kề cận sa mạc xa xôi hay bãi biển mù khơi. Những đồn đoán thật cay đắng, bởi tương lai của láng giềng e chừng cũng là tương lai của chính chúng ta, như một đất nước có chủ quyền– một cảm nhận chẳng hề dễ chịu chút nào.
Đầy nghịch lý, giới làm chính sách quốc nội hình như cóc thèm lưu tâm chi tới những bài học đơn giản cho các hệ thống phức tạp. Cộng đồng người thu nhập thấp và nghèo đói phải chịu đựng rất không tương xứng khi các chuyên gia làm luật kèm nhóm hành pháp quan liêu đã thất bại thảm hại trong việc thu hẹp khoảng cách trên tiến trình giải quyết vấn đề an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe đủ để kiến tạo thêm nhiều thách thức nan giải.
Bài học thể hiện sự nhún nhường cần tỏ rõ rằng chúng ta nên hạn chế những hành vi ngăn cấm trừ khi thừa bằng chứng việc hạn chế thì tốt hơn khả năng bị xâm hại. Với thực trạng thiếu vắng thông tin, nên để người ta tự do bộc lộ sự khôn ngoan, sáng tạo, năng lực doanh thương đặng tự giải quyết vấn đề. Dĩ nhiên, bài học rút ra còn là tránh kiểm soát và điều hành với mệnh lệnh từ trên đỉnh xuống; ví dụ rành rẽ cho sự vi phạm nguyên tắc này là USSR: chóp bu Liên bang Soviet nghĩ rằng họ thấu hiểu toàn bộ nền kinh tế để quản lý tất cả từ một mệnh lệnh trên đỉnh xuống, và ngày nay nước Nga đã khẳng định họ sai. Thứ đến, các hệ thống phức tạp không thể nhai lại hay bắt chước y chang; cách tiếp cận này chắc bị sai lầm ngay trước khi khởi sự, v.v…
Hiểu biết phương thức các tổn thương, đổ vỡ lan truyền qua các thế hệ đòi hỏi nắm bắt các bí mật lịch sử của cha ông, tiên tổ. Việc truyền dẫn tổn thương dựa trên ý tưởng rằng những gì làm nên con người không chỉ chứa đựng riêng mỗi các trải nghiệm của bản thân họ– quá chừng đớn đau tràn lấp, không thể chịu đựng hay nghĩ bàn thấu đáo được– rơi ra thành các diễn ngôn xã hội, mà rất thường khi thì cứ tiếp diễn rồi nhập vào thế hệ kế tiếp như một sự bén nhạy cảm xúc hoặc cơn thôi thúc thật hỗn độn.
Các đường truyền lây lan xuyên thế hệ vốn bộc lộ qua các giấc mơ, trong hành động, thể hiện “bài học cuộc đời” với giai đoạn cụ thể nào đó và dạy chúng ta về gia đình. Khám phá các sự truyền dẫn này chính là đi tới hiểu biết và kể một câu chuyện rộng lớn hơn, khởi từ thế hệ đã qua; đòi hỏi lắng nghe kỹ càng các câu chuyện của ông bà, cha mẹ, với bối cảnh lịch sử- xã hội họ sống, nhất là khía cạnh kinh tế, chính trị và quân sự.
Mối dây cảm xúc gắn kết giữa đứa trẻ với tổ tiên là yếu tính cho sự phát triển các giá trị của chúng ta; quyết định trả lời các câu hỏi huyền bí: “tôi là ai”, “tôi là ai đối với gia đình mình”, “ai chúng ta có thể tin tưởng và ai là kẻ thù”, “điều gì gắn chặt tôi với gia đình”, và quan trọng hơn hết, “với những mối dây gắn bó ấy, cái gì tôi cần gỡ bỏ và cái gì tôi cần giữ chặt”. Lớn lên từ các tổn thương tồn đọng của tổ tiên mới ngõ hầu chữa lành các thế hệ tương lai.
Vượt trên chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, các tiêu chuẩn kép, và sự phức tạp của tội lỗi lầm lạc lẫn trạng thái ngây thơ. Như vậy, mọi thứ xảy đến chỉ là cái cớ cho tâm trí bám vào. Tình yêu gắn bó, dính mắc và ràng buộc. Tại sao con chim trong lồng thôi hót, câu hỏi ấy lắm khi chẳng được đặt ra và thực tế không dễ trả lời được.