Khi việc dạy trở thành công tác thúc ép, cố gán vào người học

Những vụ việc tương tự thầy trò đánh nhau trên bục giảng đã và sẽ tiếp tục xuất hiện trên mạng.

Theo cô Quách Nguyễn Huyền Trân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, sự việc này xảy ra vào cận ngày Tết Nguyên đán 2014. Thầy giáo trong clip tên T.A.T, dạy hóa lớp 11. Lớp học trong clip là lớp 11A1.

Clip mở đầu bằng hình ảnh thầy T. gọi em N. lên bục giảng rồi tát vào mặt N. Mỗi lần đánh, thầy đều nói kèm câu: “Mày cương hé, mày cương hé”. Sau cái tát thứ tư bên má trái, N. giơ tay lên đỡ thì lập tức bị thầy tát mạnh bên má phải.

Lúc này, phía dưới lớp, L. lên tiếng: “Sao quýnh dữ thầy” thì bị thầy T. gọi lên bảng chỉ mặt: “Mày muốn sao? Học không được thì nghỉ nghen”. Thầy T. tát vào mặt L. Ngay sau đó, L. lên gối đánh lại thầy, N. cùng với bạn xông vô đánh thầy. Lúc này, nhiều học sinh trong lớp ùa lên can.

Và giông giống với vô vàn ý kiến của các vị chức sắc lãnh đạo các cấp của ngành lẫn đủ quý ông bà học hàm, học vị nghiêm trang phát biểu với tư cách chuyên gia tâm lý – giáo dục và xã hội học, lối chia sẻ êm trôi kiểu này cơ chừng góp phần cho thấy còn khuya chúng ta mới tư duy giáo dục khác trước.

Cũng là một thầy giáo hơn nữa lại là thầy giáo tâm lý, nên theo thầy Khắc Hiếu nếu học trò có lỗi, trước việc đánh học trò thầy giáo phải nghĩ việc đánh có cảm hóa được học trò của mình hay không.

Tuy nhiên, trên thực tế, người thầy nào cũng biết việc đánh học trò không cảm hóa được học trò mà phản tác dụng. Rõ ràng hành động tát liên tục của thầy là vì cái tôi hoặc để thoã mãn cơn giận chứ không phải để giáo dục và cảm hoá.

Nếu hiểu giảng dạy là hành vi do một cá nhân này (thầy, cô giáo) thực hiện nhằm mục đích giúp đỡ một cá nhân khác (học sinh) học hỏi điều gì đó thì cơ chừng chúng ta đang chứng kiến một sự thúc ép, cố gán (ít nhiều không chính thức nữa) vào người học: giảng dạy chẳng  đáp ứng với khát khao riêng của người học; nó làm cùn mòn sự tò mò, tăng thêm tình trạng không tự mình lo liệu được, và trong một số trường hợp thậm chí còn gây thù oán và lảng tránh môn học rồi ngay cả giáo viên đứng lớp nữa. Cơ mà việc giảng dạy nhẽ ra phải được người học tán dương, ham muốn rất nhiều mới phải; như với bất kỳ hành vi nào thành công trong chuyện trợ giúp kẻ khác đạt được các mục tiêu của chính họ.

Cả lịch sử nhân loại lẫn nền giáo dục nước nhà vẫn chưa rời xa quá lâu ý tưởng rằng dạy dỗ trẻ em thì đồng nghĩa với việc khuyên răn, roi vọt chúng; bằng chứng cho điều tưởng chừng phi lý ấy có thể dễ dàng tìm thấy trong ca dao tục ngữ và/ hoặc các cách ngôn, Kinh thánh, v.v…

Ngày nay, ngoan ngoãn tiếp tục là bài học chính của nhà trường, và trừng phạt còn là bánh xe căn cơ cho việc dạy điều ấy. Dĩ nhiên, đã có thay đổi uyển chuyển đặng phù hợp với thời buổi hiện đại, nên chi điểm chác trở nên tiêu chí đánh giá; cả toàn xã hội, giáo viên lẫn phụ huynh cố nhồi vào đầu trẻ nhỏ rằng điểm cao là yếu tính để thành đạt ở đời. Các phương pháp trừng phạt trong học đường hiện đại bây giờ tạo nên nhiều lo lắng, trầm uất, giận dữ, ngờ vực và lừa dối hơn việc đánh đập so với hồi xưa.

Bất kỳ việc giảng dạy mang tính ép buộc nào đều là hành động mang tính xâm kích, xung hấn. Bất kỳ việc giảng dạy nào mà không phải là điều học sinh mong muốn, thúc ép họ, là hành động xâm kích và gây xung hấn. Bất kỳ cách giáo dục nào dùng phần thưởng hoặc trừng phạt đặng làm cho học sinh phải học là một hành động của xâm kích, xung hấn.

Sử dụng trừng phạt trong giảng dạy có thể làm giáo viên cảm thấy sự tức giận hướng tới học sinh, cũng như học sinh cảm thấy nỗi tức giận hướng về thầy, cô giáo.

Tôi tin, đây chính là một trong những lý do quan trọng lý giải tại sao chưa bao giờ như bây giờ chúng ta dễ chứng kiến sự cáu gắt, căng thẳng tinh thần và quá kiệt sức ở người giáo viên, là nguyên nhân cơ bản tạo nên mối quan hệ thù địch giữa người dạy và người học.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top