Thiền tập như một tiến trình nghiền ngẫm tự nhiên

Với xu hướng ăn xổi ở thì, ồn ào theo học các khóa cấp tốc đắt tiền cũng như ước ao chóng đạt được mọi thứ đang cần phải có, e chừng đời sống chúng ta tiếp tục xác nhận trạng thái mơ màng khủng khiếp trong khi cứ tưởng  nghĩ mình cắm trụ chắc chắn vào hiện thực rồi.

Hòa điệu cùng phong trào yoga và các món thư giãn hấp dẫn, thiền tập (meditation) đang là thời trang đảm bảo sang trọng cách biệt song vẫn đủ sức lung linh gọi mời với quảng đại quần chúng.

Thuật ngữ tiếng Anh của thiền tập khởi từ gốc Latin ‘meditatio‘ mang nghĩa ‘tư lự, nghiền ngẫm’. Vốn tiếng Pali quen dùng trước khi được chuyển dịch sang Anh ngữ là ‘bhavana‘: ‘phát triển, vun bồi, mở rộng’ nên nghiêm túc mà nói, ‘meditation’ không trỏ thỏa đủ nghĩa các kỹ thuật khác nhau góp phần làm thay hình đổi dạng, gây tạo chuyển biến tâm lý theo đúng lời Đức Phật chỉ dạy xa xưa.

Xét dưới góc độ suy tư, có thể nghĩ tới 3 cách tiếp cận về thiền tập của đạo Phật: (1) tận dụng các ý nghĩ; (2) làm yên lắng các ý nghĩ; và (3) quan sát các ý nghĩ. Thiền tập tâm từ là ví dụ cho loại thứ nhất, người thực tập suy ngẫm thật nghiêm trang các ý nghĩ đặc thù nhằm mục đích đánh thức một số cảm xúc và hành vi nhất định. Thiền tập về hơi thở có thể minh họa cho loại thứ hai, ở đây người thực tập chuyên chú hướng vào hơi thở, với dự tính làm chậm lại rồi tiến tới chấm dứt luôn dòng chảy của các ý nghĩ. Thiền tập tỉnh thức phát triển năng lực chỉ đơn giản quan sát hoạt động của tâm trí (tư duy, cảm xúc, khái niệm hóa, v.v…) đặng dần dần giúp người thực hành không còn bị phụ thuộc vào chúng nữa.

Bàn đến sự tiến bộ trong thiền tập, cần lưu ý rằng có rất nhiều dạng thiền tập khác nhau, thậm chí, các biến thể nảy sinh ngay trong cùng các kiểu tương tự. Do đó, người ta hay thắc mắc ‘kỹ thuật thiền tập nào là tốt nhất?’ rồi sau thời gian thực hành họ lại thường hỏi tiếp, “thế làm sao tôi biết những gì mình đang tập luyện là đúng đắn thật chưa đây?’.

Có bốn tiêu chí dùng lượng giá những điều đức Phật gọi là ‘tiến bộ, triển nở và tinh tấn” trong thiền tập. Nếu (1) mình nói chung hạnh phúc hơn trước khi luyện tập; (2) nếu mình nhận thấy các phẩm chất của bản thân tích cực tăng lên và tiêu cực giảm xuống; (3) nếu mình ngày càng thư thái và cởi mở hơn; và (4) nếu mình thêm khả năng khách quan về chính mình thì đấy chứng tỏ các chỉ báo tốt lành rằng việc thiền tập đang đi đúng hướng nên là.

Một số cách tiếp cận và vài ba thái độ người ta mang vào khi thiền tập có thể khiến người thực hành trở nên căng thẳng, rầu rĩ và nghiêm túc quá mức. Có sự kết nối cân bằng chín chắn giữa thiền tập và hạnh phúc; tâm trí hạnh phúc trở nên tập trung hơn, người tỉnh thức hạnh phúc hơn; nếu các trạng thái uế tạp, nhiễm ô biến mất và chỉ còn lại sự vui vẻ và thoải mái, thanh thản, tỉnh thức và sáng tỏ thì đó là trạng thái hạnh phúc…

Thay vì gắng nhìn bản thân như mình đích thực là vậy, một số người thực hành thiền tập có một hình ảnh về cách họ ‘nên là’ rồi áp triệt và nén buộc tinh vi nhằm để chính mình khít khớp vào hình ảnh đó. Kết quả thường là sự cứng nhắc về mặt thân xác; một biểu đạt nghiêm trang ghê gớm, các chuyển động gượng ép và một hình thể không tự nhiên chút nào. Một số hành giả khác thì bộc lộ một dạng thức xơ cứng về mặt tâm lý, trở nên khắt khe kinh khủng và cứng rắn quá trong các thái độ ngay cả với các nguyên tắc nhỏ nhặt và võ đoán, giáo điều về diễn giải Pháp cũng như các kỹ thuật thiền tập… Đối lập, hành giả thành công có sự tự tin để thư thái và tự nhiên mà cũng không mềm yếu, nhu nhược; có khả năng nhìn các khái niệm liên quan đến Pháp và kỹ thuật thiền tập như các hòn đá tảng giúp tiếp tục bước đi hữu ích chứ không nhất thiết phải dính mắc tuyệt đối vào chúng.

Thiền tập thành công nên thật tuần tự giảm thiểu bản ngã đến độ hình ảnh bản thân trở nên không còn quan trọng và sự không dính chấp tăng lên, bao gồm cả sự không dính chấp với cả các điểm nét tiêu cực của người ta; do đó, hành giả sẽ có khả năng tự lượng giá ngày càng thực tế và thấu hiểu hơn, thành thật và chân tình với đời sống nội tâm của chính mình; họ dần dễ dàng thuận theo, tuân thủ các lời khuyên nhủ của bạn đồng đạo và các vị thầy tâm linh, sẵn sàng tiếp thu các lầm lạc nhận thức, chấp nhận lời khen ngợi mà không e thẹn và sự phê bình mà không phòng vệ. Hành giả trưởng thành sẽ như lời Phật dạy, là ước ao tỏ bày các phiền não riêng có với Thầy hoặc các bậc chân tu từng trải như sự việc vốn thế.

… Thực tế, không ít quý vị nghĩ rằng sau một vài tuần thực hành thì toàn bộ các vấn đề của họ sẽ được giải quyết, đời sống sẽ đi lên và mọi thứ thật như ý, ngon lành. Kỳ thực, tập luyện đều đặn sẽ chắc chắn mang lại những đổi thay tích cực song điều ấy không có nghĩa mình sẽ không còn gặp rắc rối, trục trặc gì nữa. Tỷ dụ, một số người cho rằng nếu họ thực hành thiền tâm từ thì những suy tư xấu xa, sự oán thán, nỗi niềm tức giận và chán chường, hận thù hoặc cáu gắt tủn mủn sẽ không bôi bẩn tâm hồn họ nữa…

Ví von thì hình dung giống như đại dương dốc xuống dần dần, nghiêng dần dần, không có vách đứng đột ngột, Pháp và kỷ luật cũng tương tự vậy, tựu thành dần dần và thực tế dần dần.

Phi thực tế nếu cho rằng chỉ vì mình thực hành thiền tâm từ và gắng ứng xử, hành động với lòng tử tế thì mình sẽ không bao giờ đánh mất sự bình tĩnh, chẳng hề cáu bực hoặc nhận ra rằng mình đang đánh giá thiên hạ, kẻ khác hết sức khó nghe.

Tất thảy chúng ta khởi đầu hành trình Bát Chánh Đạo với hành lý mang vác khác biệt, xử lý theo nhịp bước chẳng hề giống nhau, và mọi người ngừng nghỉ không cùng nơi chốn nọ kia. Trong khi duy trì cam kết với đời sống tâm linh, mình cũng nên kiên nhẫn với chính mình và đừng đánh giá quá mức tiến bộ của bản thân. Khi sự tức giận ngập tràn, vì có thể không ít lần xảy đến như thế, xin hãy nhận ra rằng còn công việc nhất thiết phải làm đồng thời không quên nhắc nhở bản thân rằng mình chầm chậm song chắc chắn đang dần tiến lên, hướng tới phía trước.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top