Từ chống kháng tới cuồng loạn: vết nứt rạn căn bản

Cách nhau chỉ vài phút ngồi đợi ở bến xe bus trên phố Huỳnh Thúc Kháng, tôi đã thấy hai cảnh tượng phản ánh cùng một  xu hướng hoang đàng, nhập nhằng chung riêng; chứng tỏ người sống trong thành phố chưa chắc đã hình thành được phẩm chất căn bản của thị dân: tôn trọng luật pháp, tuân thủ quy định ứng xử nơi công cộng.

Một chiếc ô tô trờ tới trước mặt, dừng ngay giữa tim đường, cửa xe mở ra để một cậu thanh niên chạy từ trong vỉa hè bước vào… Xe máy xịch lại đúng khu vực dành cho xe bus đón đỗ khách, một vị đàn ông trung niên béo tốt nhảy xuống vẫy tay chào nhau vui vẻ và hồn nhiên băng qua bến xe bus phía đối diện.

Chứng kiến sự kiện này sau khi tham dự buổi trao đổi với khách mời về chủ đề thanh niên với công tác chống tham nhũng, dĩ nhiên không thể không nhắc tới minh bạch và liêm chính.  Gần 200 sinh viên của Học viện, đa phần theo đuổi chuyên ngành Công tác Thanh niên nói chuyện riêng rổn rảng, chẳng thấy các nét mặt chăm chú lắng nghe hay tập trung cao độ cho vấn đề quốc nạn, hoặc cất lên vài ba câu hỏi thể hiện tư duy hết sức sâu sắc, đầy tràn tinh thần trách nhiệm của người lãnh tụ tương lai dẫn dắt phong trào “thanh niên anh dũng tiến lên”.

Chiều nay, tin nhắn từ tổng đài 1080 của VNPT gửi vào mobile cá nhân của người dân nội dung trích trong công điện Thủ tướng chính phủ về đảm bảo an ninh trật tự (nguyên trọn điểm 2, song có thay đổi trật tự câu.)

2. Tuyên truyền vận động nhân dân không có những hành động vi phạm pháp luật, không nghe theo kẻ xấu, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống và góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng luật pháp của nước ta và luật pháp quốc tế.

Như thế là chính phủ có phản ứng chính thức một cách công khai với tầm mức rộng rãi nhất khắp toàn quốc liên quan đến vụ việc chống kháng dẫn đến cuồng loạn ở Bình Dương, Vũng Áng (và có thể vài ba nơi khác trên đất nước). Lịch sử chắc chắn khi ghi nhận giai đoạn này không những thêm đậm dấu chỉ truyền thống của sự thù hận, ghét bỏ bè lũ bành trướng Trung Hoa mà còn khó phủi sạch nổi nghịch lý đấu đá nội bộ xen lẫn nỗi niềm rúng động khi lòng dân ly tán, bất an được đính kèm trêu ngươi hòa cùng tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc.

Đúng vậy, nếu việc chống kháng, bất đồng là điều tự nhiên trong xã hội dân sự thì cuồng loạn, bạo động khó được thế giới văn minh thừa nhận như quyền. Và từ dự tính chống kháng ban đầu thông qua biểu tình lại dẫn đến cuồng loạn hậu họa dây dưa thì câu chuyện đã mang bản chất hoàn toàn khác hẳn: vết nứt rạn căn bản ở đây là người ta không còn e sợ, ngần ngại nhà chức trách, giới cầm quyền nữa.

Dù động cơ tham gia là vui vẻ, hùa vào đám đông đặng tranh thủ cướp bóc, hôi của, đập phá thì khó mà chấp nhận quyền cuồng loạn, bạo động; tương tự, cũng khá ngây thơ và lý tưởng lắm lắm khi xem xét các điều kiện nhằm thỏa mãn một định đề tâm lý phổ quát: không có công lý, không có hòa bình.

Thực tế, bạo động và cuồng loạn không bao giờ xảy ra ở các quốc gia mang danh đàn áp nhất; những kẻ chuyên quyền khủng khiếp hầu như chưa từng phải lo lắng việc bạo động và cuồng loạn. Việc này không bao giờ xảy ra ở các nước mà người dân dè chừng chính quyền, và tại nơi mà sự bất công bộc lộ gay gắt nhất; bạo động và cuồng loạn cơ chừng dễ xảy đến ở nơi mà người dân KHÔNG còn sợ hãi chính quyền nữa và tại nơi mà sự bất công được cho là khá nhẹ nhàng, chịu đựng được.

Xin mời đọc thêm lúc rảnh rỗi, thư giãn: 1, 2, 3.

@ Cập nhật, 9h41 ngày 16.5.2014: Tôi đã đọc phần 1 trước khi gõ xuống bài này, giờ đưa vào như tài liệu tham khảo do mới biết phần 2.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top