Rời xa, tách biệt và tái kết nối: một câu chuyện của gia đình, sự phát triển của cá nhân

Không biết phải xưng hô như thế nào cho đúng nữa, thôi thì xưng em với bác sĩ cho tiện nhé. Em là H., 25 tuổi, hiện đang sống ở Tây Ninh. Qua internet em biết đến bác sĩ.

Hiện tại em đang gặp vấn đề về tâm lý của mình, cụ thể là em gặp một việc khiến em bị stress làm em mất ngủ mấy ngày rồi, em cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Câu chuyện của em như sau:

Em sinh ra ở Tây Ninh, gia đình em là người Bắc, đến năm lớp 4 em phải xa bố mẹ lên Tp. HCM đi học. Mẹ em gửi em cho chú ruột của mẹ em. Chú ruột mẹ em (em gọi là ông) bị vô sinh nên muốn em lên sống chung và để cho em học hành tử tế. Chuyện ăn uống thì ông bà em lo, còn tiền học hành và tiêu xài vặt của em thì mẹ em gửi lên. Em xa bố mẹ từ năm lớp 4 nên thiếu thốn tình cảm bố mẹ lắm.

Ông bà em thì khó tính, ông là bộ đội và là người Bắc nữa nên rất gia giáo, em rất sợ ông bà. Cứ 2 hay 3 tháng thì bố mẹ lên thăm em được 1, 2 ngày. Mỗi khi bố mẹ về thì em lại chạy ra ngoài đường đứng khóc đến khi hết khóc mới dám vô nhà vì sợ ông bà la.

Cuộc sống cứ vậy trôi qua (em yếu đuối lắm hả bác sĩ?), rồi em học đại học. Em đậu ĐH Bách Khoa Tp. HCM nên ai cũng mừng lắm. Đến khi học ĐH, ông bà em vẫn khó như xưa, em chỉ cần đi về trễ 10 phút là bị la rầy. Em là con trai nên cũng hơi cẩu thả, phòng ốc thì bừa bãi nên bị ông bà mắng nhiều lắm. Học ĐH cũng khó khăn riết rồi em bị áp lực. Khi em ra trường là năm ngoái thì bố mẹ muốn em lấy vợ, người yêu em cũng sống ở Tây Ninh gần nhà. Do một lần hè, Tết về quê em gặp người ấy rồi yêu mến.

Lúc đó em chưa muốn lấy vợ nhưng vì tội nghiệp người yêu mình phải chờ đợi em cả 5 năm trời nên em cũng đành làm đám cưới. Cưới xong, em với vợ sống ở Tây Ninh được vài tháng cho đến nay. Bố mẹ em với vợ em lại không muốn em lên Tp nữa, muốn em ở lại Tây Ninh chung với gia đình.

Em rất băn khoăn vì ông bà trên Tp sẽ ra sao. Ông bà đã nuôi em từ nhỏ, tất nhiên em phải có trách nhiệm đền đáp công lao đó.  Ông em cũng đã nói với em nhiều lần; “mày về Tây Ninh là ngu, ở đây điều kiện đi làm tốt hơn rồi mai mốt có con cái đi học cũng sẽ tốt hơn rất nhiều so với ở Tây Ninh”.

Ông nói vậy nghe cũng có lý.

Em nói điều đó cho bố mẹ em biết. Mẹ em nói: “con không cần phải lo lắng vì mang tiếng là ông bà nuôi con nhưng tiền hàng tháng bố mẹ gửi lên cho ông bà còn nhiều gấp mấy lần tiền nhà người khác gửi cho con cái họ ở nhà trọ và ăn học trên Tp. Về kinh tế là sòng phẳng. Ông bà hiện tại vẫn còn khỏe, vẫn còn đi làm kiếm tiền bình thường. Cái mà nhà mình nợ ông bà là đã tạo điều kiện cho con học hành tử tế. Giờ con ở Tây Ninh rồi mai mốt ông bà già rồi thì rước ông bà về nuôi dưỡng, lúc đó là đền đáp công lao rồi”.

Em bắt đầu căng thẳng và suy nghĩ rất nhiều. Một nửa thi em muốn ở lại Tây Ninh, một nửa thì em muốn lên Tp. Nhưng gia đình là quan trọng nhất nên em cũng có ý ở lại Tây Ninh hơn.

Cái dằn vặt trong đầu em bây giờ là việc em ở lại Tây Ninh đó có phải là vô ơn với ông bà không. Và những câu nói mà ông em nói với em cứ làm em suy nghĩ là: “ở Tp để cho con cái sau này có điều kiện học hành tử tế”.

Cứ dằn vặt về chuyện đó nên em bị mất ngủ mấy ngày nay.

Em hiện đang rất hoang mang.

Em rất cần lời khuyên cũng như sự phân tích của bác sĩ.

Chờ hồi âm của bác sĩ.

^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^

Bởi sự hiện diện của H. và tình cảm biết ơn sâu đậm dành cho ông bà qua bao tháng năm như thế, những gì H. chia sẻ đã là thông điệp thương yêu và tinh thần trách nhiệm thiết yếu rồi.

1. Việc ông bà cưu mang, bảo bọc chừng ấy thời gian đã cung cấp cho H. các dấu hiệu về tình cảm thương yêu ruột thịt và mối quan tâm dài lâu. Trạng thái kinh tế cũng như tinh thần hiện tại của ông bà có thể ngăn cản họ hiểu biết, thậm chí, tham gia vào đời sống người đàn ông đã có vợ của H..

Vì lý do này, H. cần nhận ra rằng họ không thể thấu hiểu toàn bộ đời sống của cậu được– những gì cậu cảm xúc, nơi giao dịch, hay giải quyết sự vụ giúp cậu. Tuy nhiên, hy vọng thế, vẫn vui thú và mừng rõ với sự hiện diện của H. một thời gian ngắn ngủi nào đó; về phần mình, H. cũng có thể, tiếp tục học cách thoải mái với ông bà trong một thời gian ngắn. Không nhất thiết phải nhất trí, bất đồng, hoặc cố gắng cho ông bà hiểu nội tình. Vì giờ đây H. đã có gia đình riêng và sắp làm bố– trách nhiệm của một người đàn ông trưởng thành với vợ con, nội ngoại hai bên. H. đủ bận rộn để nhận ra rằng ông bà mình có thể chỉ vì quen thời gian H. từng có mặt thường xuyên trong nhà ông bà trên thành phố cũng như phát biểu của ông bà lắm lúc có thể nhằm thu hút sự chú ý của H. Đừng đánh giá hành vi cá nhân của ông bà và cố gắng thấu hiểu chúng như những gì ông bà đã tỏ ra quan tâm, chăm sóc thuở H. còn thơ bé. Tình huống cũng như mối quan hệ và những sự trợ giúp bây giờ chắc chắn khác hẳn trước đây nhiều rồi.

Khi còn nhỏ, chúng ta bị thúc đẩy sống đời của bố mẹ, ông bà mình; nếu họ nghèo và khó khăn, chúng ta nghèo và khó khăn. Nếu họ gia trưởng và đòi hỏi, chúng ta gia trưởng và đòi hỏi. Tuy thế, chính xác như H. đang là, như một người đàn ông đã lập gia đình có trách nhiệm và trưởng thành, chúng ta có cơ hội để xây dựng đời sống của chúng ta.

2. Nếu mô hình phương Tây thuộc gia đình hạt nhân có bố mẹ là trung tâm với con cái quay xung quanh như biểu tượng của điện tử thì trải nghiệm của H. cũng như người Việt với gia đình là một mạng lưới phân tử; trong hóa học, chúng ta học hỏi được rằng các kim loại là các vật chất này với điện tử không hề tách biệt với hạt nhân của chúng mà còn kết vòng tự do trong chúng. Mô hình gia đình H. đang sống cũng rõ ràng bao gồm cả ông bà nữa, chứ không đơn giản chỉ mọi người ở quê.

Ở mô hình gia đình H. trải qua, chắc chắn H. cần nhận diện ra các vấn đề nảy sinh từ sự gắn bó và cảm giác tủi thân ít nhiều như bị bỏ rơi vậy. Việc gia đình sắp xếp H. sống xa ba mẹ và trải qua suốt thời thơ ấu với ông bà như thế rõ ràng đâ phải là điều quá bất ổn hoặc tạo nên điều gì rất xấu tệ; ngược lại, tôi tin H. vẫn đang không ngừng biết ơn công dưỡng dục của cả ba mẹ lẫn ông bà.

Thực tế, có không ít trường hợp một đứa trẻ gắn bó với gia đình khác không có quan hệ sinh học; điều này cũng không bất thường;  cũng thấy xu hướng ổn thỏa lâu dài nhất quán và chẳng hề có sự bất hiếu, vô lễ đối với bố mẹ đẻ của đứa trẻ.Trải nghiệm H. có khi sống nhiều năm xa gia đình với ông bà thế chắc chắn sẽ để lại dấu ấn sâu sắc và chuyển di ít nhiều vào cách H. chăm sóc, nuôi nấng con cái sau này cũng như đã phần nào tác động tới việc H. cảm nhận về trách nhiệm phụng dưỡng ông bà đồng thời không quên công dưỡng dục cù lao của ba mẹ.

Người ta từng ví von rằng, cả làng nuôi một đứa trẻ. H. hiện đang sống với một gia đình hạt nhân mở rộng vì gồm cả ba mẹ, có bà con thân tộc kề cận xa gần và cơ chừng vẫn tiếp tục đón nhận sự thăm hỏi, trợ giúp hàng ngày. Như một nét tính cách văn hóa, hãy phục hồi trở lại cảm nhận của đứa trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng bởi ông bà từ bé để tìm cách ứng xử phù hợp trong thời điểm hiện tại, chứ không chỉ với cả làng xóm hay duy mỗi ba mẹ.

3. Khả năng của bộ não người là có năng lực để hồi tưởng lại các ký ức từng trải qua. Tuổi thơ có thể là giai đoạn đẹp đẽ của người này và có thể là những tháng năm không muốn gợi nhớ đối với kẻ khác. Không ít người mắc trầm cảm do bị ám ảnh bởi quá khứ, thời thơ ấu. Tôi khuyến cáo H. xem xét cẩn thận mức độ căng thẳng ít nhiều nếu những gì đã trải qua quấy nhiễu năng lực của bản thân đặng hồi nhớ đúng đắn, đủ đầy các kỷ niệm của một thời.

Hầu hết trẻ vị thành niên đều có mơ ước và viễn tượng về một đời sống của người trưởng thành khi mình lớn lên. Bất kể tình huống hiện tại của H. như nào, đích thị H. đã đặt chân vào đời sống của người đàn ông có vợ và vẫn đang sống cùng ba mẹ đẻ.

Nhớ rằng giai đoạn lâu dài với cảm giác tủi thân muốn khóc khi bà mẹ lên thăm hay khó chịu với nề nếp sinh hoạt hàng ngày ở nhà ông bà thì thực tế nó đã trôi qua; và tương tự, giai đoạn hiện tại này của H., với mọi thứ tốt xấu, hay dở đi kèm, cũng tạm thời chứ không thể mãi mãi. Nó sẽ kết thúc và H. sẽ đương đầu với một loạt các cơ hội và vấn đề khác biệt khi H. là trụ cột của gia đình nhỏ hơn là những gì H. đang gắng sức hài hòa, giải quyết ổn thỏa bây giờ.

Sự khác biệt ấy sẽ là ông bà, bố mẹ sẽ không ở cùng H. mãi mãi, và như một người trưởng thành, H. đang rồi sẽ tiếp tục có nhiều công cụ và tùy chọn để giải quyết các vướng bận, vấn đề nảy sinh trong cuộc sống với niềm tin về một tương lai tốt đẹp kèm theo truyền thống văn hóa và nếp nhà dạy dỗ gìn giữ, báo đáp hiếu đễ với ông bà, ba mẹ và người thân xung quanh.

Cầu chúc yên an, và mong H. tiếp tục dấn thân với tinh thần của một người đàn ông trẻ hiếu thảo.–

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top